TS. Lê Viết Khuyến cho biết, thực hiện chuyển sang hợp đồng giáo viên cần phải có lộ trình hợp lý, được tính toán cẩn trọng. Hợp lý nhất là áp dụng trước với giáo dục Đại học như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đề xuất. Vì các trường Đại học luôn năng động hơn. Bên cạnh đó, khu vực thành phố làm trước, nông thôn làm sau; vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn giữ nguyên, chưa có thay đổi lớn.
Chuẩn bị tư tưởng
Việc thứ hai cần làm, theo TS Lê Viết Khuyến là phải có sự chuẩn bị về tư tưởng cho đội ngũ giảng viên, giáo viên, để họ thấy đó là tất yếu của sự phát triển. Việc chuyển sang hợp đồng lao động không có gì là trái luật vì giáo viên trường công hiện là viên chức. Luật Viên chức quy định rõ về hợp đồng làm việc; quy định về việc thay đổi nội dung, ký kết tiếp, tạm hoãn và chấm dứt hợp đồng làm việc...
Ưu thế của việc thực hiện hợp đồng là tạo ra cơ chế cho phép có thể luôn tối ưu hóa cơ cấu của lực lượng lao động, vì bản thân lực lượng lao động luôn biến động theo nhu cầu thị trường. Nếu biên chế cứng hoặc hợp đồng dài hạn sẽ không thể điều chỉnh dễ dàng để đảm bảo cơ cấu nhân lực hợp lý.
Giải quyết những lo lắng
Một trong những lo lắng được nhiều người đề cập tới là khi chuyển sang chế độ hợp đồng có thể dẫn tới hiệu trưởng có quá nhiều quyền lực, khó đảm bảo công bằng.
Để giải quyết điều này, cần xóa đi cơ chế hiệu trưởng tập quyền, thay bằng cơ chế hội đồng. Hội đồng trường phải là cơ quan quyền lực cao nhất ở nhà trường; ra các quyết định, trong đó có các quyết định về nhân sự. Hội đồng trường có trách nhiệm giám sát hoạt động Ban giám hiệu nhà trường; có quyền đề cử, giới thiệu, tuyển dụng, sa thải hiệu trưởng... Điều này đã nói khá rõ trong Luật Giáo dục Đại học, Điều lệ trường đại học.
Thành phần của Hội đồng trường cũng vô cùng quan trọng. Đây là đại diện cho tập thể nhà trường, điều này đúng nhưng chưa đủ mà Hội đồng trường còn phải đại diện cho cộng đồng xã hội. Cần lựa chọn đại diện ưu tú của xã hội đưa vào Hội đồng trường và thành phần Hội đồng trường phải không liên quan đến quyền lợi vật chất của nhà trường...
Cũng liên quan đến vấn đề Hội đồng trường, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, phải tiến tới xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản và trao quyền tự chủ thực sự cho các trường đại học.
"Đây là nội dung quan trọng, cần tính toán, suy xét kỹ càng để có một Hội đồng trường đích thực. Tất cả những việc này cũng phải làm một cách đồng bộ nếu không chủ trương sẽ dễ thất bại" - TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.
Tiến tới giáo viên có thể dạy đa môn
TS Lê Viết Khuyến cho rằng: Kinh nghiệm của các nước, nếu anh muốn tồn tại thì buộc phải năng động. Giáo viên không chỉ dạy được một môn mà có thể dạy được một số môn, đồng thời phải chấp nhận học suốt đời; dẫn tới chương trình đào tạo giáo viên cũng phải thay đổi, làm sao đào tạo được giáo viên dạy đa môn. Điều này giúp giáo viên có thể thích ứng khi nhu cầu xã hội thay đổi. Giảng viên đại học, theo TS Lê Viết Khuyến sẽ phức tạp hơn.
"Kinh nghiệm một số nước buộc tất cả các trường ĐH phải điều tra tình trạng việc làm của sinh viên sau khi ra trường và công khai kết quả đó. Việc này ngành Giáo dục chúng ta cũng đang làm. Để dẫn tới, người học sẽ chọn ngành học phù hợp hơn. Một chương trình hay một ngành đào tạo, nếu 2 - 3 năm liền không có người học thì chương trình đó phải đóng cửa. Đồng nghĩa với việc giảng viên dạy ngành/chương trình này không được ký tiếp hợp đồng.
Giải pháp tháo gỡ: bản thân giảng viên muốn không mất việc phải chăm chút, xây đắp sao cho chương trình hấp dẫn, luôn có người học. Ngược lại cũng chuẩn bị tâm thế mở chương trình mới để thu hút được người học hơn. Điều đó sẽ làm người lao động năng động hơn.
Cuốn sách "Giáo dục trong thời đại tri thức" của John Vũ - Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học tại Trường ĐH Carnegie Mellon, Mỹ - đưa thông tin: trung bình một người Mỹ thay đổi nghề 4 lần trong đời. Chúng ta tự nguyện chuyển sang cơ chế thị trường nhưng nhiều người vẫn giữ lối tư duy bao cấp" - TS Lê Viết Khuyến chia sẻ.
Lưu ý cách đánh giá
Một trong những vấn đề TS Lê Viết Khuyến đề cập đến khi muốn chuyển sang chế độ hợp đồng giáo viên là cơ chế đánh giá giáo viên sẽ như thế nào? Luật Viên chức quy định, 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ có thể bị cắt hợp đồng, nhưng quy định này vẫn chưa cụ thể lắm.
Từ đây, TS Lê Viết Khuyến chia sẻ cách làm phổ biến ở nhiều nước, đó là đánh giá qua lấy ý kiến sinh viên sau mỗi năm học. Cách đánh giá cũng rất nhân văn, không phải vì một tình huống cụ thể mà quyết định.
Cụ thể, nếu năm thứ nhất, giảng viên không được đánh giá tốt, nhà trường sẽ thông báo kết quả đánh giá cho chính giảng viên đó. Lần thứ 2 kết quả tương tự có thể đưa ra cảnh báo. Nếu lần thứ 3 vẫn kết quả như trên mới cắt hợp đồng.
"Bộ câu hỏi cho sinh viên đánh giá giảng viên phải được thiết kế phù hợp, thực tế và tôn trọng..." - TS Khuyến nhấn mạnh.