Nỗ lực duy trì sỹ số sau Tết tại Đồng bằng sông Cửu Long

GD&TĐ - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, học sinh các địa phương ĐBSCL trở lại lớp với tỷ lệ cao.

Học sinh Sóc Trăng trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết.
Học sinh Sóc Trăng trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết.

Chủ động duy trì sĩ số học sinh

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, ngày 30/1, học sinh trong tỉnh trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Thống kê của Sở, tỷ lệ đến trường của học sinh toàn tỉnh là 98,4%. Trong đó, bậc Mầm non đạt 97%, Tiểu học 98%, THCS 98,9%, THPT 99,8%.

Qua ghi nhận từ các trường, các trường hợp học sinh vắng không có gì bất thường, chủ yếu bị bệnh hoặc về quê xa, trong những ngày tới, các em sẽ trở lại trường. Ngày đầu trở lại lớp, học sinh hào hứng, phấn khởi. Các trường học trên địa bàn tỉnh tiếp tục chương trình của học kỳ II năm học 2022 - 2023.

Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, ngày đầu học sinh các bậc học trên địa bàn tỉnh trở lại trường học, hầu hết các em đều vui tươi, phấn khởi. Lãnh đạo ngành Giáo dục đã đến các lớp học thăm hỏi tình hình vui Tết của thầy trò, đồng thời, động viên giáo viên, học sinh thi đua nỗ lực dạy và học tập tốt, để hoàn thành kế hoạch năm học đã đề ra.

Tại TP Cần Thơ, sau thời gian nghỉ Tết Quý Mão năm 2023, ngày 30/1, học sinh các cấp học trên địa bàn trở lại trường. Các trường trên địa bàn thành phố đã tổ chức một số hoạt động chào năm mới, hái lộc, văn nghệ… nhằm tạo không khí vui tươi, sôi nổi; đồng thời tổ chức ôn tập kiến thức cho học sinh để đảm bảo chất lượng giáo dục sau thời gian nghỉ Tết. Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, số học sinh trở lại trường đạt khoảng 99,8%.

Ghi nhận tại Trường Tiểu học Hàm Giang B, huyện Trà Cú (Trà Vinh), thầy cô giáo có bước chuẩn bị từ trước ngày trở lại trường bằng cách liên hệ với phụ huynh qua điện thoại, tin nhắn, Zalo, Facebook… Theo lãnh đạo nhà trường, nhờ làm tốt công tác chăm lo cho học sinh nên kéo giảm tình trạng học sinh bỏ học sau Tết.

Đặc biệt, phong trào Nuôi heo đất, Hũ gạo tình bạn được duy trì giúp nhiều học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn vui xuân, đón Tết và gắn bó với trường lớp. Thầy Đinh Quốc Cường, giáo viên Trường Tiểu học Hàm Giang B cho biết: “Để giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn sau Tết, nhà trường tiếp tục vận động mạnh thường quân và duy trì phong trào Hũ gạo tình bạn và Nuôi heo đất để tặng áo, gạo và một số dụng cụ học tập cần thiết để các em được đến trường như các bạn khác.

Trường lo nhất là thời điểm nghỉ hè và nghỉ Tết Nguyên đán, vì học sinh rất dễ bỏ học theo gia đình đi làm ăn xa hoặc khó khăn quá sẽ bỏ học giữa chừng. Nhờ chương trình Nuôi heo đất và Hũ gạo tình bạn, nhiều em có áo mới, có gạo, có được học bổng nên không nỡ xa bạn bè, thầy cô… Ngày đầu trở lại trường chỉ vắng 14 học sinh do bị bệnh và nhà có việc. Thầy cô tiếp tục liên hệ, vận động để các em sớm trở lại việc học”.

Chia sẻ về giải pháp duy trì sĩ số học sinh sau Tết, thầy Thạch Sa Quên, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A cho biết: Hằng năm cũng có tình trạng học sinh bỏ học sau khi nghỉ tết. Nguyên nhân do các em học lực yếu, kém; hoàn cảnh gia đình khó khăn; thấy bạn bè đi làm về có tiền... Từ các yếu tố đó, sau khi nghỉ Tết các em không vào học nữa mà theo bạn bè để đi làm.

Để kéo giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, khả năng học tập và động viên, khuyến khích giúp đỡ về mặt tinh thần và vật chất. Nhờ đó nhiều em có nguy cơ bỏ học đã trở lại lớp.

Học sinh hoàn cảnh khó khăn TP Hồng Ngự (Đồng Tháp) được tặng quà Tết.

Học sinh hoàn cảnh khó khăn TP Hồng Ngự (Đồng Tháp) được tặng quà Tết.

Ổn định nền nếp ngay ngày đầu

Bên cạnh việc huy động học sinh trở lại trường sau Tết, ngành Giáo dục tỉnh Cà Mau tăng cường đảm bảo nền nếp dạy học. Theo lãnh đạo Sở, để chuẩn bị tốt cho ngày học sinh trở lại trường đủ sĩ số và an toàn, lãnh đạo Sở GD&ĐT đề nghị Trưởng Phòng GD&ĐT, thủ trưởng các đơn vị, trường học tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra nền nếp dạy và học ngay từ ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đảm bảo tất cả các hoạt động của nhà trường luôn được thông suốt, nghiêm túc và chất lượng.

Các trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền, vận động học sinh, vận động trẻ đến lớp đúng thời gian quy định; Có biện pháp hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học sau Tết; Tăng cường kiểm tra cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; vệ sinh trường lớp để đón học sinh, cùng các trẻ vào lớp…

Tỉnh Kiên Giang là một trong những địa phương cho học sinh trở lại trường sớm nhất (ngày 27/1). Ngay từ ngày đầu trở lại trường, Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục ổn định nền nếp dạy và học. Trở lại hoạt động bình thường sau kỳ nghỉ Tết, các trường thực hiện kiểm tra sĩ số lớp, đồng thời yêu cầu các thầy, cô giáo triển khai ngay chương trình học tập nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học. Không khí buổi học đầu tiên tại các trường vui tươi, đa số học sinh chấp hành thời gian trở lại trường của ngành giáo dục…

Theo ông Huỳnh Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang, tình hình học sinh trở lại trường ổn định, sĩ số lớp không có biến động lớn. Nhà trường, thầy cô giáo bắt tay ngay vào việc dạy học và duy trì nền nếp...

Trao đổi giải pháp vận động học sinh trở lại lớp sau tết, thầy Trần Tuấn Thành, giáo viên Trường THPT Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cho biết: Cần tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương. Không chỉ động viên các em đến lớp mà phải xem xét đến từng điều kiện, hoàn cảnh của các em để có biện pháp hỗ trợ cụ thể về vật chất cũng như tinh thần giúp các em đến lớp.

Trước thời gian nghỉ Tết, nhà trường, đoàn trường cùng giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn dành thời gian làm công tác tư tưởng đối với các lớp, đặc biệt là đối với những em có nguy cơ muốn bỏ học trước hoặc sau Tết. Chia sẻ để các em hiểu rằng đi làm có tiền ai cũng muốn, nhưng các em đi làm mà không có trình độ thì cũng khó làm được lâu dài khi nơi làm việc đòi hỏi bằng cấp, chứng chỉ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.