Nỗ lực tạo việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp

GD&TĐ - PGS.TS Phạm Tiết Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, cho rằng: Việc đào tạo nhân lực cho khu vực Tây Nam Bộ, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống là nhiệm vụ và trách nhiệm của trường. Các em được đào tạo tốt, có việc làm thu nhập ổn định mới có điều kiện để làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước.

Nỗ lực tạo việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp

Đào tạo gắn với doanh nghiệp

Trung tâm Hướng nghiệp và Tư vấn việc làm sinh viên Trường Đại học Trà Vinh được thành lập với nhiệm vụ là tìm đối tác và tạo việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ngoài việc tổ chức các hoạt động hướng nghiệp cho sinh, trung tâm còn đi tới các doanh nghiệp để tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu lao động, trên cơ sở đó cùng doanh nghiệp trao đổi doanh nghiệp để có định hướng đào tạo đáp ứng.

Doanh nghiệp cũng được tham gia quá trình đào tạo, để hoạt động đào tạo không mang tính hình thức mà gắn luôn với yêu cầu công việc của từng doanh nghiệp.

Sau khi có những bàn bạc thống nhất về đáp ứng của hai bên thì mới đi đến ký kết bản ghi nhớ hợp tác, chính điều này đã lý giải vì sao sinh viên tốt nghiệp các ngành đào tạo của Đại học Trà Vinh luôn tìm được việc làm ổn định khi ra trường.

Nói về việc này, TS Võ Hoàng Khải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, cho biết: “Là một trường ĐH địa phương, thuận lợi lớn nhất của chúng tôi là nhiệt huyết, nhưng khó khăn lại nhiều vì trường còn non trẻ.

Vì vậy, Trường ĐH Trà Vinh luôn xác định lấy chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu doanh nghiêp là ưu tiên hàng đầu. Để thực hiện việc đó, chúng tôi chủ trương đào tạo gắn kết giữa nhà trường, mời doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo nhằm tạo điều kiện cho sinh viên có kiến thức sát với thực tế và gắn với việc làm sau khi ra trường.

Đến nay, chúng tôi là một trong những trường sớm áp dụng mô hình đào tạo co-op với nhiều doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp vào cùng tham gia đào tạo, mô hình này đã và đang đem lại hiệu quả cao”.

Tư vấn để có cơ hội việc làm tốt nhất

Lấy người học làm trung tâm, đào tạo lấy chất lượng nhưng cũng phải tính đến đầu ra cho sản phẩm của mình. Để thực hiện tốt việc đó, theo PGS.TS Phạm Tiết Khánh, tất cả các phòng, ban, trung tâm của trường phải hoạt động nhịp nhàng như một guồng máy, nhiệt thành và không được sai sót bất kể khâu nào.

Từ việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ hướng nghiệp, giới thiệu các ngành nghề đào tạo, tư vấn giới thiệu việc làm, cho đến xây dựng hệ thống thông tin việc làm, tổ chức các chương trình giao lưu, hội thảo về tuyển dụng, huấn luyện kỹ năng, thống kê số liệu việc làm, khảo sát đánh giá nhu cầu năng lực đối với các ngành nghề đào tạo của nhà trường.

Đồng thời thông tin phản hồi của doanh nghiệp về chất lượng và khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của người học sau khi tốt nghiệp, phối hợp với các tổ chức, cá nhân, đơn vị sử dụng lao động trong việc đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

Lấy chất lượng đào tạo và tạo việc làm cho sinh viên làm tôn chỉ, mục đích trong đào tạo là một trong những nền tảng đem đến thành công và tên tuổi của Trường ĐH Trà Vinh. Nhà trường không chỉ thực hiện các chức năng, nhiệm vụ tư vấn việc làm cho sinh viên mà còn mở các khóa đào tạo ngắn nhằm trang bị kỹ năng mềm để các em không bỡ ngỡ khi đi làm.

Điều này cho thấy, những nỗ lực của Trường ĐH Trà Vinh trong việc hướng nghiệp, tạo việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp đã lý giải vì sao tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp hàng năm của trường luôn rất cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.