Nỗ lực trong công tác xóa mù chữ ở tỉnh Hà Giang

GD&TĐ - Những năm qua, công tác xóa mù chữ được ngành giáo dục Hà Giang quan tâm triển khai với nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ.

Lớp học xoá mù chữ tại xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên (Hà Giang). Ảnh: M.Ly
Lớp học xoá mù chữ tại xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên (Hà Giang). Ảnh: M.Ly

Xóa mù chữ là nhiệm vụ quan trọng và bền bỉ

Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc với 19 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là các dân tộc thiểu số như: Mông, Nùng, Tày, Dao, La Chí, Pà Thẻn, Lô Lô, Sán Dìu… trình độ dân trí nhiều nơi chưa cao. Với trên 87% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều thôn bản vùng cao, vùng sâu vẫn còn nhiều người chưa biết chữ. Chưa kể, việc huy động học viên ra lớp, duy trì sĩ số học viên đi học chuyên cần cũng hết sức nan giải do đa số học viên đều là nữ, trong độ tuổi lao động chính của gia đình. Vào mùa nương rẫy, nhiều người thường đi làm xa nhà, xa bản. Một số người do lớn tuổi nên tâm lý của một số học viên còn e dè, xấu hổ khi đi học.

Vấn đề xóa mù chữ, nhất là xoá mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được ngành Giáo dục tỉnh Hà Giang xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, phải thực hiện thường xuyên, bền bỉ góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công bằng trong giáo dục và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.

Do đó, ngành Giáo dục tỉnh căn cứ các kế hoạch để tổ chức các lớp học xóa mù chữ linh hoạt về thời gian và địa điểm phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số tạo điều kiện thuận lợi cho học viên theo học đảm bảo số lượng và chất lượng.

Vận dụng kết hợp giữa dạy xóa mù chữ với dạy tiếng dân tộc; củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tình trạng tái mù chữ qua việc tăng cường tổ chức các lớp học chuyên đề, các lớp học nghề cho người mới biết chữ tại các trung tâm học tập cộng đồng, tăng cường thực hiện thiết chế văn hóa cơ sở.

Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, ngành Giáo dục tỉnh Hà Giang đã tổ chức, triển khai đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ về công tác xóa mù chữ. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngành Giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ. Công tác xóa mù chữ của tỉnh Hà Giang đã thu được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao dân trí, đảm bảo an sinh xã hội.

2-giam-sat.jpg
HĐND tỉnh Hà Giang thực hiện giám sát công tác xóa mù chữ trên địa bàn huyện Mèo Vạc. Ảnh: H. Huyền

Mang con chữ đến bản làng

Mèo Vạc là huyện vùng cao của Hà Giang với địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sống không tập trung. Đặc biệt, nhận thức của đồng bào các dân tộc nơi đây về giáo dục còn hạn chế, khiến công tác giáo dục nói chung và xóa mù chữ nói riêng gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, tỷ lệ người mù chữ trên địa bàn huyện trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi còn cao, cụ thể: Năm 2022, với 46.826 người trong độ tuổi, có 3.972 người mù chữ mức độ 1; 10.173 người mù chữ mức độ 2; 42.854 người biết chữ mức độ 1; 36.653 người biết chữ mức độ 2. Từ năm 2023 đến tháng 6/2024, với 48.408 người, có 4.011 người mù chữ mức độ 1; 10.110 người mù chữ mức độ 2; 44.397 người biết chữ mức độ 1; 38.298 người biết chữ mức độ 2.

Để khắc phục những khó khăn trên, UBND huyện Mèo Vạc đã ban hành các chương trình, kế hoạch nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội trong công tác xóa mù chữ. Đồng thời, huyện chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang và chính quyền các địa phương, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người mù chữ và tái mù chữ tham gia học.

Huyện cũng tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giáo viên giảng dạy chương trình xóa mù chữ. Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục của các xã, thị trấn phối hợp với các ban, ngành tiến hành điều tra thực tế, thống kê và lập danh sách mở lớp, ưu tiên các đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, phụ nữ, thanh niên, nhóm yếu thế, người mù chữ mức độ 1 và người tái mù tại các vùng đặc biệt khó khăn.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp, tính đến tháng 12/2023, huyện đã mở được 49 lớp xoá mù chữ với 894 học viên tham gia. Các lớp học được tổ chức tại các điểm trường, trường tiểu học, nhà dân, nhà văn hóa... với thời gian linh hoạt, phù hợp với công việc, cuộc sống và tập quán của học viên, có thể học vào buổi tối, trưa hoặc chiều tối. Đến nay, đã có 10 lớp tại các xã Pả Vi, Niêm Sơn, Lũng Pù, Nậm Ban, Niêm Tòng và thị trấn Mèo Vạc kết thúc, với 167 học viên được công nhận biết chữ. Hiện, 14 lớp với 267 học viên vẫn đang duy trì.

Là một trong những địa phương của Mèo Vạc thực hiện tốt công tác xóa mù chữ, xã Pả Vi luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân không biết chữ và tái mù chữ đến lớp. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự phối hợp giữa chính quyền xã, giáo viên, trưởng thôn và người có uy tín, nhiều người dân đã nhận thức rõ ý nghĩa của việc biết chữ và nhiệt tình tham gia học tập.

Trong năm 2024, xã Pả Vi đã mở mới một lớp xóa mù tại điểm trường thôn Mã Pì Lèng B, với học viên ở nhiều lứa tuổi. Chị Giàng Thị Pà, học viên lớp xóa mù tại điểm trường thôn Mã Pì Lèng B, chia sẻ: “Trước đây, tôi không được học đầy đủ. Giờ đây, được đi học chữ, tôi rất vui. Sau này, tôi có thể tự đọc, tự viết và không cần phải điểm chỉ khi làm giấy tờ nữa”.

Từ năm 2021 đến đầu năm 2024, toàn tỉnh Hà Giang đã huy động được gần 8.300 người tham gia học xoá mù chữ. Số người được công nhận đạt chuẩn biết chữ là 2.250 người. Tính đến tháng 6/2023, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ (đạt chuẩn mức độ 1 là 28; mức độ 2 là 165). Từ năm 2013 - 2023, số người trong độ tuổi 15 - 35 biết chữ đạt 97,87%; số người trong độ tuổi 15 - 60 biết chữ đạt 94,42%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ