Nỗi lo 'mất Tết'

GD&TĐ - Về quê đón Tết sớm nhưng nỗi lo 'mất Tết' có lẽ đang thường trực trong tâm trí những lao động bị cắt giảm giờ làm, bị mất việc.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Bức tranh về thị trường lao động những ngày cuối năm này một lần nữa được tái hiện rõ nét trong bài trình bày của Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam vừa diễn ra.

Theo đó, từ tháng 9 đến nay đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương, đặc biệt là ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ, điện tử gặp khó khăn, bị thiếu, cắt giảm đơn hàng. Điều này khiến hàng trăm nghìn lao động bị giảm giờ làm, mất việc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập, đời sống của họ.

Tổng hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, từ tháng 9/2022 đến hết ngày 10/12/2022 đã có 1.242 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 482 nghìn lao động.

Số lao động bị ảnh hưởng trên phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng).

Lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam (chiếm 70% tổng số người lao động bị ảnh hưởng của toàn quốc).

Trong bối cảnh sau 2 năm chống chọi với đại dịch, người lao động đã không còn tích lũy thì việc chịu thêm cú sốc về việc làm và thu nhập sẽ “đánh gục” không ít người, đặc biệt là lao động yếu thế như nữ giới, người nhiều tuổi…

Trong bối cảnh bình thường, nhiều lao động đã phải sống tằn tiện, gửi con về quê, đời sống vật chất thiếu thốn, đời sống tinh thần gần như bỏ trống, không có hoặc có rất ít tích lũy, rất dễ bị tổn thương trước biến cố hoặc khủng hoảng. Giờ mất việc trước thềm Tết Nguyên đán thì khốn khó càng thêm khốn khó.

Đã vậy, tương lai không mấy sáng sủa khi tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được dự báo còn gặp khó khăn. Khả năng đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II năm tới.

Giờ này những năm trước là thời điểm các doanh nghiệp và người lao động triển khai kế hoạch tăng ca, đảm bảo đơn hàng cho các đối tác. Tuy nhiên, năm nay hàng vạn người lao động phải về quê đón Tết trước hàng tháng, thậm chí là vài tháng. Về quê đón Tết sớm nhưng nỗi lo “mất Tết” có lẽ đang thường trực trong tâm trí những lao động bị cắt giảm giờ làm, bị mất việc.

Vào lúc này, quan tâm và trợ giúp để người lao động có một cái Tết đầm ấm, tươi vui, an toàn chính là sự bù đắp ý nghĩa cho những khó khăn họ đã và đang trải qua.

Về lâu dài, sự chăm lo ý nghĩa hơn và ở phạm vi rộng hơn sẽ không dừng lại ở những phiên chợ, chuyến xe 0 đồng, những gói quà Tết cho từng cá nhân người lao động.

Biến mong ước của hàng chục triệu công nhân - có công ăn việc làm ổn định; có một nơi ăn chốn ở đường hoàng; có trường học cho con em; có cơ sở y tế để được chăm sóc sức khỏe và các thiết chế văn hóa, giải trí để nuôi dưỡng đời sống tinh thần... - thành hiện thực, đó là bài toán chính sách lớn cần lời giải căn cơ!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.