Giải pháp căn cơ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Dù được quan tâm và tăng cường đầu tư trong những năm qua nhưng mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục.

Tình trạng thiếu trường, lớp, đặc biệt tại một số khu đô thị, công nghiệp, chế xuất, vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn; quá tải tại các trường học chưa được khắc phục. Ở một số địa bàn, sĩ số học sinh/lớp, số lớp/trường vượt quá quy định...

Nguyên nhân chính do áp lực tăng dân số cơ học, trường lớp chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng số lượng học sinh hàng năm; các địa phương chưa quan tâm thỏa đáng trong quy hoạch mạng lưới trường lớp đủ về diện tích và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu trường chuẩn quốc gia…

Áp lực trường lớp thể hiện rõ nhất trước mỗi mùa tuyển sinh. Như tại Hà Nội, hầu như năm học nào học sinh cũng tăng mạnh. Riêng năm học 2024 - 2025, theo thông tin từ sở GD&ĐT, số học sinh tăng (chưa tính mầm non) khoảng 70 nghìn so với năm học trước; tương ứng phải xây thêm hàng chục trường mới có thể đủ chỗ học.

Hoặc như Nghệ An, việc tăng đột biến học sinh lớp 9 cũng khiến tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 gặp khó khăn. Giải pháp sở GD&ĐT đưa ra là tăng thêm cho 3 trường công lập ở thành phố Vinh mỗi trường 3 lớp; đồng thời cho tuyển sinh lớp 10 Trường Phổ thông Thực hành ĐH Vinh, Trường Phổ thông Thực hành CĐ Sư phạm, mỗi trường 3 lớp…

Năm 2023, Sở GD&ĐT Hà Nội từng đề xuất Bộ GD&ĐT được áp dụng cơ chế đặc thù trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập tại các quận và một số địa bàn huyện giáp ranh khu vực nội thành. Theo đó, đề xuất cho phép tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường, vượt 5 lớp/trường); tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 5 học sinh/lớp); cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, mới đây Bộ GD&ĐT đã xin ý kiến góp ý rộng rãi dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020. Một số sửa đổi đáng chú ý tại dự thảo liên quan đến tiêu chuẩn cơ sở vật chất, quy mô của trường mầm non, phổ thông.

Theo đó, trường mầm non có quy mô tối thiểu 9 nhóm, lớp và tối đa 30 nhóm, lớp; trường tại các xã thuộc vùng khó khăn và trường dân lập, tư thục có quy mô tối thiểu 5 nhóm, lớp (quy định hiện hành, trường mầm non có tối đa 20 nhóm, lớp).

Trường tiểu học có quy mô tối thiểu 10 lớp và tối đa 40 lớp; trường tại các xã thuộc vùng khó khăn có quy mô tối thiểu 5 lớp (quy định hiện hành, trường tiểu học có tối đa 30 lớp). Đối với các trường THPT, quy mô tối thiểu 15 lớp và tối đa 50 lớp (quy định hiện hành là tối đa 45 lớp)…

Những sửa đổi này nhận được nhiều ý kiến đồng tình vì góp phần quan trọng giải bài toán quá tải trường lớp hiện nay. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc tăng số lớp/trường là khó khăn lớn đối với các trường nội thành vốn có diện tích chật hẹp, khó mở rộng.

Do đó, giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường. Đồng thời, tiếp tục có chính sách mạnh mẽ hỗ trợ trường ngoài công lập phát triển; đầu tư hơn nữa cho hệ thống trường nghề thu hút người học, từ đó làm tốt công tác phân luồng… Bởi, ở trường, ngoài học văn hóa, học sinh còn cần không gian để vui chơi, rèn luyện, từ đó phát triển toàn diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ