(GD&TĐ) - 27/7, một ngày mưa tiếp theo rất nhiều ngày Hà Nội mưa. Trời cũng như lắng lại trong niềm tri ân sâu lắng của toàn dân trong một ngày tháng 7 không thể quên này. Nhưng không vì thế mà ngăn bước chân của các đại biểu và khán giả đến với Phòng giới thiệu một số Tranh và Sách do Chi hội cựu chiến binh số 8 thuộc phường Văn Quán, quận Hà Đông (Hà Nội) tổ chức.
Người ta đến đây không chỉ vì sự tò mò với mô hình hoạt động văn hóa đặc biệt lần đầu tiên có này, mà có lẽ còn vì chủ đề “Người lính Cụ Hồ - Một thời và mãi mãi”. |
Trong một không gian đầy ắp nghệ thuật, có thể nói là sau những bộn bề lo toan hàng ngày thì những giờ phút ở đây đã làm cho lòng ta tĩnh hơn. Cảm giác ấy không chỉ do sự lan tỏa của sắc màu và thi ca đem lại, mà còn chính vì hôm nay, ngày 27/7, mỗi người Việt Nam chúng ta lại thêm một lần lắng lòng để tri ân những anh hung liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
11 tác giả có tác phẩm trưng bày trong Phòng giới thiệu này thì đã có tới 5 cựu chiến binh, 3 cựu nhà giáo và còn lại là những người yêu thơ của một tổ dân phố mới hình thành trong lòng đô thị mới Văn Quán. Hơn 40 bức tranh và ký họa của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu - một họa sĩ quân đội từng có nhiều sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng - đã tạo cho Phòng giới thiệu Tranh và Sách một âm hưởng chủ đạo cho chủ đề “Người lính Cụ Hồ - Một thời và mãi mãi”.
Từ những bức ký họa về Quảng Trị năm 1972, đến những bức tranh mới vẽ về biên cương, hải đảo đã cho người xem thấy rõ, niềm đam mê và trách nhiệm nghệ thuật của ông với mỹ thuật nói chung và đề tài lực lượng vũ trang nói riêng là không bao giờ vơi cạn, cho dù ông đã ngoài 70 tuổi.
Như ông tâm sự: Là cựu chiến binh nhưng tôi chưa bao giờ là một người hưu trí về nghề vẽ. Càng đi và vẽ về người lính Cụ Hồ, tôi càng thấy tâm hồn mình như được gột rửa và càng thấy cần có trách nhiệm hơn.
Một góc Phòng giới thiệu |
Tác giả cựu chiến binh Vũ Văn Nhiếp với những bài thơ ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng của người lính Cụ Hồ trong các chiến dịch Mậu Thân, Quảng Trị và sau này là Trường Sa. Nguyên là đại tá hải quân, ông có nhiều bài thơ hay về biển đảo. Đài PTTH Khánh Hòa từng có phim phóng sự tài liệu về thơ của ông với tên gọi “Hồn thơ người lính”. Tập thơ Dòng kỷ niệm của ông do NXB Quân đội Nhân dân mới xuất bản được giới thiệu trong Phòng Tranh và Sách này là tập hợp những bài thơ hay về người lính Cụ Hồ như thế.
Hai hội viên Cựu giáo chức của Bộ GD&ĐT - nhà giáo, nhà thơ Trần Bá Giao và nhà giáo, nhà báo Nguyễn Thị Trâm cũng có nhiều sách in riêng trưng bày trong triển lãm đặc biệt này. Ngoài ra là các tác giả khác, đều không chuyên cả thơ và họa, nhưng cũng có những bài thơ, những bức tranh xúc động lòng người.
Duy nhất tác giả Hà Huy Thắng - nguyên đại tá tình báo, tùy viên quân sự Việt Nam tại Hoa Kỳ lại có cả hai niềm đam mê là thơ ca và hội họa. Anh đã giới thiệu với khán giả cả hai niềm đam mê này của mình.
Người xem xúc động ghi lại cảm tưởng |
Mỗi tác giả một tiếng nói, một phong cách riêng, nhưng họ đều có điều chung nhất, đó là vẫn sống với niềm đam mê sáng tác của mình. Những bài thơ, những bức tranh mới tiếp tục được đọc, được giới thiệu trong các buổi họp, sinh hoạt thơ nhạc họa, góp phần tuyên truyền bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, xác định trách nhiệm công dân, xây dựng xã hội ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Ông Nguyễn Thọ Doanh - Chi hội trưởng Cựu chiến binh, Trưởng ban tổ chức - chia sẻ: Nỗ lực của các tác giả cũng như toàn thể hội viên cựu chiến binh và bà con nhân dân đã giúp chúng tôi hoàn thành một phòng giới thiệu Tranh và Sách trang trọng và nhiều ý nghĩa này. Tuy là lần đầu tiên tổ chức, nhưng chúng tôi hi vọng mô hình hoạt động văn hóa này sẽ tiếp tục được phát huy và nhân rộng.
Họa sĩ Phạm Kim Bình - Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội - không khỏi ngỡ ngàng với quy mô và cách tổ chức rất trang trọng, nghiêm túc và không kém ấn tượng, cũng như chất lượng các tác phẩm tranh và sách được trưng bày giới thiệu. “Đúng ngày Thương binh liệt sĩ, chúng tôi nghĩ đây là một cách thể hiện niềm tri ân rất đặc biệt” - bà Kim Bình nói.
Một niềm tri ân sâu lắng đã từng đọng trong lòng các tác giả, và hôm nay, khi chiêm ngưỡng các tác phẩm của họ, người xem cũng thấy sâu lắng hơn niềm tri ân trong mình. Từ niềm tri ân sâu lắng với quá khứ ấy, lấp lánh một niềm tin về tương lai.
Nguyễn Hoàng