Đó là câu nói về công việc sáng tạo của danh họa Nguyễn Gia Trí được họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Vi Thủy trích dẫn tại buổi tọa đàm “Tranh sơn mài Nguyễn Gia Trí trong diễn trình kiến tạo bản sắc dân tộc đầu thế kỷ XX” vừa được tổ chức tại Viện Văn học Việt Nam.
Mang tinh thần phương Đông
Bức ký họa chân dung Nguyễn Gia Trí của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt được họa sĩ,nhà nghiên cứu Nguyễn Vi Thủy chia sẻ tại buổi tọa đàm. |
Với bài diễn thuyết dài gần tiếng đồng hồ, họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Vi Thủy cho biết đây là kiến văn giới hạn mà bà học và tìm hiểu khi thực hiện đề tài. Thực ra, khi được đề nghị trao đổi về Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993), bà đã hơi lo lắng vì là thế hệ sau mà những người thuộc thế hệ trước gần gũi, tiếp xúc trực tiếp với danh họa còn rất ít.
Hơn 10 năm trước, bà Thủy đã đến nhà họa sĩ Nguyễn Xuân Việt để tìm hiểu và bổ sung những câu chuyện từ người học trò duy nhất và thân cận của danh họa Nguyễn Gia Trí.
Đọc thêm từ những trang báo, bà Thủy được biết, sau ngày giải phóng, họa sĩ Nguyễn Xuân Việt đã tìm đến nhà danh họa, bày tỏ lòng ngưỡng mộ và xin theo học. Trong quá trình học tập và làm việc, ông đã cẩn thận ghi chép những lời trao đổi, chỉ bảo từ thầy Trí.
Trong cuộc trò chuyện trực tiếp với bà Thủy, họa sĩ Nguyễn Xuân Việt cung cấp thêm thông tin về một thầy Nguyễn Gia Trí đã từng vẽ tranh sơn mài trừu tượng. Cách làm tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí là phải thật phẳng, đến một con ruồi đậu lên tấm vóc cũng phải làm cho phẳng.
Danh họa cho rằng, nếu sơn dầu làm các hình khối bị bong, tách ra (phân tách) thì sơn mài lại tụ, ẩn vào nhau, chìm và lẫn trong nhau. Bản thân trong sơn mài đã có tính trừu tượng vì khi làm trên nền đen các họa sĩ vẽ, phủ sơn rồi mài ngấm vào nhau.
Dù đã cố gắng tìm kiếm song họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Vi Thủy vẫn chưa thực sự hài lòng khi số tranh bà tìm được không nhiều nên chỉ có thể giới thiệu một số bức họa của danh họa như “Cảnh nông thôn” (1939), “Vườn xuân và thiếu nữ” (1939), “Thiếu nữ bên hoa phù dung” (1944), “Thiếu nữ bên hồ Gươm” (1943 - 1944), “Thiếu nữ bên đầm sen” (1944), “Vườn xuân Trung - Nam - Bắc” (1970 - 1990)…
Nguyễn Gia Trí - 'Thiếu nữ trong vườn' (mặt trước); 'Dọc mùng' (mặt sau), 1939. Sơn mài (159x400cm). Bảo vật quốc gia. |
Đọc kỹ những tác phẩm này, bà Thủy nhận thấy tranh của danh họa có những yếu tố hiện thực nhưng nhiều bức tranh cũng có yếu tố trừu tượng. Có thể, ngay từ thời kỳ đầu, Nguyễn Gia Trí đã thích và cảm thấy trong ngôn ngữ, chất liệu mà ông lựa chọn cũng như cách tư duy hay cách nói, bản thân vẽ đã là một công việc trừu tượng.
Theo bà Thủy, yếu tố tạo hình của Nguyễn Gia Trí mang tinh thần phương Đông rất nhiều, ẩn sâu trong người và cảnh, tâm thế hòa nhập với nhau. Danh họa cũng nói nhiều đến tinh thần thiền như “khi vẽ là thiền, là quá trình hoàn toàn không dùng lí trí, người với ta là một, ta với tranh là một, hòa mình vào trong đó”.
“Vì thế, mỗi tác phẩm của ông bao hàm cả tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, con người ông cũng là con người Việt thấm đẫm tình yêu nước trong sự lựa chọn của mình”, bà Thủy cảm nhận.
Trước thắc mắc, tại sao Lê Phổ có tác phẩm tranh sơn mài từ năm 1931 còn Nguyễn Gia Trí xuất hiện sau đó vậy mà ông vẫn được cho là biểu tượng của tranh sơn mài, bà Thủy lý giải, mỗi họa sĩ có thể chọn học làm riêng một chất liệu nhưng trước đó họ sẽ thử nhiều chất liệu khác nhau.
Việc danh họa Lê Phổ có tác phẩm sơn mài từ rất sớm (tác phẩm “Phong cảnh Sài Sơn”, sơn mài in trong tập “Trois Escoles d’art de I’Indochine” nhân đấu xảo Paris 1931) có thể ông cũng đã thử chất liệu như các họa sĩ khác. Đây là một hành trình sáng tạo, thích thử nghiệm, có thể là một trong những bức tranh sơn mài thời kỳ đầu của mỹ thuật Đông Dương còn lưu giữ được, còn tác phẩm ấy đẹp hay không lại là chuyện khác.
Tương tự, dù là người thử nhiều chất liệu khác nhau song Nguyễn Gia Trí yêu nhất là sơn mài và đã dành cả cuộc đời cho tình yêu ấy. Danh họa có chia sẻ, nếu sơn dầu là tính dương thì sơn mài là tính âm.
Khi chìm trong hành trình sáng tạo và lựa chọn riêng, ông dành cả tâm hồn, con người để tìm ra, làm nên một đề tài gần như xuyên suốt các tác phẩm của mình: Áo dài. Nghĩ đến Nguyễn Gia Trí là nhớ đến những bức tranh áo dài ẩn trong màu sắc của phương Đông, nền đen, có cái vàng óng, có cái rực rỡ của vàng và son.
Còn TS Nguyễn Mạnh Tiến đưa ra nhận định: “Nguyễn Gia Trí dù không nói ra nhưng trong suy nghĩ của tôi danh họa còn muốn tiến xa hơn, trong những vấn đáp, dưới hình thức đối thoại. Dường như Nguyễn Gia Trí muốn xây dựng, cấp cho sơn mài một triết học mỹ học mang tinh thần phương Đông.
Tôi đồ rằng, ông ấy muốn những gì ông đã tìm biết không chỉ từ nghệ thuật. Suốt cuộc đời, ông không hài lòng với bức sơn mài nào mà luôn tiến về chiều sâu.
Ông không chỉ là nghệ sĩ thực hành thành công số một mà còn là người vượt lên trên, hướng đến mỹ học nghệ thuật của sơn mài. Có thể còn mất nhiều thời gian để hiểu hết những đối thoại của Nguyễn Gia Trí trong lời của ông dành cho học trò”.
Góp thêm kiến giải, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy nhận định: “Nguyễn Gia Trí là biểu tượng của tranh sơn mài vì ngoài chuyện ông chuyên vẽ sơn mài mà còn vì sơn mài chính là con người ông nên ông vẽ rất hay”.
Đồng thời, ông Thúy còn cho biết, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương lúc bấy giờ có vai trò rất quan trọng đối với việc hình thành nên một nghệ sĩ sơn mài Nguyễn Gia Trí.
“Được biết, danh họa học 2 năm tại trường rồi nghỉ. Biết tin, hiệu trưởng đã tìm gặp và thuyết phục Nguyễn Gia Trí trở lại trường nên mới có chuyện vào học khóa trước tốt nghiệp khóa sau. Hiệu trưởng đã nhìn được ở Nguyễn Gia Trí điều gì đó hợp với sơn mài”, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy nói.
Không lệ thuộc xu hướng
Họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Vi Thủy (giữa) ký tặng tranh của mình tại buổi tọa đàm. Ảnh: Bình Thanh |
Khi đưa ra góc nhìn của mình về Nguyễn Gia Trí qua các nguồn tư liệu đã dày công tìm kiếm, thu thập trong nhiều năm, họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Vi Thủy đã trích dẫn những câu nói của danh họa rất đáng để suy ngẫm.
Đó là: “Tìm tòi và sáng tạo với tất cả linh tính. Không phải sáng tác bằng mắt, bằng tay mà như người mù sờ soạng trong đêm tối để tìm ra cái đẹp…”; “Không suy nghĩ, không tính toán mà người với tranh là một”. Theo bà Thủy, đó là quan niệm nghệ thuật của danh họa, một quan niệm đặt cái tâm vào tác phẩm.
Ngoài ra, bà Thủy còn chia sẻ, bà có nghe mọi người nói tranh Nguyễn Gia Trí giống tranh danh họa người Ý Sandro Botticelli, như bức “Mùa xuân” (1445 - 1510).
Khi làm phép so sánh, bà Thủy cho biết, không có nghĩa tranh của họa sĩ người Ý thể hiện một cái phóng khoáng, mơ mộng, lãng mạn và rất bay bổng dù vẽ về nàng tiên, thiên thần nhưng có sự đồng cảm về sự bay bổng huyền ảo mà nghệ sĩ cùng muốn diễn tả trong tranh.
Nếu nhìn bằng mắt thường khó nhận ra chúng giống nhau ở chỗ nào. Nhưng đặt vào thời điểm Nguyễn Gia Trí sáng tác mà ngôn ngữ hiện thực xã hội chủ nghĩa, hiện thực của nghệ thuật ảnh hưởng đến nhiều họa sĩ khác thì dễ dàng thấy ông hoàn toàn bay bổng trong thế giới rất kỳ ảo, đặc biệt.
Tranh của ông không phải tạo hình cụ thể mà là tinh thần phóng khoáng, mơ mộng, huyền ảo. Các tác phẩm của ông được sáng tác theo lối “ứng vật tượng hình”, vượt qua cái mô tả kể mà có chiều sâu, lớp lang; có sự lãng mạn, hài hòa và cùng nhuần nhuyễn với khả năng sáng tạo, biểu cảm của người nghệ sĩ.
“Tranh của Nguyễn Gia Trí mang tinh thần hoàn toàn khác, bay bổng, tự do tự tại vượt lên tính lịch sử thời đại, không bị lệ thuộc về hoàn cảnh xung quanh, lệ thuộc với xu hướng chung mà mọi người đi.
Ông dành riêng mình cho sơn mài, sơn mài với ông là người, đấy là nơi ông thể hiện tình yêu của ông với nghệ thuật cũng như là tình yêu của ông đối với chất liệu ông yêu, ông chọn - một thế giới của riêng ông”, bà Thủy nhấn mạnh.
Nguyễn Gia Trí- 'Cảnh nông thôn', 1939. |
TS Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng danh họa Nguyễn Gia Trí là một trường hợp rất thú vị. Ông Tiến chia sẻ câu chuyện danh họa từng cộng tác thân thiết với nhóm Tự lực văn đoàn (khoảng những năm 1935 - 1937), khi là người giữ mục biếm họa trên tờ “Phong hóa”, “Ngày nay”.
Hay chuyện ngày trước họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp đang là sinh viên khóa VIII (1939 - 1944) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được cụ Y đưa đến xưởng của ông Nguyễn Gia Trí để giúp việc.
Ông Trí thuê ông Hợp đi khắp các làng quê ở Bắc bộ ký họa cổng chùa, đình, đầm sen… để sử dụng vào tác phẩm sơn mài, trong đó có ký họa hồ sen tàn ông Trí rất ưng.
Ông Tiến còn nhắc lại những ý tứ sâu sắc trong câu nói của danh họa với học trò như “Nếu mà không có ông Y, không có bác phó Thành thì không có nghệ thuật sơn mài của tôi”; “Thầy tôi đã hết lòng với tôi thì bây giờ tôi hết lòng với cậu” (với học trò Nguyễn Xuân Việt).
Nhất là ““Vẽ như thế này không có tính sáng tạo, Tây quá”, ông đều chê, ông muốn học trò bảo toàn cá tính, đây là điều rất quan trọng để phát triển”, TS Nguyễn Mạnh Tiến tâm đắc nói.
Đặc biệt, ông Tiến nhấn mạnh về ý kiến của Nguyễn Gia Trí “Phân biệt giữa trang trí và hội họa đã sai lầm”, khi nhà cầm quyền áp chế phân biệt giữa trang trí và nghệ thuật, nghệ nhân và họa sĩ theo khung phương Tây áp đặt cho nghệ thuật phương Đông.
Đồng thời với đó là dẫn chứng danh họa đã sáng tạo những bức tranh sơn mài vượt ra ngoài tạo hình trang trí, hoàn toàn có thể phản ánh hiện thực. Điển hình như hình ảnh thiếu nữ mặc áo dài là hình ảnh tân thời của thời đó, đủ sức để phản ánh đời sống xã hội lúc bấy giờ…
Đồng tình với ý kiến này, PGS.TS Phùng Ngọc Kiên bổ sung: “Nguyễn Gia Trí có lẽ không phải là người tạo ra áo dài song lại là người “tạo ra cái để người ta nhìn”. Chúng được xuất hiện trên tranh sơn mài của danh họa từ năm 1933, 1934 trở thành “ấn định một chuẩn mực về trang phục, văn hóa trước khi có những cái được coi là đương nhiên, truyền thống”.