Lần thứ 3 trở lại với những bức tranh được sáng tạo từ sơn ta, nhóm “Tam giác mạch” tiếp tục nối dài tình yêu, niềm say mê của mình trong sứ mệnh gìn giữ, phát huy chất liệu truyền thống của cha ông…
Mỗi người mỗi vẻ
Hơn bốn mươi bức tranh sơn mài vừa trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam của nhóm “Tam giác mạch”, gồm: Trần Quang Hải, Nguyễn Trường Linh và Trịnh Quế Anh đem đến những câu chuyện mỹ thuật khá đặc sắc bởi mỗi người mỗi vẻ.
Họa sĩ quê Hải Dương - Trần Quang Hải năm nay xấp xỉ tuổi 70 (sinh năm 1956) nhưng vẫn đem đến cho công chúng những tác phẩm có thể gọi là “đốt mắt” khi ông say sưa kể chuyện về tấm lưng ong, dải yếm đào.
Điều này không quá bất ngờ vì phụ nữ vốn là đối tượng được người họa sĩ này ưu ái nắn nót trên những bảng màu để kể về vẻ đẹp vĩnh hằng và tình yêu ma mị của họ.
Song so với lần triển lãm trước cùng với nhóm (tháng 4/2023) thì lần này tranh của ông tăng thêm yếu tố “nóng bỏng” khi nét cọ không còn ngập ngừng kín đáo trong những yếm thắm chân quê mà mạnh dạn tả thực nét thanh tân của người đàn bà để gửi gắm vào đó những ẩn dụ, trao gửi cho người xem khám phá theo cách cảm, cách hiểu của riêng mình.
Trong 7 tác phẩm mang đến góp triển lãm chỉ có “Mắt bão” được họa sĩ Quang Hải kể chuyện trên một bức tranh độc lập còn lại đều từ 2 bức như: “Phía sau chợ tình”, “Xuân thì”. “Thiên thai”. “Ru tình”, thậm chí là 3 bức như: “Vườn hoang”, “Hoàng hôn phố cổ”.
“Lần thứ 3, nhóm “Tam giác mạch” tiếp tục khám phá sự bí ẩn của sơn ta. Việc này không phải là vô tình... Chắc chắn họ đã nương nét, nương tựa vào mẹ thiên nhiên để lắng nghe những điều mình muốn nói và chọn những điều không lặp lại. Với họ, sơn ta vẫn đầy những không gian thăm thẳm, càng nhìn sâu càng đọng sâu, nhìn ra được ngôn ngữ, cấu trúc mới, nhịp điệu mới… Chiêm ngưỡng họ, tôi hy vọng các họa sĩ tiếp tục đưa sơn ta, sơn mài Việt có vị trí vững vàng trong đời sống nghệ thuật đương đại”. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam
Có thể thấy, nét gợi cảm luôn nổi bật trên từng bức họa và được thể hiện phần lớn là trực diện ít những e ấp mờ ảo. Những thân hình quyến rũ ở tuổi xuân của người đàn bà hiện diện ở tất cả các bức tranh song để kiếm tìm một gương mặt rõ nét lại không dễ.
Đôi khi, người xem cảm được sự quen thuộc của nhân vật dường như bước ra từ tác phẩm văn học, phong tục văn hóa nào đó. Như trước “Vườn hoang 2” với những tự tình đầy bản năng của người đàn bà nơi thôn dã giữa khung cảnh vườn chuối xào xạc lá có thể liên tưởng đến khung cảnh nên thơ, lãng mạn nhất trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao.
Hay ở “Phía sau chợ tình” gợi không ít suy tư về một phong tục văn hóa của đồng bào vùng cao Tây Bắc… Riêng với “Hoàng hôn phố cổ” lại là câu chuyện được ghi tức thì về những cung bậc tình yêu nơi phố thị qua ba bức tranh mà ở đó mỗi bức là một khúc giao tình có khi trong hoan ca hạnh phúc, căng tràn nhựa sống nhưng cũng có khi là nốt lặng của ảo ảnh xa vời (Hoàng hôn phố cổ 3)…
Trong khi đó, họa sĩ Nguyễn Trường Linh tiếp tục lắng sâu trong những vẻ đẹp cổ kính song được bắt đầu từ cuộc sống hôm nay. Tại triển lãm này, anh dẫn dắt công chúng có khi ngược lên miền cao để ngắm nhìn “Cao nguyên đá”, “Trăng núi”, “Suối cạn” rồi thả hồn vào thiên nhiên với “Mây và gió”, “Nắng lên”…
Hay như anh trở về với “Quê nhà” đến bên “Giếng làng” và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những người phụ nữ trong “Chị em” rồi nâng niu gọi đó là “Cõi thiếng”. Ở mỗi tác phẩm, cảnh sắc khi rõ nét, khi ảo mờ sương khói thường chiếm phần lớn không gian biểu đạt.
Các sự vật như cổng làng, mái nhà, giếng làng, ánh trăng… thường khuất nẻo nhưng vẫn hiện ra tỏ tường nếu người xem dõi theo cách vén màn cảnh sắc rất tài tình của họa sĩ. Như ở “Quê nhà”, sau hình ảnh gốc đa bao trùm sẽ là những cổng làng nhỏ xinh phía xa. Đó cũng chính là phong cách dễ dàng nhận thấy khi thưởng lãm tranh Nguyễn Tường Linh.
Không chỉ thế, Nguyễn Trường Linh còn mạnh dạn bước vào và khám phá sử thi thần thoại “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường để kể thành câu chuyện theo góc nhìn của riêng mình được nối dài trong 3 bức tranh lộng lẫy. Sắc đỏ được chọn làm chủ đạo để tạo mạch nguồn tổng thể, đem lại cảm giác nồng ấm của dòng chảy truyền thống nối tiếp đời này đến đời khác.
Từ đây, một phần thiên sử thi nổi tiếng hiển hiện bằng hình khối, màu sắc, tiếp tục quyến rũ, mời gọi mỗi người hãy cùng khám phá văn hóa đặc sắc của xứ Mường qua ngôn ngữ hội họa cụ thể mà trìu tượng gợi mở. Theo họa sĩ Nguyễn Trường Linh, anh luôn muốn phản ánh cuộc sống mới, đương đại trong tranh, mà không quên hồn cốt cổ xưa của một ngôi chùa, một con phổ nhỏ.
Tác phẩm 'Quê nhà', sơn mài – Nguyễn Trường Linh |
Còn với nữ họa sĩ duy nhất và trẻ tuổi nhất trong nhóm “Tam giác mạch” – Trịnh Quế Anh, công chúng gặp lại những nét vẽ dịu dàng, nữ tính, phúc hậu của chị.
Có thể thấy những: “Xuân thương”, “Hai chị em”, “Ru tình 1”, “Nhớ đồng quê”, “Bản xa”, “Mây trời vùng cao”, “Nắng Hạ”, “Đường về nhà”, “Hẻm Tu Sản”, “Trong đầm”, “Nhà trên núi”, “Bình yên”, “Cảnh quê hương”, “Giao mùa”… được Quế Anh giới thiệu tại triển lãm đều tiếp tục trung thành với bút pháp tả thực song tăng độ nét và đằm sâu.
Phần lớn các tác phẩm kể câu chuyện phong cảnh ở vùng cao với những cảnh sắc thơ mộng, lóng lánh dát bạc, vàng của nắng, mây; giây phút giao mùa; con đường về nhà và cả sắc hoa mận trắng giữa trời xuân…
“Đệ nhất hùng quan” Đông Nam Á – hẻm Tu Sản ở Hà Giang cũng hiện diện tại triển lãm. Khi đó, sự hiểm trở của vách núi dựng đứng bỗng trở nên “yếu mềm” trước dòng Nho Quế như dải lụa dịu dàng lách qua.
Tranh Quế Anh vốn được ví như ảnh vì luôn gần với hiện thực. Ở “Hẻm Tu Sản”, có lẽ, tính nữ đã phần nào chi phối bút pháp ấy nên hiệu quả thẩm mỹ của bức tranh có sự chuyển dịch, tạo ra một sự quyện hòa nên thơ giữa trời và đất.
Cùng với đó, dịp này nữ họa sĩ còn “khoe” những bức họa sen của mình ở khổ lớn như 80 x 160 của “Trong đầm”, 160 x 240 của “Nắng Hạ”, 120 x 180 của “Giao mùa”…
Có thể thấy, hoa sen ở đây không nổi bật về màu sắc khi người tạo hình lựa chọn màu trắng của vỏ trứng và pha chút màu son của sơn ta để thể hiện. Vì vậy, sẽ khó tìm thấy những xuân sắc rực rỡ nhưng có thể hòa cùng nhạc điệu tâm hồn thánh thót khi có sự cộng hưởng tâm giao…
Tiếp tục khám phá
Tác phẩm 'Mắt bão', sơn mài – Trần Quang Hải. Ảnh: Bình Thanh |
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, triển lãm những tác phẩm hội họa làm từ chất liệu sơn ta được nhóm “Tam giác mạch” thực hiện lần 3 tại Hà Nội là sự tiếp tục khám phá những bí ẩn của sơn ta, một ý thức cố tình tiếp nhận để được sáng tạo với chất liệu truyền thống của cha ông.
Chất liệu này đã từng bị lãng quên khá lâu và mới được “vực” trở lại trong khoảng mươi năm trở lại đây mà “Tam giác mạch” là một trong những nhóm họa sĩ hăng hái, bền bỉ với sứ mệnh này. “Trong thời gian dài, anh em chúng tôi bảo nhau cố gắng làm sao sáng tạo tác phẩm mới đem lại sự hài lòng cho những người yêu mến”, họa sĩ Trần Quang Hải chia sẻ về tâm huyết của nhóm.
Là Chủ nhiệm khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sơn ta và nổi tiếng với bức sơn mài vẽ cầu Long Biên (Huy chương Vàng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2010), suốt 30 năm qua họa sĩ Nguyễn Trường Linh đã đi sâu vào khai thác kỹ thuật làm sơn mài truyền thống.
Anh luôn không ngừng nghiên cứu, tìm tòi những khả năng tiềm ẩn, trong đó có việc không chỉ thuần thục kỹ thuật truyền thống mài mặt tranh nhẵn mịn, bóng láng mà còn tạo sự xù xì có thể trực tiếp gắn thêm chất liệu khác (đồng) lên mặt tranh hoặc tạo cảm giác thưởng lãm phần khảm trai ốc dù được mài nhẵn mà tưởng như có sự thô ráp, xù xì.
Theo Nguyễn Trường Linh, nhiều khi phác thảo ban đầu thế này song đến khi hoàn tất lại là một tạo hình mới. Cũng vì, sơn mài vốn trừu tượng và họa sĩ phải sống theo cuộc sống hiện tại của tác phẩm sau nhiều lớp sơn được vẽ, mài.
Cùng với đó, đề tài mà anh hướng đến không chỉ là những hoài niệm dáng xưa mà còn đan lồng chúng trong những câu chuyện hôm nay. “Đời sống của tranh sơn mài luôn mở và gợi ý tới những tác phẩm mới đang dần hình thành trong các tác phẩm tương lai”, họa sĩ Nguyễn Trường Linh từng chia sẻ.
Tác phẩm 'Vườn hoang 2', sơn mài – Trần Quang Hải. Ảnh: Bình Thanh |
Họa sĩ trẻ Trương Quế Anh (sinh năm 1986), thì đắm say với tranh sơn mài khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngay từ năm nhất sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Quế Anh đã tự tìm đến và học những người thợ làm tranh sơn mài bên ngoài sau đó đam mê…
Yêu vẻ đẹp hiện thực và chau chuốt, hoàn chỉnh trong tạo hình nên để tham gia triển lãm lần này, Quế Anh đã dành cả năm trời chuẩn bị. Trong quá trình sáng tạo, chị khai thác triệt để đặc điểm của sơn mài truyền thống với bảng màu cổ điển: Đỏ, vàng, đen, và nền son cánh gián để kể những câu chuyện rất đỗi nữ tính, dịu dàng.
Nhân đây, bên cạnh những bức tranh phong cảnh, Quế Anh còn giới thiệu đến công chúng những bức tranh sơn mài hoa sen có khổ lớn. Đây là lần đầu tiên chị khám phá và đưa quốc hoa vào tác phẩm của mình cũng như thử sức với những bức tranh khổ lớn.
Tác phẩm 'Giao mùa', sơn mài – Trịnh Quế Anh. Ảnh: Bình Thanh |
“Tôi rất vui khi thử nghiệm mới của mình được mọi người đón nhận. Với tôi, công việc này luôn đòi hỏi sự tìm tòi, sáng tạo, từ đó có cơ hội thể hiện mình. Có thể đề tài vẫn lặp lại nhưng cần có sự mới mẻ trong cách thể hiện, tạo hình…”. Họa sĩ Trịnh Quế Anh