“Cuộc chiến” không cân sức
Trên “sân nhà”, dù trước đó từng tuyên bố đủ khả năng đối đầu nhưng trước sức ép cạnh tranh gay gắt về lợi thế công nghệ, khả năng sáng tạo, nguồn vốn cũng như chiến lược triển khai trong quảng cáo trực tuyến, các DN Việt thực sự không trụ nổi trong khi nhiều DN nước ngoài đã và đang xem đây là cơ hội “tấn công” thị trường Việt. Điều này cho thấy “cuộc chiến” trên thị trường này ngày càng không cân sức khi phần thắng đang nghiêng hẳn về các DN nước ngoài.
Số liệu báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2017 vừa được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố đánh giá, năm 2016 chứng kiến mạng xã hội vượt qua công cụ tìm kiếm, trở thành phương tiện quảng cáo trực tuyến được các DN sử dụng nhiều nhất với tỷ lệ tương ứng là 47% và 41%.
E-mail tiếp tục là kênh quảng cáo được nhiều DN quan tâm (36%). Quảng cáo qua báo điện tử và báo giấy khá ổn định với tỷ lệ tương ứng là 34% và 20%. Quảng cáo truyền hình có xu hướng giảm và ổn định ở mức xấp xỉ 10 – 13%. Mạng xã hội không những được sử dụng nhiều nhất mà còn được xem như kênh quảng cáo hiệu quả tương đương với công cụ tìm kiếm, 46% DN cho biết quảng cáo trên mạng xã hội đạt hiệu quả cao trong khi tỷ lệ này ở công cụ tìm kiếm là 44%.
Kết quả khảo sát của VECOM cũng phù hợp với một cuộc khảo sát độc lập khác mà đối tượng tham gia là các khách hàng cá nhân mua sắm trực tuyến. Có 67% khách hàng cá nhân lựa chọn website hay ứng dụng di động để mua sắm sau khi xem bình luận, đánh giá trên mạng, nhất là các mạng xã hội. Đáng chú ý là yếu tố thứ 2 tác động tới quyết định địa chỉ sẽ mua sắm trực tuyến vẫn dựa vào sự giới thiệu của bạn bè và người thân (47%), trong khi các quảng cáo trên báo điện tử, báo giấy và truyền hình xếp thứ ba (33%).
Tuy nhiên, tới 17% DN tham gia khảo sát cho biết chưa triển khai bất kỳ hoạt động quảng cáo trực tuyến nào. Theo khảo sát của VECOM, doanh thu của cả thị trường quảng cáo trực tuyến vẫn trên đà tăng trưởng mạnh. Ngoài các DN, đông đảo thương nhân là những hộ kinh doanh và cá nhân đã khai thác lợi thế bán hàng trực tuyến. Thành phần này góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của quảng cáo trên mạng xã hội...
Thị phần trong tay các DN ngoại
Xu hướng quảng cáo qua mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm đang ngày càng phát triển, khi đem lại cho DN hiệu quả tích cực với chiều hướng tăng dần qua các năm. Cụ thể, từ năm 2015 sang năm 2016, xu hướng quảng cáo trên báo giấy tăng từ 15% lên 20%, qua mạng xã hội tăng từ 25% lên 46%, qua công cụ tìm kiếm tăng từ 32% lên 44%.
Theo báo cáo mới đây của Nielsen về Xu hướng Người mua hàng năm 2017, thị trường thương mại điện tử Việt Nam những năm qua phát triển vô cùng sôi động. Số người mua đa kênh sẽ so sánh các thương hiệu khác nhau (52%) hoặc sẽ kiểm tra chất lượng hay uy tín của thương hiệu (63%) trên Internet trước khi quyết định mua hàng. Điều này cho thấy tiềm năng thị trường quảng cáo trực tuyến là vô cùng lớn. Song thực tế hiện nay, quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam đang bị chi phối mạnh mẽ bởi các DN nước ngoài.
Khảo sát của Vinalink (công ty chuyên về nghiên cứu và khảo sát thị trường) cho biết, năm 2015, Facebook dẫn đầu về doanh thu quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam với 3.000 tỷ đồng, Google đứng thứ 2 với 2.200 tỷ đồng. Trong khi toàn bộ DN Việt từ Admicro, Adtima đến Cốc Cốc chỉ thu về gần 1.900 tỷ đồng.
Trước đó, số liệu của Công ty CP Giải pháp quảng cáo trực tuyến ANTS (một dự án khởi nghiệp của Tập đoàn FPT) cho thấy, năm 2013, doanh thu từ quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam đạt 131 triệu USD, Google và Facebook chiếm lần lượt là 31% và 23%. Trong khi đó một số DN quảng cáo trực tuyến của Việt Nam lại phải “giã từ” thị trường hoặc hoạt động cầm chừng như: Xalo.vn, Socbay.vn hay Cốc Cốc, Admicro, Adtima...