Sinh viên chế tạo robot vớt rác trên sông

GD&TĐ - MudBot-Clean - Robot tự động vớt rác trên sông là mô hình sáng chế của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau.

Nhóm sinh viên chụp ảnh bên mô hình robot vớt rác trên sông.
Nhóm sinh viên chụp ảnh bên mô hình robot vớt rác trên sông.

Sáng chế với mong muốn góp thêm giải pháp xanh bảo vệ những dòng sông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mô hình này vừa đoạt giải Nhất trong cuộc thi khởi nghiệp Cà Mau 2024 (CamaUp24).

Giải pháp xanh làm sạch những dòng sông

MudBot-Clean do nhóm sinh viên gồm Quách Bình Phước, Nguyễn Triết Lãm, Nguyễn Đăng Phúc, Huỳnh Văn Duy thuộc lớp Cơ điện tử khóa 2022, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau sáng chế.

Quách Bình Phước, Trưởng nhóm thực hiện dự án cho biết, ý tưởng thực hiện mô hình MudBot-Clean xuất phát từ thực tế nhiều dòng sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang bị ô nhiễm bởi hứng chịu rác thải sinh hoạt.

“Là một đoàn viên và là chủ nhiệm của Câu lạc bộ Thanh niên vì môi trường, trong quá trình hoạt động, em đã tham gia nhiều chiến dịch bảo vệ môi trường như Mùa Hè xanh, Chủ nhật xanh... Em hiểu rõ những khó khăn, cực nhọc, cũng như nguy hiểm khi phải vớt rác trên các con sông, dòng kênh nên có sự đồng cảm sâu sắc với công việc của những công nhân vệ sinh, ngày ngày đối mặt với khối lượng rác thải khổng lồ để giữ gìn môi trường sống trong lành.

Từ đồng cảm hình thành trong em suy nghĩ về việc sáng chế ra một mô hình có thể hỗ trợ vớt rác trên sông một cách hiệu quả mà có thể giảm thiểu tối đa sức lao động”, Bình Phước chia sẻ.

sinh-vien-che-tao-robot-vot-rac-tren-song-4.jpg
Quách Bình Phước đại diện nhóm lên nhận giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp Cà Mau 2024.

Xuất phát từ ý tưởng trên, chàng sinh viên Quách Bình Phước lên mạng tìm hiểu một số giải pháp hỗ trợ vớt rác trên sông đã được triển khai thời gian qua và biết được một số quốc gia đã sử dụng mô hình robot vớt rác trên sông.

Tuy nhiên, những con robot này có giá thành khá cao và chưa chắc sử dụng phù hợp với địa hình, lượng rác thải trên các tuyến sông ở Việt Nam. Phước trăn trở làm ra một sản phẩm robot vớt rác trên sông mang thương hiệu made in Việt Nam, vừa giúp giảm giá thành, vừa tự chủ trong phần chế tạo mạch và cơ khí.

“Khi bàn bạc thực hiện ý tưởng em cùng các bạn trong nhóm bắt tay vào việc thiết kế, tìm kiếm nguyên vật liệu phù hợp để lắp ráp, chế tạo thử nghiệm với sự hỗ trợ kỹ thuật từ thầy phụ trách.

Trong quá trình nghiên cứu nhóm cũng gặp nhiều khó khăn do hạn chế nguồn kinh phí, thiếu kiến thức thực tiễn... Không ít lần mô hình bị thất bại, phải làm đi làm lại nhiều lần. Tuy nhiên, chúng em luôn kiên trì, không nản chí, chịu khó nghiên cứu, cuối cùng sau 4 tháng thực hiện nhóm cũng đã hoàn thiện sản phẩm với các tính năng cơ bản”, Bình Phước cho biết.

Thực hiện dự án này, nhóm sinh viên được thầy Lê Công Thức, giảng viên Khoa Điện, Điện tử, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau hỗ trợ, tư vấn về mặt kỹ thuật, thiết bị. “Tôi thấy các em rất cố gắng, chịu khó, có nhiều sáng tạo và quyết tâm, bởi đây là dự án có ý nghĩa thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”.

sinh-vien-che-tao-robot-vot-rac-tren-song-2.jpg
Quách Bình Phước trong quá trình thực hiện mô hình robot vớt rác trên sông.

Cảm hứng từ cá thòi lòi

Mô hình robot vớt rác trên sông của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau có chức năng nhận diện các loại rác, tự động thu gom rác nhờ sử dụng AI và IoT. Robot hoạt động bằng năng lượng mặt trời (có trang bị pin sạc dự phòng) và có thể điều khiển, giám sát từ xa thông qua ứng dụng di động. “Robot có thể thu gom từ 15 - 20 kg rác trong một đợt (thời gian thu gom từ 10 - 15 phút). Điều ấn tượng là robot này được thiết kế theo hình tượng loài cá thòi lòi ở Cà Mau.

“Khi nhắc đến Cà Mau, mọi người thường nghĩ đến rừng ngập mặn, bãi bồi, và cá thòi lòi chính là “đại sứ” tự nhiên của vùng đất này. Vì thế, việc đưa hình ảnh cá thòi lòi vào thiết kế robot vừa để giới thiệu văn hóa địa phương, vừa tạo sự gần gũi, thân thiện với thiên nhiên. Thêm nữa, cá thòi lòi rất đặc biệt ở chỗ nó sống được trong môi trường bùn lầy, nước lợ - rất giống với điều kiện hoạt động của MudBot-Clean trên các dòng sông ô nhiễm.

Tính thích nghi và bền bỉ của loài cá này là cảm hứng để tụi em phát triển một robot vừa thông minh, vừa dẻo dai để xử lý rác trên sông một cách hiệu quả. Ngoài ra, hình dáng ngộ nghĩnh của cá thòi lòi cũng giúp sản phẩm độc đáo, dễ nhớ hơn.

Thay vì một thiết kế máy móc khô khan, chúng em muốn MudBot-Clean mang đến cảm giác vui vẻ, gần gũi, giúp truyền cảm hứng bảo vệ môi trường đến mọi người một cách tự nhiên hơn”, Trưởng nhóm dự án MudBot-Clean lý giải.

sinh-vien-che-tao-robot-vot-rac-tren-song-1.jpg
Mô hình MudBot-Clean - Robot tự động vớt rác trên sông của nhóm sinh viên.

Với những tính năng, đặc điểm đó, nhóm sinh viên đề xuất giá bán dự kiến ra thị trường của robot tự động vớt rác trên sông là 39 triệu đồng. Thị trường mục tiêu mà MudBot-Clean nhắm đến là các thành phố lớn, các khu đô thị gần các con sông có mật độ dân số cao hoặc ở hạ nguồn các con sông, nơi nhiều rác sinh hoạt từ thượng nguồn tập trung về. Nhóm khách hàng mục tiêu chính là các doanh nghiệp phân phối sản phẩm, các khu, điểm du lịch sinh thái, du lịch xanh, các đơn vị thu gom rác, các cơ quan quản lý môi trường…

Tại cuộc thi khởi nghiệp Cà Mau 2024, dự án MudBot-Clean không chỉ giành giải Nhất cuộc thi mà còn giành giải Nhì ở vòng gọi vốn đầu tư. “Đây là dự án đầu tiên của nhóm, cũng là lần đầu tiên chúng em có dự án dự thi với mong muốn được thách thức giới hạn bản thân mình. Giải thưởng đạt được chính là động lực để chúng em tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, cũng như nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm mới.

Dự kiến thời gian tới, nhóm sẽ trang bị thêm cho robot vớt rác trên sông tính năng định vị GPS, lập nhiệm vụ cho robot theo lịch trình, tự động xuất bến vớt rác và khi xong việc tự động quay về. Ngoài chức năng thu gom rác, có thể trang bị cho robot thêm tính năng hỗ trợ nông dân vận chuyển, thu hoạch nông sản dưới nước”, Quách Bình Phước chia sẻ.

“Nhà trường luôn ủng hộ, tạo mọi điều kiện để sinh viên tham gia nghiên cứu, thực hiện đề tài, dự án, mô hình khoa học kỹ thuật. Sau khi dự án MudBot-Clean - Robot đoạt giải, Đoàn trường đã liên hệ với một số địa phương đưa mô hình robot vớt rác trên sông xuống vận hành. Số lượng rác thải vớt lên sẽ được phân loại bán lấy tiền mua cây xanh trồng tại một số tuyến đường nông thôn.

Thông qua hoạt động vớt rác, trồng cây chúng tôi mong muốn nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ môi trường, loại bỏ thói quen xả rác thải xuống sông, kênh rạch”, Bí thư Đoàn trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau - Châu Thị Hồng Thơ thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mùa Xuân trở lại

GD&TĐ -Mùa Xuân trên bản Sịa thường đến muộn cả tháng trời. Khi nơi nơi đang rộn rã đón mùa Xuân và Tết cổ truyền thì bản Sịa vẫn còn ngủ im trong băng giá.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Đường đến thành công

GD&TĐ - Dưới cái nắng như thiêu đốt mặt đất, đôi vợ chồng trẻ mới cưới Zhou Quan và Meng Lu rời khỏi vùng núi hẻo lánh của huyện Hội Ninh, tỉnh Cam Túc.