Bộ trưởng nhận định: Hà Tĩnh nằm giữa trung tâm thương mại của các quốc gia Đông Nam Á. Đặc biệt hơn, Hà Tĩnh có Khu kinh tế Vũng Áng, có cảng nước sâu Sơn Dương.
Vì vậy, Trường Đại học Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Trong tương lai, trường sẽ là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực không chỉ cho tỉnh Hà Tĩnh mà còn cả khu vực Bắc Trung bộ.
Phân tích về thời cơ và những nhiệm vụ của Trường Đại học Hà Tĩnh trong thời gian tới, Bộ trưởng lưu ý: Nhà trường đang đứng trước nhiều khó khăn, áp lực về mô hình cơ cấu tổ chức và định hướng phát triển.
Nếu xác định không trúng trọng tâm, trọng điểm để từ đó tập trung nguồn lực đầu tư thì sẽ rơi vào tình trạng phát triển không rõ định hướng. Cần quan tâm đến chất lượng đào tạo hơn là số lượng.
Trường Đại học Hà Tĩnh phải thực hiện trách nhiệm cộng đồng trước sự phát triển kinh tế xã hội, vị thế của tỉnh Hà Tĩnh. Cần rà soát cơ cấu ngành nghề, bám sát những định hướng phát triển của tỉnh.
Trong 5 năm tới, trường cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, phải liên kết chặt chẽ với Sở GD&ĐT; công tác xã hội gắn liền với tăng trưởng kinh tế.
"Khu kinh tế Vũng Áng không chỉ là trọng điểm của tỉnh mà một trong trọng điểm của quốc gia. Vì vậy, trách nhiệm chúng ta là phải bám sát cơ cấu ngành nghề đặc biệt là công nghệ phụ trợ và công nghệ môi trường để đáp ứng nhu cầu việc làm.
Cần định hướng theo hướng đào tạo, bồi dưỡng lại hơn là đào tạo mới. Không nên đào tạo quá nhiều thạc sĩ mà cần chú trọng đào tạo các ngành cần thiết đáp ứng nhu cầu của Khu kinh tế Vũng Áng" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Từ thực tế của nhà trường, Bộ trưởng đưa ra những chỉ đạo cụ thể: Một trường đại học mà không nghiên cứu khoa học thì không phải là trường đại học. Trước mắt, trường cần nghiên cứu nâng cao chất lượng đào tạo, tham gia giải quyết các vấn đề nảy sinh của địa phương như môi trường, xã hội…
Trường có thế mạnh đào tạo sinh viên Lào, đây không chỉ là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực nói chung mà còn là tham gia hợp tác quốc tế. Hãy dành tâm huyết cho nhiệm vụ vẻ vang này, làm thật tốt công tác giảng dạy để sinh viên Lào học ở Việt Nam có thêm nhiều kiến thức bổ ích về đóng góp cho đất nước.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng lưu ý tới đội ngũ giảng viên. Theo Bộ trưởng, con số 7%/ tổng số giảng viên là tiến sĩ hiện còn thấp. Tới đây, trường phải tập trung phát triển đội ngũ.
Bộ GD&ĐT sẵn sàng hỗ trợ Trường Đại học Hà Tĩnh tăng cường năng lực cho đội ngũ giảng viên, đặc biệt là giảng viên những ngành mới để thu hút người học đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cho địa phương.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ với cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Hà Tĩnh |
Đối thoại cởi mở, chân thành
Giao lưu với cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Hà Tĩnh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có những gợi ý, chia sẻ chân tình vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ và việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.
Gửi câu hỏi đến vị lãnh đạo ngành Giáo dục, giảng viên Bùi Văn Hạc (Khoa Khoa học Tự nhiên) bày tỏ mong muốn được Bộ trưởng chia sẻ những vấn đề về bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trong một trường đại học.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Quan tâm bồi dưỡng đội ngũ của trường đại học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, kinh nghiệm thì nhiều, nhưng có những yếu tố cần thiết:
Đầu tiên, phải quy hoạch rõ được cơ cấu ngành nghề, bám sát thực tiễn, vì các nhà khoa học bao giờ cũng quan tâm tới thực tiễn. Quy hoạch ngành nghề đưa đào tạo phát triển đáp ứng nhu cầu xã hội; đồng thời cũng tạo ra môi trường cho các thầy cô cống hiến.
Sau khi quy hoạch cần kèm theo các định hướng nghiên cứu lớn (nâng cao chất lượng đào tạo) và có sản phảm bán được vào thị trường.
Cần tạo dựng môi trường mà ở đó các thầy cô có động lực cống hiến và phát triển. Nếu cào bằng thì sẽ triệt tiêu động lực. Hiệu trưởng trường đại học phải năng động, trong chừng mực nào đó phải như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đào tạo.
Trong nhà trường, ai đóng góp, cống hiến được tốt thì người đó phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng: Thù lao, được ghi nhận và có môi trường thăng tiến.
Chia sẻ với một số sinh viên Lào và Việt Nam về vấn đề việc làm sau tốt nghiệp, Bộ trưởng cho rằng: Chất lượng đào tạo của chúng ta hiện nay có vấn đề, đặc biệt là việc sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Khi nền kinh tế đang khó khăn, cung nhiều vượt cầu mà chất lượng đào tạo có vấn đề thì sinh viên ra trường không có việc làm là khó tránh khỏi. Các trường đại học lớn trên thế giới cũng vậy.
Cần phải nói rõ, chất lượng đào tạo là trách nhiệm của nhà trường. Còn để có việc làm thì lại phụ thuộc vào doanh nghiệp và thị trường.
Từ năm 2011, trường đào tạo thêm sinh viên Lào, số lượng sinh viên chiếm gần 20% sinh viên Lào trên cả nước. UBND tỉnh hỗ trợ cấp học bổng cho sinh viên giáp biên giới với Hà Tĩnh. Tuy nhiên, sinh viên Lào của nhà trường chưa được hưởng học bổng hữu nghị Việt – Lào.
Năm 2016, trường có 271 sinh viên cử nhân đại học khóa 5 (đạt 83,6%), 100 sinh viên cử nhân cao đẳng khóa 20 (đạt 59,9%) và 40 học sinh TCCN khóa 33 (đạt 96,2%) được công nhận tốt nghiệp.