Nội dung dạy học trực tuyến: Cần lựa chọn phù hợp

GD&TĐ - Dạy học trực tuyến là giải pháp phù hợp với hoàn cảnh hiện nay khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây là giải pháp kịp thời nhưng cần tính đến hiệu quả khi triển khai, trong đó cần lựa chọn nội dung phù hợp…

Giáo viên Hà Nội trong buổi tập huấn kỹ năng dạy học trực tuyến. Ảnh: IT
Giáo viên Hà Nội trong buổi tập huấn kỹ năng dạy học trực tuyến. Ảnh: IT

Báo GD& TĐ có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Chí Thành - Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

Giáo viên chủ động tiếp cận công nghệ

- GV đã quen với dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, để hình thức này vận hành bài bản, đạt chất lượng, hiệu quả, GV cần bảo đảm những yêu cầu gì, thưa PGS.TS?

- Với GV, bên cạnh nắm vững kiến thức sư phạm như kĩ năng xây dựng bài giảng, cụ thể là phân tích các hoạt động cho người học “từ xa”; phương pháp dạy học trực tuyến cần nắm vững kĩ năng công nghệ: Sử dụng công nghệ khi xây dựng bài giảng (xây dựng bài giảng E-learning bằng các hệ thống thông dụng như Edmundo, Moodle, ClassDojo, Blackboard hay Canvas); Sử dụng công nghệ để tổ chức hoạt động dạy học. 

GV cần chuyển đổi hoạt động dạy học truyền thống thành các thao tác làm việc với phần mềm. 

Tựu trung, GV cần có kiến thức của 3 lĩnh vực trong bối cảnh công nghệ 4.0 hiện nay: Mô hình TPACK (CK -Content Knowledge: kiến thức chuyên môn; TK - Technology Knowledge: Kiến thức công nghệ; PAK - Pedagogy Knowledge: Kiến thức sư phạm).

- Còn HS cần trang bị cho mình những gì?

- Các em cần có kĩ năng mềm như tự học, lập kế hoạch học tập và quản lí thời gian, tìm kiếm và đánh giá thông tin, hợp tác (khi trao đổi, thảo luận hay làm việc nhóm); Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong học tập khi làm các sản phẩm báo cáo trực tuyến như: Video clip, bài trình chiếu bằng PPT (PowerPoint) hay phần mềm khác.

Với học trực tuyến, HS càng cần có kĩ năng 5C được UNESCO khuyến cáo cho công dân của thế kỷ 21, đó là sáng tạo (creativity), giao tiếp (communication), hợp tác (collaboration), phản biện (critical thinking) và máy tính (computational thinking). Điều này cũng thể hiện ở 3 năng lực chung của HS được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông mới: Tự chủ và tự học; Giao tiếp và hợp tác; Giải quyết vấn đề sáng tạo.

- Theo PGS, dạy học trực tuyến để đạt hiệu quả và cuốn hút HS, GV cần điều chỉnh thế nào?

- Khi triển khai giảng dạy trực tuyến, nhà trường cần kết hợp hài hòa giữa các môn học để có một kế hoạch học khả thi và phù hợp. Không để HS quá tải về kiến thức, thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển, do vậy cần chú ý đặc thù lứa tuổi của HS trong triển khai nội dung. Bên cạnh đó, GV cũng cần thiết kế nội dung sao cho không quá dài, nhiều điểm tập trung để thu hút sự chú ý của học trò; bảo đảm những phần dư thừa được cắt gọt, kiến thức trọng tâm được nhấn mạnh và bổ sung thêm nhiều nội dung mới thông qua ứng dụng hiện đại.

Ngoài ra, GV cần lựa chọn các nội dung phù hợp khi dạy học trực tuyến. Nội dung phát triển kĩ năng thực hành, trải nghiệm góp phần hình thành nhân cách, phẩm chất của HS thì cần chọn thời điểm triển khai trực tiếp chứ không nên dạy học trực tuyến. Quan tâm giáo dục kĩ năng trong môi trường số cho GV và HS. Ví dụ, không đưa những bình luận phản cảm về giờ dạy hay chụp ảnh, ghi âm buổi dạy và đưa lên các trang mạng xã hội mà không có sự cho phép của người dạy và người học. 

PGS TS Nguyễn Chí Thành. Ảnh: TG
PGS TS Nguyễn Chí Thành. Ảnh: TG

Bắt nhịp chuyển đổi số

- PGS nhìn nhận thế nào về mô hình dạy học trực tuyến trong tương lai?

- Chúng ta đứng trước cơ hội rất lớn để thực hiện việc chuyển đổi số hướng tới giáo dục thông minh. Từ thực tế thế giới cho thấy, học tập trực tuyến đã chứng minh giá trị bằng nhiều ưu điểm đưa ra so sánh với đào tạo truyền thống thông thường. 

Trong thế giới hiện đại, sự phát triển của khoa học công nghệ dẫn đến xu hướng kết nối Internet toàn cầu ngày càng tăng trưởng. E-learning ra đời như là một giải pháp cho đào tạo cũng như học tập trực tuyến. Hiện nay, người ta thường nói đến 3 mô hình dạy học chính, đó là mô hình sử dụng các khóa học MOOCs (Massive Open Online Courses): 100% online, phù hợp với bậc CĐ, ĐH, các khóa bồi dưỡng; Mô hình dạy học truyền thống: 100% offline, dạy học trực tiếp “face to face”; Dạy học kết hợp (Blended learning): Kết hợp các khóa học được tổ chức online bằng các hệ thống như Moodle, Emundo với một số nội dung dạy trực tiếp theo các tiếp cận hiện đại như mô hình lớp học đảo ngược. 

- Các trường sư phạm cần thay đổi thế nào để trang bị cho thầy cô giáo tương lai kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, bắt nhịp được dạy học trực tuyến?

- Như trên đã nói, GV cần có kiến thức của 3 lĩnh vực trong bối cảnh công nghệ 4.0 hiện nay là mô hình TPACK. Điều này đòi hỏi trường sư phạm phải hướng đến đào tạo và bồi dưỡng giáo viên theo mô hình này. Trong đó, cần chú ý bồi dưỡng giáo sinh về kĩ năng dạy trực tuyến bằng video. Ví dụ, như vấn đề cảm xúc của người dạy hay không gian tạo sự ấn tượng cho người học.

Ngoài ra, các trường Sư phạm cần đào tạo, triển khai chương trình theo mô hình dạy học kết hợp: Sử dụng hệ thống đào tạo trực tuyến LMS, ví dụ như Moodle và dạy học trực tiếp. Nhấn mạnh đào tạo kĩ năng, trải nghiệm. Xây dựng và tổ chức các khóa học trên các nền tảng LMS như Moodle hay Canvas…

- Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.