Tạo hứng thú cho trò sau nghỉ Tết

GD&TĐ - Ngày 30/1, hầu hết học sinh trên cả nước đã quay trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. 

Cô trò Trường Tiểu học Bích Sơn (Việt Yên, Bắc Giang) ổn định ngay nền nếp dạy học sau nghỉ Tết Nguyên đán. Ảnh: X.Lương
Cô trò Trường Tiểu học Bích Sơn (Việt Yên, Bắc Giang) ổn định ngay nền nếp dạy học sau nghỉ Tết Nguyên đán. Ảnh: X.Lương

Các nhà trường, địa phương đều cố gắng sớm ổn định sĩ số, nền nếp học tập, cùng với giải pháp giúp học sinh nhanh bắt nhịp với việc học.

Nâng bước học trò từ trước Tết

Hằng năm, sau Tết Nguyên đán là ngành Giáo dục ở Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với tình trạng học sinh bỏ học. Đáng lo nhất là học sinh cuối cấp THCS và học sinh THPT bỏ học theo gia đình đi làm ăn. Những năm gần đây, bằng giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ từ địa phương, nhà trường và thầy cô giáo nên tình trạng này đã giảm đáng kể. Đặc biệt, nhiều địa phương không chỉ sau Tết mới vận động học sinh mà từ trước Tết đã hỗ trợ về vật chất, tinh thần để các em gắn bó với trường lớp.

Trường Tiểu học Hàm Giang B (xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, Trà Vinh) nằm trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Những năm trước, tình trạng học sinh bỏ học, đặc biệt là bỏ học sau Tết khiến nhà trường đau đầu. Theo các thầy cô giáo, do hoàn cảnh khó khăn, nhiều gia đình sau Tết cùng nhau đi TPHCM, Bình Dương làm công nhân. Cha mẹ đi thì con cái phải theo nên nhiều trẻ phải bỏ học giữa chừng.

Để giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng, hơn 10 năm qua, Trường Tiểu học Hàm Giang B tiến hành vận động phụ huynh, giúp đỡ học sinh bằng nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, phong trào Hũ gạo tình bạn và Áo xuân tặng bạn đã phát huy hiệu quả tích cực.

Thầy Đinh Quốc Cường, giáo viên nhà trường chia sẻ: Với tinh thần lá lành đùm lá rách, nhà trường phát động phong trào đến toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh. Em nào có điều kiện thì góp gạo, góp tiền nuôi heo đất. Đến dịp Tết Nguyên đán và tổng kết học kỳ II thì đập heo đất và chia hũ gạo. Tiền góp từ heo đất sẽ mua áo mới, quà, dụng cụ học tập… tặng trò nghèo. Gạo cũng được chia đều cho học sinh khó khăn.

Nhờ cách làm ý nghĩa này mà nhiều học sinh nghèo Trường Tiểu học Hàm Giang B yên tâm vui Xuân, đón Tết. Nhiều em hoàn cảnh khó khăn không nỡ xa trường lớp vì tình cảm, sẻ chia của bạn bè, thầy cô. “Để giúp các em có hoàn cảnh khó khăn, sau Tết, nhà trường tiếp tục vận động nhà hảo tâm và duy trì phong trào Hũ gạo tình bạn và Nuôi heo đất để tặng áo, gạo và một số dụng cụ học tập cần thiết. Nhờ đó, ngày đầu trở lại trường chỉ vắng 14 học sinh do bị bệnh và nhà có việc. Thầy cô tiếp tục liên hệ, vận động để các em sớm trở lại việc học”, thầy Cường chia sẻ.

Học sinh tiểu học TP Sóc Trăng hào hứng chọn quà trước khi vào lớp học. Ảnh: X.Lương

Học sinh tiểu học TP Sóc Trăng hào hứng chọn quà trước khi vào lớp học. Ảnh: X.Lương

Bắt nhịp ngay chương trình học

Năm nay, học sinh Thái Bình quay trở lại trường sau nghỉ Tết Nguyên đán từ 30/1. Tại huyện Thái Thụy, tổng hợp báo cáo từ các trường, có 231 học sinh tiểu học và 138 học sinh THCS vắng trong buổi học đầu tiên (tỷ lệ chuyên cần lần lượt với cấp tiểu học, THCS là 98,76% và 98,95%).

Cô Trịnh Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (Thái Thụy, Thái Bình) cho biết: Sáng 30/1, nhà trường đã tổ chức chào cờ đầu tuần, cũng là để khai Xuân chúc mừng năm mới, tạo không khí vui vẻ, tích cực dịp đầu Xuân.

Các nhiệm vụ trọng tâm trong tuần được triển khai ngay, như: Yêu cầu ổn định mọi nền nếp, hoạt động của nhà trường sau Tết; phát động Tết trồng cây kế hoạch nhỏ và phong trào tiết kiệm tiền mừng tuổi để phát triển tủ sách lớp học; thực hiện an toàn giao thông… Giáo viên chủ nhiệm kịp thời nắm bắt sĩ số học sinh và báo cáo ban giám hiệu. Trừ một số em bị ốm, gia đình đã xin phép, cơ bản học trò đi học đầy đủ, tâm thế tích cực và phấn khởi. Các tiết học diễn ra bình thường theo lịch trình hoạt động của nhà trường ngay từ buổi học đầu tiên.

Tại huyện Việt Yên, Bắc Giang, từ sáng 27/1, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn bắt đầu tổ chức dạy học. Thông tin từ phòng GD&ĐT, học sinh nhanh chóng ổn định, tích cực tham gia vào các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức. Nằm trên địa bàn huyện Việt Yên, Trường Tiểu học Bích Sơn nghiêm túc thực hiện nền nếp, chương trình dạy - học phù hợp, theo quy định ngay từ ngày học đầu tiên. Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh tham gia học tập và giảng dạy đầy đủ; chuẩn bị đầy đủ đồ dùng, thiết bị, sách vở phục vụ cho bài học.

Theo cô Hiệu trưởng Phan Thị Thu Hiền, chuẩn bị cho dạy học sau nghỉ Tết, cán bộ, giáo viên nhà trường đã chủ động vệ sinh, trang trí trường lớp học tạo môi trường thân thiện.

“6 giờ 40 phút sáng 27/1, tất cả giáo viên đã có mặt tại trường để đón học sinh vào lớp. Thầy cô dành 20 phút đầu buổi học (giờ truy bài) tổ chức hoạt động tại lớp theo chủ đề “Tết cổ truyền của chúng em”, sau đó dạy học bình thường. Các hình thức dạy học được tổ chức linh hoạt để tạo không khí học tập hứng khởi”, cô Phan Thị Thu Hiền chia sẻ.

27/1 cũng là ngày học sinh Hòa Bình đến trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tại Trường THCS Kim Đồng (huyện Tân Lạc), thầy Phó Hiệu trưởng Trịnh Đình Thành cho hay, tiết học đầu, giáo viên chủ nhiệm lớp gặp gỡ, chúc Tết học sinh, chia sẻ, động viên các em có hoàn cảnh khó khăn. Thầy cô đồng thời nhắc nhở trò những hoạt động sau Tết và ổn định việc học tập. Ban giám hiệu sử dụng hệ thống loa kết nối từ văn phòng trường đến các lớp để chúc Tết, nhắc nhở, quán triệt một số nội dung trong tuần học tiếp theo.

“Buổi học đầu tiên, không có học sinh và giáo viên vắng mặt. Các tiết học tiếp theo, giáo viên giảng dạy theo thời khoá biểu. Thầy cô đều chuẩn bị chu đáo, thiết kế hoạt động học cuốn hút học sinh tham gia. 100% các giờ học trong ngày có ứng dụng công nghệ thông tin”, thầy Trịnh Đình Thành cho hay.

Cô trò Trường Tiểu Học Nguyễn Viết Xuân (Bà Rịa - Vũng Tàu) hái lộc đầu Xuân trong ngày đầu năm mới. Ảnh: INT

Cô trò Trường Tiểu Học Nguyễn Viết Xuân (Bà Rịa - Vũng Tàu) hái lộc đầu Xuân trong ngày đầu năm mới. Ảnh: INT

Tạo hứng thú cho học sinh

Để học sinh làm quen với nhịp độ học tập sau kỳ nghỉ Tết, các cơ sở giáo dục đều có giải pháp để tạo không khí vui tươi trong buổi đầu trở lại trường. Cùng với học sinh trên toàn tỉnh Hưng Yên, thầy trò Trường THPT Minh Châu (huyện Yên Mỹ) triển khai hoạt động dạy học sau Tết từ 27/1.

Dù thời tiết khá lạnh, nhưng theo cô Nguyễn Thị Hồng Lê, học sinh đến trường đầy đủ và đúng giờ. Trước đó (trước nghỉ Tết và vào mồng 5 Tết), nhà trường đã thông báo, khuyến khích lồng ghép hoạt động Tết cổ truyền gắn với học tập, lưu ý thầy cô chuẩn bị kỹ hơn và mang đến bài giảng hay, mới mẻ dịp đầu Xuân.

“Thực hiện tinh thần đó, tiết học đầu tiên, tôi chuẩn bị và cho học sinh tìm hiểu về phong tục tập quán ngày Tết, xen kẽ là câu hỏi nhằm ôn lại kiến thức cũ. Những em có câu trả lời đúng đều được nhận lì xì là hoa điểm mười hoặc phần quà nhỏ tượng trưng cho sự may mắn. Nhờ vậy, không khí học tập vui vẻ, sôi nổi nhưng vẫn hiệu quả”, cô Nguyễn Thị Hồng Lê kể lại.

Thời điểm này, thầy trò trên địa bàn huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã ổn định nền nếp dạy học. Trong thời gian tới, bà Đỗ Thị Hương, Trưởng phòng GD&ĐT, cho biết: Phòng GD&ĐT Việt Yên tiếp tục chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học, THCS tập trung thực hiện tốt kế hoạch năm học. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, phòng tránh tại nạn thương tích; tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh những ngày đầu Xuân.

Các nhà trường quan tâm phối hợp với cha mẹ và chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ học sinh, không để các em bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Cùng với đó, toàn ngành tiếp tục tập trung thực hiện tốt Tết trông cây do UBND huyện phát động nhân dịp đầu Xuân năm mới, tạo cảnh quan sư phạm nhà trường sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn.

Thầy Hồ Việt Khoa, giáo viên Trường THPT Đầm Dơi (Cà Mau) lì xì cho học sinh. Ảnh: NVCC

Thầy Hồ Việt Khoa, giáo viên Trường THPT Đầm Dơi (Cà Mau) lì xì cho học sinh. Ảnh: NVCC

Không kiểm tra, giao bài tập đầu năm

Ngày 27/1, học sinh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trở lại trường sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Ông Huỳnh Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Học sinh trở lại trường ổn định, sĩ số lớp không có biến động lớn. Nhà trường, thầy cô giáo bắt tay ngay vào việc dạy học và duy trì nền nếp.

Nhiều trường học tổ chức hoạt động văn nghệ, đố vui, các trò chơi dân gian để thu hút học sinh. Một số đơn vị còn huy động nguồn lực trao quà, học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, góp phần giáo dục học sinh tinh thần tương thân tương ái, biết giúp đỡ bạn bè trong học tập, chia sẻ khó khăn với các bạn có hoàn cảnh khó khăn.

Tại Cà Mau, để học sinh trở lại trường đủ sĩ số và an toàn, Sở GD&ĐT đề nghị trưởng phòng GD&ĐT, thủ trưởng các đơn vị, trường học tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra nền nếp dạy và học từ ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, đảm bảo tất cả hoạt động của nhà trường luôn được thông suốt, nghiêm túc và chất lượng. Sở cũng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền, vận động học sinh, vận động trẻ đến lớp đúng thời gian quy định, có biện pháp hỗ trợ trò có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học sau Tết.

Ngày 30/1, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đón trên 332 nghìn học sinh tại 520 cơ sở giáo dục trở lại trường. Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT, trước ngày học sinh đi học trở lại, các cơ sở giáo dục thông qua giáo viên chủ nhiệm bằng các phương tiện như điện thoại, các kênh mạng xã hội đã thông báo ngày đến trường cho học sinh. Qua đó, trường nắm bắt sĩ số, kịp thời báo cáo, xử lý các trường hợp có nguy cơ nghỉ học sau Tết.

Theo ông Lê Quang Trí, sau gần 2 tuần nghỉ Tết, học sinh các bậc học có thể không tránh khỏi trình trạng uể oải, lơ là trong việc học. Chính vì vậy, cần “sốc” lại tinh thần học tập cho học sinh trong những ngày đầu năm để từng bước đi vào nền nếp. Với trẻ mầm non, học sinh tiểu học, bên cạnh thầy, cô giáo thì vai trò của phụ huynh rất quan trọng. Cha mẹ cần nhẹ nhàng và tế nhị khuyến khích trẻ lấy lại động lực học tập bằng những nhắc nhở, khơi gợi các câu chuyện về thầy cô, bạn bè…

Đối với cấp THCS, THPT, các em đã có ý thức học tập, trong những ngày đầu năm mới, giáo viên chủ nhiệm cũng như giáo viên bộ môn “sốc” lại tinh thần cho học sinh bằng những bài hát, trò chơi, mẩu chuyện vui, tránh giao bài kiểm tra, bài tập đầu năm…

Là giáo viên giỏi, nhiều năm kinh nghiệm, cô Nguyễn Thị Thúy, Trường THPT Nguyễn Du (Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) thường chuẩn bị các câu hỏi vui cho học sinh trong buổi đầu trở lại trường. Học sinh trả lời đúng thì được cộng điểm lấy may mắn đầu năm, trả lời sai cũng không sao. Lấy được điểm tốt mà không áp lực, lại trong không khí vui vẻ khiến trò phấn chấn với bài học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.