Lâu nay, người ta thường nói đến mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, tuy nhiên mối liên kết này vẫn chưa được siết chặt.
Còn thiếu kỹ năng mềm
Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, hiện nay, các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ có 222 dự án còn hiệu lực (trong đó, có 208 dự án đang hoạt động, 5 dự án đang xây dựng, 9 dự án chưa triển khai). Nếu như năm 1995 chỉ có 1 KCN là Trà Nóc 1 (135 ha), đến nay, TP Cần Thơ đã có 8 KCN. Song, các doanh nghiệp ở KCN Cần Thơ đã và đang đối mặt với những khó khăn thách thức. Đó là số lượng và chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng được yêu cầu trước tình hình hội nhập quốc tế hiện nay.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, một số ngành nghề có quy trình sản xuất đòi hỏi các doanh nghiệp cần lao động có tay nghề, có thể sử dụng được kỹ thuật (như ngành may mặc). Tuy nhiên, lao động đã qua đào tạo ở các trung tâm dạy nghề chưa thể đáp ứng yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Lực lượng này có ưu điểm là được đào tạo bài bản. Nhưng hạn chế là không sử dụng được trang thiết bị công nghệ mới của doanh nghiệp, thiếu kinh nghiệm thực tế do hầu hết kỹ năng sử dụng thiết bị được đào tạo trong nhà trường nhìn chung còn lạc hậu. Vì thế, nhiều doanh nghiệp phải đào tạo lại, mất thêm thời gian và chi phí”.
Theo ông Đinh Tuấn Kiệt, đại diện Công ty Cổ phần Ngôi sao Mekong: “Nguồn nhân lực còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn từ kỹ năng quản lý đến hiểu biết về công nghệ và thị trường. Đây là một lực cản mà tất cả các doanh nghiệp đều gặp và cần phải quyết tâm vượt qua trong điều kiện hội nhập hiện nay. Nhà trường có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung ứng nguồn lao động chất lượng cao cho doanh nghiệp”.
Đồng tình quan điểm này, ông Phạm Minh Quốc - Giám đốc Vườn ươm công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại TP Cần Thơ, nói: “Sinh viên tại các trường ĐH ở TP Cần Thơ có chuyên môn tốt nhưng hạn chế về ngoại ngữ. Thực tế, chúng tôi đã tiếp 6 doanh nghiệp Hàn Quốc đến TP Cần Thơ tìm hiểu và đàm phán đầu tư. Họ rất cần người biết tiếng Anh và nhất là tiếng Hàn. Tuy nhiên, các buổi hội thảo do vườn ươm tổ chức, chúng tôi phải kiếm phiên dịch viên tiếng Hàn từ TP Hồ Chí Minh, vừa khó và chi phí lại cao”.
Thực tế cho thấy, bên cạnh kiến thức chuyên môn thì điểm nghẽn đối với sinh viên trên đường tìm việc là thiếu kỹ năng mềm. Mặt khác, theo các đại biểu, dự báo nguồn nhân lực cần trong tương lai, môi trường làm việc, lương bổng... là vấn đề tác động đến việc giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.
Đôi bên cùng có lợi
TP Cần Thơ hiện có 5 trường ĐH, 1 phân hiệu Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, đó là chưa kể mạng lưới các trường cao đẳng. Hằng năm, các trường cung cấp hàng chục ngàn cử nhân, kỹ sư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố và ĐBSCL. Riêng với Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, trường ĐH duy nhất trực thuộc UBND TP Cần Thơ đang đào tạo hơn 1.000 sinh viên các ngành khối kỹ thuật, công nghệ; dự kiến, khoảng tháng 6, tháng 7/2016, trường có khóa sinh viên đầu tiên ra trường.
Tiến sĩ Trương Minh Nhật Quang - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, cho biết: “Trong thời kỳ hội nhập, phát triển nguồn nhân lực cao theo chuẩn quốc tế là hướng đi đúng đắn. Trường xác định tập trung đầu tư vào những ngành nghề trọng điểm, mũi nhọn của thành phố và ĐBSCL; chú trọng các lĩnh vực đầu tư của các công ty và tập đoàn nước ngoài... Quan trọng hơn, trường đã và đang chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên; tăng cường năng lực tiếng Anh cho sinh viên; rèn luyện kỹ năng cho sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường; đồng thời chủ động tìm kiếm các chương trình hợp tác liên kết đào tạo kỹ thuật công nghệ tiên tiến của nước ngoài, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo tiệm cận các chuẩn đào tạo quốc tế”.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường cũng thừa nhận một thực tế, việc gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Theo Tiến sĩ Dương Thái Công -Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ: Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không mặn mà với sinh viên thực tập là do không đáp ứng yêu cầu công việc. Khiến đơn vị cảm thấy việc tiếp nhận sinh viên thực tập như mang thêm gánh nặng. Nhiều cơ sở đào tạo có tâm lý phó mặc sinh viên cho doanh nghiệp. Do đó, trường rất cần sự hỗ trợ của các đơn vị trong đào tạo thực hành cho sinh viên.
Theo các đại biểu tham dự hội thảo, nhà trường và doanh nghiệp liên kết với nhau trong đào tạo sẽ giúp đôi bên cùng có lợi, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cả hai. Bởi lẽ, trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, Nhà nước không thể có đủ kinh phí để đuổi theo những tiến bộ đó, cụ thể trong việc đầu tư thiết bị thực hành cho các trường. Cách tốt nhất là sinh viên tiếp cận thiết bị hiện đại tại các doanh nghiệp trong phần thực tập.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Cao Đạt - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long: Trường đã ký kết hợp tác với 12 doanh nghiệp khu vực ĐBSCL để thực hiện liên kết và thành lập trung tâm ngoại ngữ để đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ Anh văn cho sinh viên các ngành (thủy sản, công nghệ thông tin…).
Qua đó, giúp trường cập nhật thêm điểm mới để bổ sung vào chương trình đào tạo; sinh viên có cơ hội tìm việc cao hơn và giúp các doanh nghiệp có điều kiện tuyển được người giỏi. Ông Tăng Hồng - Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Cơ khí Sông Hậu, khẳng định: “Trăm nghe không bằng một thấy, sinh viên học lý thuyết cả trăm tiết cũng không bằng thời gian ngắn trực tiếp điều hành thiết bị. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận sinh viên đến xưởng để thực tập, để các em không bỡ ngỡ khi ra trường”.