Là giảng viên khoa Công nghệ Kỹ thuật Ô tô, thầy Phạm Trọng Phước chia sẻ những yêu cầu với học sinh nếu muốn theo đuổi ngành này.
Theo đó, trước hết, học sinh cần yêu thích nghề ô tô. Chỉ khi thực sự yêu thích, trong quá trình học tập và làm việc mới có sự đam mê, sáng tạo, từ đó, giúp vượt qua áp lực công việc, gắn bó và thành công với nghề.
Bên cạnh đó, ngành này cũng cần sức khỏe tốt, do đặc thù công việc khá vất vả như thiết kế chế tạo tiết máy, tháo lắp tổng thành máy, đứng máy hoặc dây chuyền liên tục, trang thiết bị máy móc phục vụ công việc nặng nhọc…
Ngoài ra, tính cẩn thận không thể thiếu khi muốn theo nghề này. "Bạn có thể là công nhân lắp ráp, bảo dưỡng, sửa chữa hay chuyên viên, kỹ sư chuyên thiết kế, kiểm tra chất lượng sản phẩm và chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể gây ra tai nạn hoặc bạn phải trả một cái giá rất đắt cho sai sót của mình" - thầy Phạm Trong Phước cho hay.
Bên cạnh các yếu tố "cần", thầy Phạm Trọng Phức cũng chia sẻ thêm những yêu cầu giúp dễ thành công trong ngành nghề này, cụ thể:
Thứ nhất: Có kiến thức chuyên môn vững, kỹ năng thực hành thành thạo. Đây là vấn đề mấu chốt giúp giảm ngắn thời gian học việc và thử việc, ra trường có thể làm việc độc lập ngay.
Thứ 2: Kỹ năng, thái độ, tác phong làm việc chuyên nghiệ; đặc biệt là khi làm việc với các doanh nghiệp lớn nhất là các liên doanh nước ngoài thì vấn đề kỹ năng, thái độ, tác phong làm việc sẽ luôn được bạn lãnh đạo đánh giá cao và dễ thành công hơn trong công việc.
Thứ 3: Ham học hỏi. Công nghệ ô tô luôn biến đổi không ngừng nên phải luôn học hỏi, cập nhật kiến thức, các ứng dụng công nghệ mới qua internet, sách, báo, tạp chí chuyên ngành hoặc từ các chuyên gia có kinh nghiệm; từ đó, nâng cao chuyên môn, rèn luyện kỹ năng để thành công với nghề mình đã chọn.
Thứ 4: Có tiếng Anh tốt. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay nhất là trong lĩnh vực công nghệ ô tô thì hầu hết các tài liệu là tiếng Anh, trao đổi kỹ thuật với các chuyên gia cũng bằng tiếng Anh, do vậy người làm việc cần trang bị cho mình vốn tiếng Anh vừa đủ để đọc hiểu tài liệu, thậm chí là giao tiếp tốt bằng tiếng Anh nếu muốn có một công việc tốt với thu nhập cao.
Giảng dạy ngành Công nghệ Điện tử, truyền thông, cô Trịnh Thị Hà cho rằng, đây là một ngành học luôn tiếp cận với công nghệ tiên tiến. Chính vì vậy, yêu cầu người học phải có niềm đam mê, sáng tạo; ham học hỏi và luôn cập nhập, tìm hiểu các công nghệ mới trên thế giới và hướng tới áp dụng công nghệ đó vào Việt Nam; thích làm việc với công cụ máy móc, thiết bị hiện đại; có tư duy logic tốt - đây là một tố chất quan trọng vì điều này cho phép người học nắm bắt, xử lý thông tin một cách mạch lạc, nhờ đó dễ dàng quản lý, vận hành các hệ thống kỹ thuật phức tạp.
Với học sinh muốn theo đuổi ngành học Công nghệ kĩ thuật điện và Tự động hóa, giảng viên Nguyễn Khắc Tiền chia sẻ những yêu cầu cụ thể: Đam mê ngành học (đam mêm công nghệ, kỹ thuật); sức khỏe tốt; tính cẩn thận: có thể đi làm xa nhà.
Với những học sinh yêu thích ngành Du lịch, giảng viên Nguyễn Thị Bích cho rằng, cần có vốn hiểu biết về văn hóa - xã hội sâu rộng; kỹ năng giao tiếp tốt, ứng xử linh hoạt và có văn hóa, thân thiện, nhiệt tình; tự tin, năng động, yêu thích khám phá; khả năng ngoại ngữ tốt; có năng khiếu tổ chức, quản lý sắp xếp công việc; cẩn thận, chu đáo, tác phong chuyên nghiệp; chịu được áp lực công việc
"Có thể gói gọn lại 4 yếu tố để làm nên một sinh viên hoàn hảo nói chung và người làm du lịch tốt nói riêng là: “Chuyên môn - kỹ năng nghề - đạo đức, tác phong - Ngoại ngữ, tin học”; hay nói cách khác chìa khóa vàng cho sự thành công đó là: “Trí tuệ - trái tim và ngoại ngữ, công nghệ thông tin” - cô Nguyễn Thị Bích chia sẻ thêm.