Đề xuất gói hỗ trợ cấp thiết cho lao động bị mất việc

GD&TĐ - Chuyên gia mong muốn tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư để có thêm đơn hàng và cần gói hỗ trợ người lao động dịp cuối năm.

Cần có gói hỗ trợ cấp thiết cho người lao động. Ảnh minh họa
Cần có gói hỗ trợ cấp thiết cho người lao động. Ảnh minh họa

Thu nhập giảm sút

Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội - cho biết, qua nắm bắt từ doanh nghiệp và cơ sở, nếu như thời điểm này những năm trước, NLĐ thường nhộn nhịp tăng ca để bảo đảm tiến độ đơn hàng, thì hiện nay nhiều nơi không có việc. Vì thế, công nhân không có điều kiện làm thêm giờ, thu nhập bị giảm sút rất nhiều. Qua khảo sát trên địa bàn khu dân cư cũng cho thấy, cùng với những tác động kép từ Covid-19, nhiều NLĐ đã trả phòng trọ để về quê. Từ thực tế trên, ông Thắng đề xuất, Chính phủ cần tăng cường kiểm soát về giá, không để lạm phát tăng cao. Đồng thời đề nghị thành phố tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá cho công nhân lao động. Song song với đó, cơ quan chức năng cần kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

“Đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại lao động đáp ứng yêu cầu công việc mới. Với doanh nghiệp, cần tiếp tục thực hiện các chính sách Chính phủ đã ban hành như giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% để hỗ trợ doanh nghiệp. Tiếp tục cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn để phục hồi, phát triển kinh tế. Đặc biệt, khi phê duyệt xây dựng mới các khu công nghiệp, phải có chính sách đồng bộ về nhà ở, trường học đi kèm để đảm bảo an sinh xã hội; tạo động lực cho NLĐ yên tâm cống hiến”, ông Thắng đề nghị.

Bà Hoàng Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt May Hà Nội - cho biết: Năm nay là 1 năm rất khó khăn đối với lao động của ngành. Hiện, ngành có khoảng 20.000 lao động. Qua nắm bắt từ cơ sở, những doanh nghiệp có đơn hàng đến hết quý I/2023 là rất ít, chủ yếu các doanh nghiệp duy trì được đơn hàng đến hết tháng 12/2022. Do đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang phải căng mình để giữ chân công nhân. Theo bà Hồng, nếu tình trạng này kéo dài sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp ngành Dệt May khi có lại đơn hàng. Bởi do đặc thù của ngành là thu nhập không cao, thời gian làm việc kéo dài, hay phải làm thêm giờ nên rất khó thu hút lao động.

Bà Hồng cho biết thêm, ngành Dệt May Hà Nội có 4 đơn vị đang nợ lương của NLĐ. Trong đó có 2 doanh nghiệp do người nước ngoài làm chủ. Để đảm bảo quyền lợi của NLĐ, ngành đã báo cáo với thành phố. Đồng thời làm việc với cơ quan chức năng có biện pháp quản lý, tránh tình trạng ông chủ nước ngoài “trốn” về nước, không đảm bảo các chế độ cho NLĐ. Trong bối cảnh cận kề Tết Nguyên đán, Công đoàn ngành ưu tiên dồn nguồn lực hỗ trợ, chăm lo Tết cho toàn bộ NLĐ tại những doanh nghiệp đang nợ lương, không cần xét chọn đối tượng như những đơn vị khác. Tuy nhiên, mức hỗ trợ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/lần chỉ là giải pháp tình thế.

Tác động to lớn

Ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn - cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ từ 44 Liên đoàn Lao động tỉnh, do thiếu đơn hàng, hiện có khoảng 500.000 NLĐ bị ảnh hưởng việc làm. Trong đó có 42.000 lao động bị mất việc, tương đương với 100.000 người bị ảnh hưởng. Đáng chú ý, trong số lao động bị ảnh hưởng việc làm thì có 31.000 lao động nữ trên 35 tuổi, 10.000 lao động nữ nuôi con nhỏ, đang mang bầu.

Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lao động - việc làm, cán bộ Công đoàn các tỉnh, thành phố đề nghị, cần có chính sách hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng, sát thực tế đối với NLĐ bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng, giảm giờ làm… Trước hết, khi Tết Nguyên đán cận kề, cần có gói hỗ trợ cấp thiết cho NLĐ bị mất việc. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, làm thế nào để doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển lâu dài, từ đó tạo điều kiện về việc làm cho NLĐ.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho rằng, nhiều tháng gần đây, do tình hình khó khăn kinh tế trong nước và thế giới, không ít doanh nghiệp thiếu đơn hàng, giảm đơn hàng. Bên cạnh đó, nhiều công nhân mất việc làm và không ít người trong số họ buộc phải trở về quê. Điều đó đặt ra bài toán lớn cho cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp duy trì sự ổn định chuỗi cung ứng lao động. Nhất là đảm bảo đời sống, việc làm cho NLĐ trong bối cảnh Tết cổ truyền đang đến gần. Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, tổ chức Công đoàn đang nỗ lực đồng hành với doanh nghiệp giữ chân NLĐ. Cùng với đó là hỗ trợ việc làm, thu nhập để NLĐ chèo chống qua giai đoạn khó khăn.

“Hơn lúc nào hết, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của tổ chức Công đoàn, lúc này chúng ta phải có chính sách hoặc gói hỗ trợ thỏa đáng, sát với thực tiễn đời sống để hỗ trợ, nuôi dưỡng nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì phát triển. Bởi nếu các doanh nghiệp đóng cửa hoặc bị xóa sổ thì không chỉ thiệt thòi cho NLĐ, mà còn thiệt thòi cho cả nền kinh tế của đất nước. Gói chính sách cần đảm bảo cả mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, giúp doanh nghiệp duy trì, tồn tại qua thời điểm khó khăn, sau này có cơ hội sẽ tiếp tục phát triển, đóng góp cho đất nước”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị.

“Chúng tôi mong muốn có sự can thiệp của Chính phủ trong các hoạt động đẩy mạnh xúc tiến thương mại để có thêm các đơn hàng mới. Đây là động thái cốt lõi để NLĐ có việc làm ổn định, đảm bảo thu nhập cho NLĐ”, bà Hoàng Thị Thu Hồng đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tin đăng nhan vien kho tại Vieclam24hHướng dẫn tìm việc tại VietnamWorks Đơn hàng thực tập sinh nhật bản