Dạy học trực tuyến - linh hoạt, phù hợp từng trường

GD&TĐ - Trong thời gian HS tạm ngừng đến trường để phòng dịch Covid-19, nhiều trường học tại TPHCM đã linh hoạt triển khai dạy học trên Internet với nhiều giải pháp khác nhau, phù hợp với từng trường, từng khối lớp.

Giáo viên Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (Quận 6) có mặt tại trường để dạy học trực tuyến (ảnh chụp ngày 22/2). Ảnh: NTCC
Giáo viên Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (Quận 6) có mặt tại trường để dạy học trực tuyến (ảnh chụp ngày 22/2). Ảnh: NTCC

Nhiều giải pháp

Thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) chia sẻ: Trước khi nghỉ Tết, trường chủ động chuẩn bị dạy học trực tuyến cho học sinh. Khi TP có quyết định cho học sinh tạm ngừng đến trường, chuyển qua dạy học trên Internet, nhà trường triển khai ngay kế hoạch. Cụ thể, với khối 12, các em học các môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngữ văn, Sử, Địa, GD Công dân và Tiếng Anh. Khối 10 - 11 học Toán, Lý, Hóa, Ngữ văn và Tiếng Anh 

Về yêu cầu dạy học trực tuyến, theo thầy Bình, giáo viên sẽ dạy lý thuyết, bài luyện tập (có thể sử dụng công cụ 789.vn hỗ trợ làm bài tập); dạy theo thời khóa biểu riêng cho các lớp đã được thông báo. Trường cũng thống nhất
sử dụng phần mềm trực tuyến Microsoft Teams.

Ở lứa tuổi tiểu học, việc học tập rất cần sự sâu sát, hỗ trợ của phụ huynh. Với những em chưa nắm vững kiến thức, giáo viên sẽ liên hệ riêng với phụ huynh để trao đổi, hỗ trợ thêm. - Cô Nguyễn Kim Phượng

Thầy Bình chia sẻ thêm: Ban giám hiệu thành lập bộ phận hỗ trợ nhà trường giám sát tình hình học trực tuyến của học sinh và dạy học trực tuyến của giáo viên. Ban giám hiệu sẽ dự giờ theo thời khóa biểu được phân công. Với học sinh không đủ điều kiện về phương tiện để tham gia học trực tuyến, tổ chuyên môn sẽ xây dựng clip giảng bài gửi cho các em xem lại và giáo viên bộ môn quản lý tình hình học tập của những em này. Nhà trường bố trí dự phòng một số máy laptop dùng chung, nếu giáo viên chưa trang bị được máy cá nhân.

Tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức), học sinh tham gia học tập trực tuyến trên ứng dụng K12Online. Học sinh toàn trường học tập theo thời khoá biểu từng lớp (môn Thể dục sẽ học tập trung sau khi trở lại trường).

Cô Hoàng Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây cho hay: Nhà trường chuẩn bị kĩ và tập huấn về phần mềm cho giáo viên trước Tết Nguyên đán; hướng dẫn học sinh cài đặt nên việc triển khai dạy học diễn ra thuận lợi.

Qua thống kê, ngày đầu có khoảng 94% học sinh của trường tham gia học trực tuyến; 102 bài giảng được tạo và 15 bài kiểm tra ôn tập kiến thức cho học sinh. Ngày thứ hai, có khoảng 94% học sinh tham gia học trực tuyến, 116 bài giảng, 20 bài kiểm tra ôn tập kiến thức được cập nhật.

Nhà trường đang rà soát, nắm tình hình những học sinh chưa tham gia học trực tuyến để có kế hoạch, phương án hỗ trợ các em. Ban giám hiệu cũng sẽ dự giờ một số tiết dạy học trực tuyến. Ngoài ra, hàng ngày, giáo viên chủ nhiệm giám sát và cập nhật tình hình sức khỏe, chuyên cần của học sinh từng lớp.

Giáo viên bộ môn thực hiện kiểm diện học sinh sau 15 phút vào lớp dạy học trực tuyến. Bộ phận học vụ báo cáo lãnh đạo trường trước 8 giờ tình hình kiểm diện học sinh tham gia học trực tuyến, đồng thời theo dõi, nhắc nhở và ghi nhận giáo viên thực hiện thời khóa biểu.

Học sinh khối 3, Trường Tiểu học Thái Văn Lung (TP Thủ Đức) học tập trực tuyến với giáo viên qua ứng dụng Zoom. Ảnh: Phan Nga
Học sinh khối 3, Trường Tiểu học Thái Văn Lung (TP Thủ Đức) học tập trực tuyến với giáo viên qua ứng dụng Zoom. Ảnh: Phan Nga

Linh hoạt thực hiện với bậc tiểu học

Bà Phạm Thuý Hà, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận 4 thông tin: Hầu hết trường tiểu học trên địa bàn đều triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh bằng hình thức ghi hình bài giảng thành video clip và gửi cho phụ huynh kèm theo đó là hướng dẫn bài học để cha mẹ hỗ trợ các con học tập. Clip ghi hình được xử lý kĩ thuật với hình ảnh đẹp, âm thanh rõ nét và thời gian ngắn (15 - 20 phút). Với các bài giảng ghi hình này phụ huynh có thể mở ra cho con em học bất cứ lúc nào. 

“Ở lứa tuổi tiểu học, chúng tôi cũng hướng dẫn các trường linh hoạt để tạo thuận lợi về mặt thời gian cho phụ huynh cùng hướng dẫn trẻ học, không gây áp lực. Quan trọng là giáo viên phải nắm được tình hình học tập của học sinh để có điều chỉnh kịp thời. Với những bé chưa nắm được bài có thể hỗ trợ riêng”, cô Hà nói. 

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Kim Phượng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quang Khải, quận Gò Vấp cho hay: Do có kinh nghiệm từ năm học trước về dạy học trực tuyến nên giáo viên bắt nhịp nhanh. Ban giám hiệu nhà trường đã phân công cụ thể giáo viên từng khối lớp có kế hoạch dạy học trên Internet phù hợp, linh hoạt. Tuỳ vào môn học và khối lớp để có cách triển khai khác nhau: Trực tuyến qua phần mềm dạy học; quay clip bài giảng đăng tải trên web nhà trường; gửi bài hướng dẫn học tập cho phụ huynh qua Zalo, Viber… Với  dạy học trực tuyến qua các ứng dụng  Zoom, MS Teams… giáo viên phải thông báo trước cho phụ huynh để sắp xếp thời gian, có sự chuẩn bị và chọn khung giờ phù hợp.

Theo cô Kim Phượng, với học sinh lớp 1 việc dạy học khó hơn, vì các em vẫn còn  bỡ ngỡ với việc học tập mà không có thầy cô trực tiếp đứng lớp. Thế nhưng, giáo viên đã nỗ lực để triển khai với nhiều giải pháp khác nhau. 

Ngày 15/2, Sở GD&ĐT TPHCM đã có văn bản triển khai dạy học trực tuyến với bậc tiểu học. Theo đó, sở yêu cầu hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến bằng nhiều giải pháp khác nhau. Sở cũng lưu ý các trường dạy học qua Internet phải tổ chức vào khung thời gian không gây khó khăn cho học sinh tiểu học. Đối với các địa phương, khối lớp còn khó khăn, giáo viên có thể xây dựng, thiết kế hoạt động và hệ thống bài tập qua tin nhắn, thư điện tử, phương tiện khác... hoặc in sao trên giấy và gửi đến cha mẹ học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ