DN nội lép vế hoàn toàn
Cách đây đúng 10 năm (năm 2007), Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Đây cũng chính là mốc thời gian đánh dấu sự có mặt của các nhà phân phối nước ngoài. Giai đoạn đầu, nhà phân phối nước ngoài được thực hiện hoạt động phân phối dưới hình thức bắt buộc là liên doanh (góp 49% vốn) với đối tác Việt Nam.
Tuy nhiên, sau đó 1 năm (1/1/2008), các DN ngoại không bị hạn chế về tỉ lệ vốn góp (có thể lên tới 99,99%). Và cũng chỉ 1 năm sau, (1/1/2009), thị trường bán lẻ Việt Nam chính thức mở hoàn toàn khi nhà đầu tư nước ngoài được thành lập DN 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ.
Với sự mở cửa này, vài năm trở lại đây, các nhà bán lẻ nước ngoài đã tích cực đổ bộ vào Việt Nam. Trên thực tế, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng khi có cơ cấu dân số trẻ, tỉ lệ người dân đến các trung tâm thương mại ngày càng nhiều.
Đáng chú ý, với quy mô 110 tỷ USD (2016) và dự báo sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.
Những thương hiệu đình đám về bán lẻ từ Thái Lan (Central Group), Hàn Quốc (Lotte), Nhật Bản (AEON)… đến thời điểm này không còn xa lạ đối với người dân Việt Nam ở các đô thị lớn.
Theo đó, DN ngoại vào Việt Nam bằng nhiều con đường như mua bán, sáp nhập, liên kết với DN nội để hình thành chuỗi bán lẻ cho mình. Không chỉ vậy, hàng hóa Thái, Nhật, Hàn Quốc… cũng đổ bộ vào Việt Nam theo con đường “bán lẻ” nhờ giảm thuế theo cam kết của các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia.
Theo đại diện Bộ Công Thương, hiện số liệu thống kê thì doanh số bán lẻ của khối FDI chỉ chiếm khoảng 4% nhưng doanh số bán ra tại một điểm bán lẻ của khối FDI cao gấp 4-5 lần, thậm chí gấp 7-8 lần so với doanh số một siêu thị nội. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi với lợi thế về vốn, quy mô, quản trị, sự chuyên nghiệp, DN FDI hơn hẳn các DN nội nên họ dễ dàng thâu tóm thị trường.
Nhiều chuyên gia khác cũng bày tỏ lo ngại về sự lép vế của DN nội trong “cuộc đua bán lẻ” khi mà sự chuẩn bị của chúng ta còn chưa đầy đủ và chưa có chiến lược ở cả 3 cấp: Nhà nước, ngành và DN. Tương lai thâu tóm thị trường bán lẻ của DN nước ngoài không còn xa nếu chúng ta không nhanh chân.
Hiện tại, “bão” hàng hoá ngoại đã “đổ bộ” vào Việt Nam qua các kênh bán lẻ này và đẩy hàng hóa Việt ra khỏi hệ thống là hoàn toàn có cơ sở khi nhiều siêu thị đòi tăng chiết khấu đối với hàng Việt.
Chính phủ vào cuộc
Sự lo lắng này có lẽ không còn dừng ở cấp chuyên gia nữa mà đã tới cấp Chính phủ. Điều này thể hiện khá rõ tại cuộc họp gần đây về “Tình hình, giải pháp quản lý, phát triển thị trường bán lẻ và dự thảo nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì.
Phó Thủ tướng bày tỏ quan điểm, thực tế công tác quản lý đối với thị trường phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước thời gian qua cho thấy nhận thức của các bộ, ngành và địa phương về việc mở cửa thị trường còn chưa thực sự thống nhất; việc thực hiện phân tích nhu cầu kinh tế ở nhiều địa phương còn mang tính hình thức, chưa đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng; việc kiểm soát chấp hành pháp luật trong hoạt động của DN phân phối có vốn đầu tư nước ngoài chưa hiệu quả, chưa có các biện pháp hỗ trợ hợp lý để DN trong nước phát triển, mở rộng hệ thống phân phối trong nước.
Thực trạng ngành bán lẻ Việt Nam “nóng” ra sao đã được giới chuyên gia “mổ xẻ” rất nhiều qua các cuộc hội thảo, ở nghị trường Quốc hội… Dù muộn nhưng việc cấp bách tìm giải pháp để giữ được hệ thống bán lẻ lúc này là hết sức cần thiết, bởi hệ thống phân phối rất quan trọng, ai nắm được hệ thống phân phối thì người đó thắng. Chính vì thế, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu đồng loạt 4 bộ và các địa phương cùng vào cuộc để tìm giải pháp “cứu” ngành bán lẻ.
Theo đó, 3 bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư sẽ phải phối hợp với các địa phương, rà soát, điều chỉnh quy định trong lĩnh vực bán lẻ, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc triển khai thực hiện, nhất là đối với việc mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;
Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở bán buôn, bán lẻ của nhà đầu tư, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài về thuế, giá để ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn thuế và thực hiện truy thu thuế theo đúng quy định;
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khái niệm “nhà đầu tư nước ngoài" và "tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài" quy định tại Luật Đầu tư để quản lý được các nhà đầu tư, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam...