Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Nhận định này thể hiện rõ nét qua các số liệu của Tổng cục Thống kê. Đó là trong tháng 3, cả nước có hơn 14 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 113 nghìn tỷ đồng, tăng 64,3% về số doanh nghiệp, tăng 68,7% về vốn đăng ký so với tháng 2.

Dù vậy nếu so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm 0,7% về số doanh nghiệp và giảm 22,1% về số vốn đăng ký. Tính chung quý I, cả nước có hơn 36,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 332,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,9% về số doanh nghiệp, tăng 7% về vốn so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong quý I có hơn 23,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động lên gần 59,9 nghìn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, trong tháng 3, có 4.139 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 19,6% so với tháng trước và giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2023. Có 4.980 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 1.412 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Tính chung quý I, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 53,4 nghìn, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước. Có hơn 15,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,7%; 5,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,1%. Như vậy, bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Như vậy, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ là những khó khăn, thách thức đan xen cần sớm tháo gỡ để doanh nghiệp có thể phục hồi và phát triển bền vững hơn. Cụ thể, việc trước tiên cần làm là khôi phục các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Đây là yêu cầu vừa mang tính cấp bách vừa có tính chiến lược lâu dài.

Các động lực truyền thống, như phân tích của một chuyên gia chính là thị trường tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp phải tiếp cận được thị trường, cả trong nước và nước ngoài, từ đó sẽ tạo nguồn lực trở lại để phát triển. Ngoài ra kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số cũng sẽ là những động lực tăng trưởng mới doanh nghiệp cần thiết phải bắt kịp và đi theo xu thế này.

Tiếp đó là cần giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Sớm hoàn thiện thể chế khuyến khích ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Những năm qua, Quốc hội, Chính phủ luôn đồng hành, tháo gỡ không ít rào cản về mặt thể chế, chính sách nhằm mở rộng không gian kinh tế bởi thể chế chính là nguồn lực, thậm chí là chìa khóa để phát triển.

Cụ thể như Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Là Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngay trong những ngày đầu của năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời là chìa khóa làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và khai mở những động lực tăng trưởng mới.

Đây là những tiền đề, cơ sở pháp lý quan trọng. Vấn đề còn lại nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện. Là sự quyết liệt, kịp thời phải liên tục được duy trì nhằm tiếp tục đồng hành, trợ lực, vun đắp niềm tin cho doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.