Hàng nghìn lao động ở Thanh Hoá mất việc những ngày cận Tết

GD&TĐ - Nhiều công nhân phải về quê sớm, đối mặt với vô vàn khó khăn khi Tết Nguyên đán đang đến cận kề.

Công nhân đến Trung tâm dịch vụ việc làm làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp.
Công nhân đến Trung tâm dịch vụ việc làm làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp.

Càng về cuối năm, số công nhân bị mất việc ngày càng tăng. Nhiều công nhân phải về quê sớm, đối mặt với vô vàn khó khăn khi Tết Nguyên đán đang đến cận kề.

Nhọc nhằn đường mưu sinh

Mặc dù chưa đến giờ làm việc buổi sáng, nhưng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã có hàng nghìn lao động đến chờ để được giải quyết thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.

Chị Trịnh Thị Lam, huyện Quảng Xương, công nhân Công ty TNHH Fruit Of The Loom Việt Nam tỏ ra lo lắng, trước đây hai vợ chồng làm việc trong Nam, mấy năm gần đây ở quê mở ra nhiều công ty nên vợ chồng quyết định về quê lập nghiệp, tiện chăm sóc con cái.

“Từ đầu năm đến nay, khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng nên công ty đã thực hiện phương án giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ việc luân phiên và thậm chí phải chấm dứt hợp đồng lao động. Đợt này công ty chấm dứt hợp đồng lao động 400 công nhân trong đó có tôi. Tết đến nơi mà mất việc, chúng tôi cũng không biết phải xoay xở ra sao”, chị Lam chia sẻ.

Từ huyện Thọ Xuân xuống Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa giải quyết thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, chị Hoàng Thị Tâm (xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân), công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Đồng Tâm (huyện Thọ Xuân) cho biết, tháng 8/2022, do công ty không bán được hàng nên đã phải cho hàng trăm công nhân thôi việc.

Từ đó đến nay, chị Tâm loay hoay tìm việc khắp nơi nhưng vẫn chưa tìm thấy chỗ phù hợp. Chồng chị cũng là lao động tự do, nguồn thu nhập bấp bênh khiến cuộc sống gia đình gặp không ít khó khăn. Ngày cận Tết, chị chỉ biết trông chờ vào những đồng trợ cấp thất nghiệp ít ỏi.

Chị Lê Thị Phương (huyện Hoằng Hóa), công nhân Khu công nghiệp Mỹ Phước 2 (Bình Dương) phải trở về quê cách đây cả tháng trời. Để trang trải cuộc sống, chị chọn công việc dọn nhà thuê cho một số gia đình theo giờ.

“Năm ngoái đợt dịch tôi nghỉ làm suốt nửa năm về quê sống, phải mượn tiền của người bà con để trang trải. Đầu năm nay trở vào làm việc không được bao lâu thì công ty gặp khó khăn, hết giảm giờ làm rồi cho nghỉ hẳn. Tôi tính về quê tìm việc làm nhưng ở quê nhiều công ty cũng đang cho công nhân nghỉ việc nên tạm thời làm giúp việc theo giờ để kiếm tiền tiêu Tết rồi sang năm mới tính đi xin việc”, chị Phương nói.

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa, từ quý II/2022 đến nay, trung tâm đã giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 27 nghìn trường hợp; trong đó, lao động từ các tỉnh khác về khoảng 15 nghìn lao động; lao động làm việc trong các doanh nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa 12 nghìn người; tăng gần 30% so với thời điểm này năm 2021.

Công nhân nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà (Thị xã Bỉm Sơn) không khỏi lo lắng bị mất việc những ngày cuối năm.

Công nhân nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà (Thị xã Bỉm Sơn) không khỏi lo lắng bị mất việc những ngày cuối năm.

Giải pháp nào cho hàng nghìn lao động mất việc làm?

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 25 doanh nghiệp đang thực hiện giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động với số lao động bị giảm là 7.240 người. Trong đó, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng là 5.278 người; chấm dứt hợp đồng lao động là 1.962 người. Dự báo đầu năm 2023, các doanh nghiệp may mặc, nhất là các doanh nghiệp giày sẽ tiếp tục giảm đơn hàng, số người lao động mất việc làm vẫn chưa dừng lại.

Theo ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa, từ nay đến cuối năm con số thất nghiệp vẫn chưa dừng lại, dự kiến có thể tăng lên hàng nghìn người.

“Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, trung tâm đã kịp thời cử người xuống doanh nghiệp nắm số lao động bị cắt giảm để có phương án hỗ trợ giới thiệu việc làm mới.

Người lao động khi đến trung tâm giải quyết thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp sẽ được bộ phận tư vấn tiếp đón, qua đó nắm được tâm tư nguyện vọng của người lao động.

Lao động nào chưa có nhu cầu đi làm thì trung tâm cũng giải quyết nhanh chóng để hưởng trợ cấp, lao động nào có nhu cầu đi làm tiếp, trung tâm sẽ giới thiệu đến các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển”, ông Trung cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Trung, hiện nay số lao động có nhu cầu tìm việc trở lại không nhiều. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể do người lao động bị “sốc”, chưa muốn đi làm tiếp hoặc do công việc mới không phù hợp…

Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động - Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, cho biết:

Trước thực trạng người lao động ồ ạt mất việc, Liên đoàn Lao động tỉnh với chức năng nhiệm vụ đã chỉ đạo công đoàn cơ sở xây dựng phương án bố trí lao động phù hợp như không tăng ca, cho người lao động nghỉ thêm thứ 7 hàng tuần, cho người lao động nghỉ việc luân phiên… nhằm giữ chân được người lao động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cắt giảm lao động.

Đồng thời, chỉ đạo công đoàn các cấp phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn, phải giảm lao động thực hiện đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm chính sách hỗ trợ cho người lao động, nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, giám sát doanh nghiệp trong việc thực hiện đầy đủ các cam kết với người lao động, có giải pháp giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người lao động…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng hợp tin đăng tuyển việc làm mới nhất Viết cv xin việc chất lượng du học nhật Xu hướng hộp quà tặng tết 2025 mới nhất