(GD&TĐ) - Sau khi đăng bài “Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: “Tôi trăn trở nhiều hơn vì dạy sử chính là giáo dục lòng yêu nước”, Báo Giáo dục và Thời đại đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc xung quanh kết quả thi đại học môn Lịch sử.
Nguyễn Đắc Toàn- Trường Cao đẳng Sư Phạm Thái Bình
Mấy ngày nay, trên các diễn đàn người ta thảo luận sôi nổi về kết quả thi môn lịch sử của kỳ thi ĐG, CĐ 2011. Trả lời câu hỏi: Tại sao kết quả thi môn lịch sử lại thấp, có rất nhiều ý kiến khác nhau. Nào là do chương trình học môn lịch sử quá tải, nào là do phương pháp dạy và học khô cứng, thiếu hứng thú, nào là do đề thi năm nay khó...
Tôi cho rằng, cái gốc của vấn đề chính là do cơ chế. Trong thời buổi đất nước mở cửa, các chuyên ngành kinh tế, tin học, ngoại ngữ lên ngôi, khối C bị "lép vế" thì kết quả thi môn lịch sử vừa qua thấp kém cũng là điều dễ hiểu. Còn nhớ vào những năm 1980 của thế kỷ trước, khi triết học lên ngôi, hàng trăm người đã tốt nghiệp ĐH ở các chuyên ngành khác như Văn, Sử, Toán...đổ dồn về với Triết học. Sau này cũng vậy, khi ngành Xã hội học "có tương lai", có cơ hội kiếm được nhiều tiền thì hàng trăm người từ các chuyên ngành khác như Triết học, Tâm lý học, Lịch sử...lại dồn về "chung lưng đấu cật" với Xã hội học. Ở thời điểm hiện tại, các môn khoa học xã hội, đặc biệt môn Lịch sử bị coi là "môn phụ", bị xem nhẹ vì khi sinh viên học ngành này tốt nghiệp ra trường rất khó xin việc và nếu có may mắn xin được việc làm thì cũng khó có thu nhập khả dĩ. Chính vì vậy, ít người thiết tha với các ngành khoa học xã hội, trong đó có lịch sử. Đó là một thực tế không thể phủ nhận. Tôi rất tâm đắc với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận rằng: "Có những thứ mà do thời đại, do xu thế phát triển mà người ta phải học". Trong bối cảnh của môn lịch sử hiện nay, kết quả thi lịch sử thấp là phản ánh trung thực thực tế khách quan. Đó thực sự là "khúc quanh" trong lịch sử phát triển của một ngành học ở một đất nước. Chừng nào xã hội chưa đề cao vai trò của môn lịch sử, người làm lịch sử chưa sống được bằng lương thì học sinh xao nhãng học sử là chuyện tất yếu.
(ảnh minh họa: Internet) |
Nguyễn Thị Kim Oanh-GV dạy Lịch sử-Trường THCS Nguyễn Chí Thanh-Đà Nẵng
Mấy ngày hôm nay tôi theo dõi báo đài, thấy người ta nói về hiện tượng học sinh bị điểm thấp môn lịch sử trong kỳ thi đại học quá nhiều. Có bài viết đưa ra những ý kiến tuy không hoàn toàn đúng nhưng có tính xây dựng, nhưng lại còn những bài viết quá cực đoan, khi đổ trách nhiệm tất cả lên đầu ngành giáo dục và đào tạo. Môn lịch sử cũng như các môn khoa học xã hội, tôi cũng như những đồng nghiệp của tôi đã từng phải nỗ lực thật nhiều để trải qua “ chướng ngại vật” trong quá trình giảng dạy nên hơn ai hết, chúng tôi hiểu được nguyên do vì sao có hàng ngàn điểm 0 ở môn lịch sử. Thật đáng buồn khi ai đó phủ nhận công lao của những người thầy giáo chúng tôi trong quá trình lên lớp, truyền thụ kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Những năm qua, Sở, Phòng và cả trường chúng tôi đã mở rất nhiều hội thảo, hội nghị về đổi mới phương pháp giảng dạy, không chỉ tập trung ở các môn khoa học tự nhiên hay là môn Tin như các báo đã nói mà ở tất cả mọi môn, kể cả giáo dục công dân hay nhạc, họa…Ngoài 2 môn học chủ lực như Toán, Văn dạy 4 tiết/tuần, thì hầu hết các môn khác đều dạy 2 tiết/tuần như nhau. Khi đánh giá, xếp loại học sinh thì cũng chẳng có quy định nào thể hiện sự phân biệt giữa khoa học tự nhiên hay xã hội. Thế mà tôi đọc báo lại thấy ai đó nói rằng vì nhà trường coi môn sử là môn phụ, giáo viên dạy dỗ thế này thế khác nên mới có chuyện học sinh không biết gì về lịch sử. Tôi nghĩ nếu như Báo giáo dục và Thời đại mở một diễn đàn cho chính người giáo viên lên tiếng thì chính xác hơn nhiều.
Nguyễn Thị Hoa-Số 17-Trương Định-Tam Kỳ-Quảng Nam
Sáng nay tôi lên mạng gdtd.vn, tình cờ đọc được bài “Tôi trăn trở nhiều hơn vì dạy sử chính là giáo dục lòng yêu nước” của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, tôi thấy nhẹ cả lòng. Thông qua báo Giáo dục và Thời đại, tôi xin gửi gắm đôi điều tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề: Sinh ra trên vùng đất Nghệ An-Hà Tĩnh hiếu học, gia đình tôi cũng như bên chồng mấy đời đều chọn nghề dạy học và có nghiệp văn chương. Chồng tôi dù là một cán bộ quản lý, không có nhiều thời gian để nghiên cứu chuyên môn như những ngày còn là một thầy giáo dạy văn như trước nhưng anh ấy vẫn còn nguyên vẹn tình yêu với văn chương, với truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước. Hai con của chúng tôi ngoan ngoãn, học giỏi. Chỉ có một điều, không có cháu nào nối dõi ông cha. Ngay đầu năm học trung học phổ thông, cả 2 cháu đều đã chọn thi các khối khoa học tự nhiên. Cháu gái đầu lòng của tôi rất có khiếu ở các môn khoa học xã hội. Đặc biệt cháu rất ham thích học môn lịch sử ,vì trong 2 năm liên tiếp cháu được học một thầy giáo dạy Sử dạy giỏi có tiếng. Nhưng khi tôi hỏi vì sao cháu lại không chọn thi khối C, rời xa môn học lịch sử, địa lý khi bắt đầu vào năm học lớp 12, thì cháu bảo: “ Bạn bè con ở trường chúng nó bảo học khoa học xã hội ra đời khó kiếm việc làm lắm.” Hỏi để thăm dò ý kiến của cháu thôi, chứ trong thâm tâm, tôi cũng biết nếu thời nay mà các con tôi nối nghiệp Văn, Sử như cha mẹ chúng thì khó có thể bắt kịp lối sống thực dụng ngoài xã hội.
Trở lại bài viết của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, tôi rất tâm đắc khi ông cho rằng, cần phải nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện. Đúng là kỳ thi đại học “là kỳ thi để tuyển chọn người giỏi hơn nên đề thi có tính phân hóa cao. Đây không phải kỳ thi nhằm đánh giá kiến thức của học sinh phổ thông, nên việc có nhiều học sinh đạt điểm dưới trung bình môn lịch sử cũng như các môn khác cũng là điều dễ hiểu. Chỉ số ít học sinh đạt điểm vào đại học”. Tôi được biết đề thi lịch sử năm nay khá hay, hướng đến phát huy tính sáng tạo của học sinh. Trong thực tế hầu hết những em có năng lực, đã học giỏi các môn khoa học tự nhiên thì đồng thời học giỏi các môn khoa học xã hội và đều đã chọn thi khối A, khối B, khối D (theo tâm lý thực dụng nói trên). Còn lại các em biết không thể thi được vào khối A, khối B, khối D mới chọn thi khối C. Như vậy thì chất lượng môn Sử thấp là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, nếu xét một cách công bằng thì phải kể đến cả những học sinh đạt điểm cao ở môn Sử mới phải. Vì những năm trước, khi tôi còn đứng trên bục giảng, tôi thấy cùng trong một lớp, có học sinh chây lười, điểm thi môn Văn của tôi chỉ đạt điểm 3, 4, nhưng những học sinh đạt điểm cao tới 8, 9 điểm môn Văn lại cũng là học sinh ở lớp tôi dạy. Vì vậy, không nên vội vã quy chụp, hễ học sinh không chịu học là đổ hết cho thầy giáo. Trong khi có đến 2/3 thời gian các em bị chi phối bởi gia đình và xã hội.
Nguyễn Anh Đào- tổ trưởng tổ Sử, trường THPT Võ Trường Toản,Q.12, TPHCM:
Hiện tượng môn lịch Sử hiện nay không được học sinh quan tâm là một thực tế không thể phủ nhận. Nhiều năm đi dạy việc học sinh “ngán” môn Sử là điều tôi có thể nhận thấy, các em học sử chủ yếu là ở cách học thuộc lòng, đối phó nên dù GV có dành hết sức tâm huyết, sáng tạo trong cách dạy đến cỡ nào thì sự tác động của xã hội, thời cuộc đến nhận thức và định hướng tương lai của các em là điều khó có thể thay đổi. Trường chúng tôi năm nay có hơn 600 em tốt nghiệp THPT nhưng chỉ có 2-3 em chọn thi khối C (trong đó có môn lịch sử) đã chứng minh những nhận định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về sự đổi thay của thời cuộc là rất đúng. Chúng ta không thể trách các em khi áp lực về định hướng nghề phần nhiều nằm ở phía phụ huynh, sở thích và nguyện vọng kiếm được nhiều tiền trong tương lai bởi khi theo học các môn kinh tế. Do đó, khi 6 Bộ công bố 6 môn thi tốt nghiệp không có môn Sử, gần như tất cả các em đều bỏ để dồn cho 6 môn trọng tâm kia. Nhà trường cũng lên kế hoạch và thời gian để tăng tiết cho những môn trọng điểm, nên việc học sử vốn dĩ đã hời hợt của các em, nay còn lơ lửng và mang tính đối phó nhiều hơn.
Bên cạnh việc thực hiện sự thay đổi một cách mạnh mẽ về chương trình, nội dung SGK theo hướng mềm hóa các sự kiện lịch sử khô cứng hơn, thì vấn đề giảm tải chương trình cần phải được làm ngay. Để giúp học sinh đam mê học môn Sử, GV dạy tốt môn lịch Sử, theo tôi ngoài việc nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho người giáo viên. Bộ cũng nên xây dựng một chương trình mang tính mục tiêu quốc gia như (các cuộc vận động, các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử…) để học sinh thấy tầm quan trọng của môn Sử với thời cuộc và đất nước lớn như thế nào, từ đó mới tạo sự đam mê và thích tìm tòi nơi học sinh. Bởi nếu GV có thay đổi, có sáng tạo thế nào, nhưng chương trình cứ quá nặng và khô khan, học sinh sợ môn Sử như thế này thì rất khó để chúng ta có được một sự đổi thay.
ThS Hoàng Văn Năng- Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sài Gòn:
Vấn đề dạy- học môn Lịch sử đã được đưa ra bàn luận từ nhiều năm nay. Thấy rằng có những vấn đề cần phải xem xét ở môn học này từ cách dạy, cách học vì thực tế môn Sử ở một số nơi còn chưa được coi trọng ở bậc học phổ thông. Thực tế là giáo viên các ngành xã hội điều kiện thu nhập cũng không được như những ngành khác,… Từ những nguyên nhân này làm cho chất lượng đào tạo môn Sử chưa như mong muốn.
Năm nay thí sinh thi ĐH môn Sử điểm thấp, đặc biệt có nhiều điểm 0 là do các em chưa làm chủ kiến thức về Sử. Từ nhiều năm nay đề thi ĐH luôn đổi mới, đòi hỏi thí sinh phải nắm vững kiến thức, nắm chắc vấn đề, thí sinh học thuộc lòng và tái hiện lại kiến thức một cách máy móc thì điểm sẽ không cao. Bên cạnh đó là vấn đề thời đại như quá trình CNH- HĐH, hội nhập,… thực tế đã ít nhiều ảnh hưởng đến môn Sử. Người ta hướng đến học Ngoại ngữ, Tin học là những môn công cụ phục vụ cho khoa học kỹ thuật, điều kiện việc làm, thu nhập tốt hơn.
Chúng ta cần nghiên cứu, xem xét xây dựng lại chương trình môn Sử sao cho phù hợp với tâm sinh lý từng lứa tuổi học sinh. Lịch sử phải gắn với sự kiện, con người để người học có thể tìm hiểu, nắm rõ cụ thể. Cần phải xem môn Sử là môn khoa học bình đẳng như các môn học khác. Nên coi trọng vai trò môn Sử để khai thác thế mạnh của môn khoa học này.
Huỳnh Thị Lệ Trang- GV Trường THPT Phan Ngọc Hiển, TP. Cần Thơ:
Điểm thi ĐH môn Lịch sử năm nay thấp khiến ngành giáo dục, những nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là những nhà giáo, giáo viên giảng dạy môn Lịch sử cần phải ngồi lại với nhau phân tích, đánh giá một cách khoa học để rút ra những kết luận cần thiết.
Vấn đề cốt lõi của chất lượng dạy- học môn Lịch sử là thực trạng xã hội và cách nhìn nhận vai trò môn Lịch sử của xã hội không như trước đây nữa. Nhiều người, trong đó có phụ huynh, học sinh,… tự hỏi rằng học môn Sử để làm gì? Học ngành này ra làm việc gì? Sống như thế nào bằng nghề này?... Trong khi những người khác học ngành Công nghệ thông tin, Ngân hàng, Quản trị kinh doanh,… thì cơ hội việc làm của họ rất tốt. Điều này làm cho một số giáo viên có lòng nhiệt huyết, có cái tâm của nhà giáo luôn trăn trở nhưng không biết phải làm như thế nào để đưa học trò đến với môn Sử.
Cái cần thiết hiện nay ở môn Sử là cấu trúc chương trình cần ngắn gọn hơn, quan trọng là tạo sự hứng thú cho người học. Không chỉ ở chương trình mà bản thân giáo viên, mỗi người đứng lớp giảng dạy môn Lịch sử đóng vai trò rất quan trọng, cần phải có phương pháp truyền thụ tốt và truyền lửa đam mê để hướng các em học tốt môn học này. Hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng có các chương trình tìm hiểu về lịch sử thu hút nhiều người xem và tham gia. Bên cạnh đó một số lễ, hội truyền thống mang đậm tính lịch sử của quốc gia, dân tộc được nhà nước tổ chức, tôn vinh. Đây được xem một trong những kênh để thu hút người dân, nhất là giới trẻ đến với lịch sử và tự hào đối với lịch sử vẻ vang của nước nhà.
Anh Phương – Uyên Phương – Anh Tú - Quốc Ngữ