Mặc dù còn 10 ngày nữa trưng bày nghệ thuật ‘Toại Kỳ Sinh’ của họa sĩ Nguyễn Trần Cường mới kết thúc, nhưng công chúng mến mộ đã có thể đến không gian Art30 (30 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội) để tận mắt chiêm ngưỡng những tác phẩm của anh.
Họa sĩ Nguyễn Tân cảm nhận: “Toại Kỳ Sinh” là cảnh giới ung dung thoải mái sinh trưởng của chúng sinh trong vũ trụ, là phúc lành mà vạn vật hiển nhiên thâu nhận từ trời đất bao la. Tự nhiên phú cho muôn vật dưới gầm trời một đức hiếu sinh, một vòng kiếp.
Được ung dung mà sống trọn vòng kiếp, được thuận theo tự nhiên mà sinh trưởng, ấy là điều toại nguyện. Cho nên tên của triển lãm cũng bắt nguồn từ câu chuyện nhân sinh ấy.
Sơn mài vốn là chất liệu mỹ thuật truyền thống, đã được định hình bởi hội họa Đông Dương. Tuy nhiên, sơn mài cũng có những hạn chế mà nhiều họa sĩ phải “ngại”. Bởi vậy, không thực sự có nhiều họa sĩ theo đuổi sơn mài một cách kiên trì và kiên nhẫn đến cùng.
Nguyễn Trần Cường được biết đến là họa sĩ sơn mài luôn có hơi thở của quá khứ, của truyền thống sơn ta sâu bóng trong phẳng. Họa sĩ kiên định theo hướng này, với tâm niệm về cuộc sống bình dị của thiên nhiên quanh ta.
Cây cối hoa lá hiện lên trong tranh của anh vì thế mà thân thuộc yêu kiều, mộc mạc mà tươi mới. Kỹ thuật sơn mài khoác lên tranh một lớp áo rực rỡ và sâu thẳm, vừa đủ độ dày của nghệ thuật, vừa đủ độ mỏng của ánh nhìn.
Nguyễn Trần Cường được đánh giá là họa sĩ có nghề và nghiêm túc thực hành nghệ thuật trong suốt hơn 20 năm qua.
Tranh Nguyễn Trần Cường tinh tế, cảm nhận được những thời khắc rung động của sự vật và hiện tượng.
Trong triển lãm “Toại Kỳ Sinh”, họa sĩ bộc lộ một chủ đề mới với câu chuyện đặc tả trên kĩ thuật sơn ta truyền thống. Côn trùng thảo mộc tham gia vào cuộc sống đời người, và con người trong những hoạt động sinh sống đời thường nhất - là những vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên.
Ngắm những tác phẩm hội họa của Nguyễn Trần Cường không chỉ thưởng thức ý vị nghệ thuật, mà còn là sự cảm nhận cuộc sống một cách rất thật và rất đời.