Thầy, trò trường DTNT hào hứng trở lại trường lớp

GD&TĐ -  Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh các trường DTNT bắt đầu quay trở lại trường tiếp tục học tập.

Học sinh Trường PTDNT THCS & THPT Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh NVCC.
Học sinh Trường PTDNT THCS & THPT Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh NVCC.

Hào hứng trở lại trường, lớp

Em Trần Thị Mỹ Linh - học sinh lớp 11, Trường PTDTNT THCS & THPT Đăk G'long, huyện Đăk G'long, tỉnh Đắk Nông chia sẻ: “Em rất háo hức quay lại trường. Hai tuần nghỉ Tết Nguyên đán đủ để em vui chơi, giải tỏa áp lực và vơi đi nổi nhớ nhà. Tuy nhiên, trường nội trú vẫn là ngôi nhà thứ hai, thầy cô, bạn bè như người thân, do đó xa lâu cũng nhớ và mong sớm gặp lại...”.

Năm nay, thời gian nghỉ Tết 2 tuần nên Linh chủ động sắp xếp việc học trở lại vào ngày mùng 4 Tết. Linh cho biết: “Em muốn điểm rèn luyện thật tốt để năm sau khi xét tuyển vào các trường đại học bằng phương thức xét tuyển học bạ thì cơ hội trúng tuyển cao hơn. Mặt khác, nếu nghỉ dài ngày không ôn luyện, khi quay trở lại trường sẽ mất nhiều thời gian để cân bằng suy nghĩ và bắt nhịp với nề nếp và học tập...”.

Cùng quan điểm với Linh, học sinh Nguyễn Văn Huy, lớp 10, Trường PTDTNT THCS & THPT tỉnh Hà Tĩnh cũng cho hay: “Em mong chờ ngày trở lại trường. Vì vậy, từ ngày mùng 6, em đã sắp xê[s hành lý, chuẩn bị mọi vật dụng cá nhân để mùng 8 trở lại trường...”.

Học sinh Trường PTDTNT THCS & THPT Đăk G'long, huyện Đăk G'long, tỉnh Đắk Nông tham gia lễ hội tại trường. Ảnh NTCC.

Học sinh Trường PTDTNT THCS & THPT Đăk G'long, huyện Đăk G'long, tỉnh Đắk Nông tham gia lễ hội tại trường. Ảnh NTCC.

Huy cho biết thêm, đây là năm thứ 6 em học nội trú, gắn bó với trường từ lúc 11 tuổi nên thầy cô, bạn bè trở thành một phần cuộc sống hàng ngày. Phải xa thầy cô, bạn bè lâu em cảm giác trống vắng.

"Trước đây em nhút nhát, ngại giao tiếp. Vào học trường nội trú, thầy cô và các bạn đã giúp em gạt bỏ tính tự ti; tự tin giao tiếp khi gặp người lạ, đã tự lập và có kế hoạch cụ thể cho bản thân...", Huy nói.

Trong thời gian nghỉ Tết, Đinh Thị Lệ Quyên, học sinh lớp 10 Trường PTDNT THCS & THPT Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Sơn La lại tranh thủ lên kế hoạch học tập và mục tiêu học kỳ 2. “Em mong trong năm 2023 sẽ hoàn thành mục tiêu học tập của mình; học thêm được nhiều kỹ năng để rèn luyện bản thân, vững vàng sau khi tốt nghiệp phổ thông”, Lệ Quyên chia sẻ.

Nỗ lực để trò không bỏ học

Theo cô H’ Hằng, giáo viên Trường PTDTNT THCS & THPT Đăk G'long, huyện Đăk G'long, tỉnh Đắk Nông: Học sinh của trường đa số là con em dân tộc. Sau Tết, nhiều bố mẹ muốn giữ con ở nhà để lấy chồng, lấy vợ.

"Với đặc thù đó, hàng năm cứ mùng 4 Tết, giáo viên chủ nhiệm các lớp đã nhắn tin hỏi thăm tình hình đón Tết của trò, nhắc nhở các em lịch quay trở lại trường lớp, hướng dẫn chuẩn bị hành lý... Em nào gặp khó khăn, cản trở từ phía gia đình, giáo viên sẽ trực tiếp đến nhà tuyên truyền, động viên để phụ huynh tăng hiểu biết và đồng ý để giáo viên đón học trò đến trường tiếp tục học tập.

Những gia đình lạc hậu, muốn con nghỉ học kết hôn, giáo viên bằng nhiều biện pháp sẽ phân tích tác hại của hủ tục tảo hôn, đồng thời chia sẻ nhiều tấm gương vượt khó thành công của trường để phụ huynh từ bỏ ý định bắt con nghỉ học tảo hôn...”, cô H’ Hằng cho biết.

Cô H’ Hằng (trái), Trường PTDTNT THCS & THPT Đăk Glong, huyện Đăk Glong, tỉnh Đắk Nông cùng học trò.

Cô H’ Hằng (trái), Trường PTDTNT THCS & THPT Đăk Glong, huyện Đăk Glong, tỉnh Đắk Nông cùng học trò.

Với nhiều trường nội trú, bán trú vấn đề duy trì sĩ số sau Tết không còn khó khăn, tình trạng học sinh nghỉ, bỏ học cơ bản được loại bỏ thì việc nâng cao chất lượng dạy học ngay khi học sinh trở lại trường lớp lại được chú trọng.

Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, giáo viên môn Ngữ văn, Trường PTDTNT THCS & THPT Bắc Yên, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tổ chức các tiết học ngoại khoá với chủ đề mừng Đảng, mừng Xuân để tạo không khí phấn khởi cho học sinh sau kỳ nghỉ dài. Với tiết Ngữ văn, tôi sẽ tổ chức cho học sinh sân khấu hoá một số tác phẩm văn học để tìm hiểu lịch sử, văn hoá… Với phương pháp tổ chức dạy học này, học sinh sẽ cân bằng lại cảm xúc, tư tưởng và tập trung học tập...”.

Cô Ngọc cũng cho biết thêm: Trước khi trở lại trường 2 đến 3 ngày, giáo viên chủ nhiệm các lớp thường liên lạc với học sinh của lớp để nắm bắt tình hình. Học sinh nào có nguy cơ bỏ học hoặc tạm thời không trở lại trường, giáo viên sẽ đến tận xã nhờ chính quyền địa phương, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, trưởng thôn bản... cùng đến nhà động viên học sinh, vận động phụ huynh để con em tiếp tục học tập.

Trước đó, với quyết tâm không để học sinh bỏ học sau Tết, tổ giáo viên chủ nhiệm Trường PTDTNT THCS & THPT Bắc Yên đã họp và tính đến nhiều phương án vận động, phối hợp chính quyền địa phương... để kéo trò trở lại trường lớp.

“Trước Tết, ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm đã tuyên truyền cho học sinh về quyền được học tập, tác hại của nạn tảo hôn, bỏ học giữa chừng… Đặc biệt nhấn mạnh cho các em hiểu vai trò, cần thiết của kiến thức, học tập cho hiện tại và tương lai...", cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trường PTDTNT THCS & THPT Bắc Yên, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.