Im lặng và cảm nhận
Cô giáo Hồ Thị Tâm (giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Quốc học Huế) kể về một trải nghiệm về một tiết dạy khá đặc biệt.
Hôm đó, tiết dạy của cô Tâm bắt đầu từ tiết 3. “Vừa vào lớp, tôi đã thấy cây đàn guitar và ukulele ngay trên bàn 1 học sinh. Ngạc nhiên, tôi hỏi, lớp mình vừa có một giờ nghỉ? Dạ không, lớp vừa học xong giờ Tiếng Anh, topic hôm nay là Music. Trời ơi, tôi muốn cảm ơn giáo viên Tiếng Anh trong giờ vừa rồi biết mấy. Các con có thể cho cô nghe 1 bản nhạc được không? Ôi rất sẵn lòng cô ơi….
Một bạn nam lên ôm cây guitar, bưng chiếc ghế ra lối đi giữa lớp. Những gương mặt háo hức. Tôi giơ cánh tay lên cao. Các em rất nhanh, nhìn vào cánh tay tôi và im lặng. Cô thật vui khi sẽ được nghe tiếng đàn của bạn K, nhưng cho cô xin được đặt ra 1 điều kiện nhỏ xíu, được không? Cả lớp im lặng, nín thở chờ đợi điều kiện của cô. Điều kiện này rất nhỏ, là, các bạn hãy nhắm mắt thật nhẹ, để lắng nghe tiếng đàn của bạn, được không?
Tôi chọn chỗ ngồi bệt xuống ngay nơi bục giảng, đối mặt với lớp. Tất cả chìm trong im lắng của âm thanh. Cho đến khi âm thanh của tiếng guitar chấm dứt. Tất cả diễn ra chỉ 1 phút.
Tôi đưa ra yêu cầu tiếp theo: Các bạn có một phút để trao đổi thật khẽ với người bạn kế bên, về những gì mình nghe và thấy trong khoảnh khắc vừa rồi.
Khi nghe học sinh tỏ bày, tôi mừng đến muốn khóc. Có em chia sẻ rằng đó là tiếng nhạc thật buồn, làm con nhớ lại những lỗi lầm của ngày hôm qua. Đó là âm thanh của tiếng đàn, và tiếng bạn con cười. Đó là tiếng đàn, và tiếng mọi người đuổi nhau đâu đó. Đó là tiếng đàn, và tiếng của cô lúc nãy – cho dù khi tiếng đàn cất lên, tôi cùng chìm vào im lặng cùng các em. Đó là tiếng nhạc, và con thấy những nỗi buồn con đã trải qua... 27 em học sinh đều nói lên thứ mình nghe, thứ mình thấy trong 1 phút vừa qua. Có thứ chúng nghe - thấy trong thực tại. Có thứ chúng nghe - thấy từ quá khứ.
Rồi cô Hồ Thị Tâm nêu vấn đề: “Nào các bạn, chúng ta đã cùng nhau trải qua chung một không gian, một thời gian mà một sự kiện, nhưng cách các bạn nghe - thấy đâu phải giống nhau, đúng không? Mỗi người nghe được mỗi thứ âm thanh khác nhau, nhìn thấy được mỗi hình ảnh khác nhau. Và rõ ràng, chỉ một phút đơn giản thôi, chúng ta đã có những sự khác biệt, thì không có lý gì, trong bài học của 90 phút hôm trước, các bạn lại hoàn toàn học được những điều giống nhau! Nào, cô để dành cho các bạn 1 phút, hãy ghi ra vở, những gì mình nhớ được, những gì mình ấn tượng, những gì mình thích thú trong bài học của ngày hôm trước. Nhớ, mỗi người sẽ có những thú vị riêng nhé!”
Cô Hồ Thị Tâm cùng học sinh bước vào bài, trên cơ sở những gì các em đã nhận được từ bài học trước. “Tôi biết chúng đã biết gì, chưa biết gì, cần thêm gì cho bài học của hôm nay. Tôi thật sự bất ngờ, vì các bạn đưa ra các vấn đề thú vị về bài học hôm trước nhiều hơn tôi tưởng” – cô Tâm chia sẻ.
Giờ học không có trong giáo án
Trong thời gian chuyển sang học online do lớp học có cô giáo bộ môn là F0, học sinh lớp 11/6, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) có một tiết học Ngữ văn thật đặc biệt.
Bạn Lâm Nguyễn nhớ lại: “Hiện lên màn hình không phải là màn hình bài giảng mà lại là cái lớp học quen thuộc của cả lớp. Đứa nào đứa nấy cũng phì cười xen lẫn chút buồn vì giờ chỉ có thầy ở đó mà không có học sinh. Nhưng mà nỗi buồn ấy cũng không kéo dài quá lâu, thầy lập thức hỏi thăm tình hình sức khoẻ của đứa một, theo đúng nghĩa là “từng đứa một” luôn. Có đứa thì khoẻ, có đứa thì nghẹt mũi rồi ho, thầy đều hỏi han rồi động viên từng đứa, nhắc nhở giữ gìn sức khoẻ cũng như là phải chú tâm vào việc học. Xen vào những lời hỏi thăm là đôi lời đùa vui của thầy với từng đứa khiến cả lớp đứa nào cũng cười như được mùa, nhưng mà quan trọng cả bọn đều vui, cả thầy cũng vui”.
Cuối tiết học đặc biệt ấy, thầy Nguyễn Đình Hòa – giáo viên Ngữ văn đồng thời là giáo viên chủ nhiệm, ra bài tập về nhà cho cả lớp: Viết nhật ký cách ly. “Cứ ba ngày chấm 1 cột điểm. Chấm nội dung nhật kí, cách sử dụng từ ngữ, suy nghĩ trải nghiệm của bản thân, những bài viết có cảm xúc, suy nghĩ tích cực sẽ có điểm cộng... Không hạn chế cách viết: trên giấy, trên facebook, trên file word, quay video..." - thầy Hòa cho biết.
Đề bài của thầy Nguyễn Đình Hòa đã giúp học sinh diễn đạt được suy nghĩ, cảm nhận của mình. Và học sinh cũng nhận thấy được mục đích của môn Ngữ văn hướng tới: không chỉ học các kiến thức, mà còn là sự vận dụng vào đời sống hàng ngày. Thầy Hòa nhận xét, những bài "tường thuật" cách ly của các em đều sinh động. Đây cũng đồng thời là những trải nghiệm đánh dấu sự trưởng thành của các em.