Hội nghị Trung ương 5 và kỳ vọng đột phá thể chế

Các ý kiến cho rằng để thúc đẩy kinh tế phát triển, điều kiện tiên quyết là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với tinh thần nhà nước không can thiệp bằng các biện pháp hành chính, ngay cả trong việc hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp.

Hội nghị Trung ương 5 khóa XII thảo luận nhiều vấn đề rất lớn và quan trọng. - Ảnh: VGP
Hội nghị Trung ương 5 khóa XII thảo luận nhiều vấn đề rất lớn và quan trọng. - Ảnh: VGP

Thông cáo báo chí của Văn phòng Trung ương Đảng cho biết, Hội nghị Trung ương 5 thảo luận về 3 nhóm vấn đề rất lớn, rất quan trọng và có liên hệ mật thiết với nhau: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; và tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân.

Kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân: Động lực phát triển

PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Hành chính khu vực IV, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng khi những động lực phát triển kinh tế theo chiều rộng đã tới hạn thì hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là yêu cầu bức xúc hiện nay. Thể chế kinh tế thị trường ngày nay được xem là động lực phát triển, cùng với kinh tế tư nhân, ông Nguyễn Quốc Dũng nhận định trên báo điện tử VOV.

Ông Nguyễn Quốc Dũng cũng bày tỏ kỳ vọng  Hội nghị Trung ương 5 sẽ đưa ra những quan điểm đổi mới mang tính đột phá về kinh tế, trong đó có những quan điểm về thể chế kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân.

Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, trong Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ hai sắp được tổ chức, trong khoảng 2.000 đại biểu trực tiếp dự Hội nghị, khối kinh tế tư nhân sẽ là thành phần chủ yếu với khoảng 1.500 đại biểu.

“Điều này cân đối với vai trò và số lượng của khu vực tư nhân với nền kinh tế. Hiện cả nước chỉ còn khoảng 300 doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta đặt mục tiêu tới năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp thì cũng chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân. Nói tới doanh nghiệp thì vai trò, số lượng chủ yếu vẫn là doanh nghiệp tư nhân”, ông Lê Mạnh Hà cho biết.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cũng nêu quan điểm, mặc dù doanh nghiệp nói chung được coi là động lực phát triển, nhưng đóng vai trò chính vẫn là khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước. Đây chính là động lực phát triển bền vững, là chìa khóa của sự phát triển. “Trong bối cảnh hiện nay, phải thay đổi mạnh mẽ nhận thức về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, với những thông điệp mạnh mẽ”, ông Lộc bày tỏ quan điểm.

Phục vụ doanh nghiệp nhưng không làm thay thị trường

Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, để vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển, cần thực hiện nhất quán tư duy nhà nước tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, nhà nước không làm thay thị trường, làm thay doanh nghiệp, ngay cả trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo theo ông Hồ Sĩ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã trình Quốc hội thể hiện sự thay đổi trong cách thức ứng xử của nhà nước, từ quản lý sang hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, dự thảo Luật khẳng định rất mạnh mẽ nguyên tắc không hành chính hóa các hoạt động hỗ trợ, tất cả đều được thực hiện theo nguyên tắc đấu thầu, không giao các cơ quan nhà nước tự thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Hùng cũng cho rằng trong một số trường hợp cấp bách, hãn hữu như “khủng hoảng thịt lợn” hiện nay, có thể có những giải pháp mang tính tình huống. Tuy nhiên, về lâu dài, việc hỗ trợ phải mang tính thị trường, thông qua phát triển các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh. Thực tế, một số cơ quan cũng đã triển khai các giải pháp như vậy, chẳng hạn thông tin hải quan về khối lượng xuất nhập khẩu các mặt hàng qua từng tháng, từng quý, qua đó có thể thấy được xu hướng thị trường.

“Nhà nước có thể khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, cung cấp thông tin và doanh nghiệp tự quyết định trên cơ sở các thông tin này, chứ nhà nước không đưa ra những biện pháp như hạn chế số lượng sản phẩm hay quy hoạch”, ông Hùng bày tỏ quan điểm.

Cùng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần hết sức tránh tình trạng cơ quan nhà nước can thiệp quá sâu vào thị trường. “Chúng ta sốt sắng phát triển thị trường, phát triển doanh nghiệp, nhưng phải bằng các biện pháp kinh tế, bằng chính sách để thúc đẩy sự phát triển, chứ không phải nhà nước trực tiếp can thiệp bằng những biện pháp hành chính – điều này có thể gây ra những hậu quả về mặt dài hạn”, ông Lộc kiến nghị.

Theo đó, Chính phủ phục vụ doanh nghiệp nhưng không làm thay doanh nghiệp, làm thay thị trường. Cùng với việc đẩy mạnh cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, nhà nước cần “thoái sức” ra khỏi các dịch vụ công, tức là đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ công. Ngay cả trong việc phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà nước cũng không nên không hành chính hóa các hoạt động tư vấn, đào tạo, xúc tiến… mà nên khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, với sự cạnh tranh của thị trường.

Ông Lê Mạnh Hà cũng ủng hộ quan điểm không hỗ trợ doanh nghiệp bằng biện pháp hành chính. Chẳng hạn với vấn đề thịt lợn hiện nay, ông cho rằng tình trạng được mùa mất giá là một quy luật của thị trường, vấn đề mấu chốt nhất là làm sao để cơ chế thị trường vận hành một cách đầy đủ, tốt nhất thì tác động, hậu quả của tình trạng dư thừa sẽ giảm đi, sau đó trở về quỹ đạo bình thường.

5 vấn đề mấu chốt để phát triển kinh tế tư nhân

Góp ý về những giải pháp phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam, trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng có 5 vấn đề mấu chốt nhất.

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật, gỡ bỏ những gì là rào cản, vướng mắc với doanh nghiệp. Nhiều quy định hiện hành vẫn không phù hợp với cơ chế thị trường, can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, từ đó không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện cho cán bộ, công chức nhũng nhiễu.

Thứ hai, cần đẩy mạnh chống tham nhũng. Bởi chi phí không chính thức đang là một gánh nặng với các doanh nghiệp. “Trên thị trường, nhiều khi chỉ hơn kém 0,5% chi phí thôi đã đủ tạo nên sự khác biệt lớn về khả năng cạnh tranh. Trong khi đó tại Việt Nam, gánh nặng chi phí không chính thức vẫn rất lớn”, ông Thành nói.

Thứ ba, cần giảm lãi suất vay vốn. Trong khi ở nhiều nước, lãi suất chỉ ở mức 2-3% thì ở Việt Nam, lãi suất phổ biến hiện nay vẫn ở mức 9-10%, nên doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh.

Thứ tư, có thể tham khảo mô hình cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ (U.S. Small Business Administration – SBA), với các hoạt động hỗ trợ thiết thực, cụ thể cho doanh nghiệp nhỏ. Chẳng hạn, khi một doanh nghiệp muốn khởi nghiệp thì sẽ giúp xem xét ý tưởng khởi nghiệp đó có khả thi không, có trùng với các ý tưởng khác không… để tránh đi vào con đường người khác đã đi.

Thứ năm là tăng cường đào tạo, có thể thông qua các lớp học ngắn hạn để nâng cao trình độ cho các doanh nhân. Điều này đòi hỏi một chiến lược, kế hoạch đào tạo tổng thể của nhà nước và có sự tham gia của các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu….

Theo baochinhphu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ