Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 đưa ra 8 tiêu chí để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có cán bộ quản lý, giáo viên) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Một trong những tiêu chí đó là có ít nhất một công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong hoạt động công vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền công nhận. Trong Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, sáng kiến cũng là điều kiện “cứng” để xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua…
Sáng kiến - kinh nghiệm - những ý tưởng, sáng tạo, cải tiến mới được đúc kết, tích lũy trong quá trình công tác, làm việc - vốn có ý nghĩa tích cực, giúp người viết lưu và lan tỏa kinh nghiệm của mình cho đồng nghiệp.
Tuy nhiên, khi gắn với lợi ích, trở thành điều kiện để xét thi đua, việc viết sáng kiến - kinh nghiệm bắt đầu phát sinh bất cập; xuất hiện tình trạng chạy đua thành tích, sao chép, mua bán, làm đối phó, hình thức… Điều này vô hình trung cổ vũ cho bệnh thành tích, giảm động lực và tạo gánh nặng không cần thiết cho giáo viên...
Có những câu chuyện dở khóc, dở cười, như cùng một sáng kiến, đứng tên người này thì không đạt, nhưng chuyển sang tên người khác lại được chấm đạt; người dù chỉ phụ trách việc đánh máy, in ấn nhưng cũng đứng tên trong giải pháp chung của tập thể, để từ đó xét “Chiến sĩ thi đua”…
“Tôi thấy yêu cầu cả bảo vệ ở các trường phải viết sáng kiến - kinh nghiệm thì kỳ quá!”, lãnh đạo một sở GD&ĐT từng chia sẻ trên báo chí. Không ít giáo viên giỏi, có thành tích nhưng không đạt danh hiệu nào chỉ vì không có sáng kiến, hoặc ngại viết sáng kiến - kinh nghiệm.
Những bất cập này đã được Bộ GD&ĐT nhìn ra, thể hiện ở Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT ngày 31/12/2015 hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng. Với Thông tư này, Bộ GD&ĐT đã đưa ra nhiều tiêu chí có thể thay thế sáng kiến - kinh nghiệm.
Chẳng hạn, giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên; giáo viên THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên; giáo viên giảng dạy, bồi dưỡng được 1 học sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi cấp tỉnh...
Một quy định được đông đảo nhà giáo ủng hộ vì hợp lý, hợp tình, khuyến khích sự cố gắng của giáo viên… nhưng đáng tiếc không phát huy được nhiều trong thực tiễn vì vướng quy định trong Luật Thi đua, khen thưởng.
Cho đến ngày 1/1/2024, khi Luật Thi đua, khen thưởng 2022 có hiệu lực thi hành, “gánh nặng” sáng kiến - kinh nghiệm mới chính thức giảm đi. Theo đó, xét danh hiệu thi đua “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” không bắt buộc có sáng kiến - kinh nghiệm mà có thể thay bằng đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc đề tài khoa học...
Cán bộ quản lý, giáo viên phấn khởi trước quy định mới này bởi không chỉ có thể giảm nhiều bất cập, mà còn giúp công tác thi đua khen thưởng thực chất, đúng người, đúng việc hơn.
Tuy nhiên, để đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoặc có đề tài khoa học không hề đơn giản, nên có thể nhiều người vẫn chọn viết sáng kiến - kinh nghiệm để làm điều kiện xét thi đua. Do đó, cần tiếp tục thay đổi nhận thức; làm sao để sáng kiến - kinh nghiệm thực sự xuất phát từ nhu cầu phát triển bản thân, giúp thực hiện nhiệm vụ khoa học, hiệu quả hơn.
Cùng với đó, triển khai công tác thi đua, khen thưởng chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời; hướng đến mục tiêu động viên, thu hút, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.