Giờ học hạnh phúc và người thầy truyền cảm hứng

GD&TĐ - Sáng 25/4, Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) tổ chức hội thảo “Người thầy truyền cảm hứng trong giờ học hạnh phúc”.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến thảo luận của giáo viên.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến thảo luận của giáo viên.

Ông Nguyễn Ngọc Ân – Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam và chuyên gia tâm lý PGS.TS Trần Thị Lệ Thu đến dự và truyền cảm hứng cho thầy – trò nhà trường.

Theo cô Lưu Thị Lập – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đặt ra những yêu cầu mới với người thầy. Theo đó, người thầy chính là người truyền cảm hứng để mang đến cho học trò những giờ học hạnh phúc. Người thầy trên bục giảng sẽ là nhà giáo dục chuyên nghiệp, mang đến cho học sinh không gian học tập an toàn, vui vẻ và gần gũi;

Đồng thời là người truyền cảm hứng cho học trò khám phá tri thức, rèn luyện kĩ năng và xây dựng thái độ học tập tích cực. Ngoài ra, giáo viên cần biết tôn trọng sự khác biệt và điểm xuất phát khác nhau ở mỗi cá nhân.

PGS.TS Trần Thị Lệ Thu đã truyền cảm hứng về Trường học hạnh phúc.
PGS.TS Trần Thị Lệ Thu đã truyền cảm hứng về Trường học hạnh phúc.

“Trên hành trình xây dựng Trường THPT Hoàng Cầu là Trường học hạnh phúc, chúng tôi tự hào khi có những thầy giáo, cô giáo tận tụy với nghề, tận tâm với trò. Thầy cô không ngừng thay đổi bản thân để mang đến những giờ học tuyệt vời nhất cho học sinh. Chứa đựng phía sau, chính là nghị lực và quyết tâm thay đổi thói quen,  tình yêu cháy bỏng với nghề, tình thương với trò và những ngày miệt mài ở trường kèm cặp cho học sinh, đôi khi còn là những giọt nước mắt lặng lẽ vì thương hoàn cảnh của học trò...” – cô Lập bộc bạch.

Cho rằng, cảm hứng là điều quan trọng cốt lõi giúp học sinh tiếp thu kiến thức nhanh chóng, say mê với môn học, đồng thời có thể rút ngắn khoảng cách giữa giáo viên và học sinh, cô Nguyễn Thị Thủy – giáo viên  môn Lịch sử, Trường THPT Hoàng Cầu bày tỏ: Trong quá trình giảng dạy, tôi thường cập nhật kiến thức và sưu tầm sách, báo cũng như các đoạn phim để có tư liệu từ thực tế, tích hợp liên môn (thơ, nhạc…). Ngoài ra, cô Thủy còn sử dụng giáo án trình chiếu, tổ chức cho học sinh tham gia các trò chơi hoặc trải nghiệm sáng tạo…

Giáo viên chia sẻ cách xây dựng giờ học hạnh phúc.
Giáo viên chia sẻ cách xây dựng giờ học hạnh phúc.

Bên cạnh đó, cô Thuỷ còn áp dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực để phát huy năng lực của học trò. “Vì thế, mỗi bài giảng của tôi luôn sinh động, lớp học vui vẻ và học sinh thấy vô cùng thoải mái khi học môn Lịch sử” – cô Thuỷ chia sẻ.

Là giáo viên Hoá học, cô Nguyễn Thị Hiền trao đổi: Môn học này có mối quan hệ mật thiết với đời sống. Nói cách khác, hóa học xuất hiện và đóng vai trò quan trọng trong hầu hết mọi hoạt động của đời sống hàng ngày. “Chính vì vậy, tôi muốn học sinh học Hóa học không phải vì đó là môn học bắt buộc trong chương trình giảng dạy. Tôi muốn các em biết sử dụng kiến thức của môn học để giải quyết những vấn đề thực tiễn và để khám phá thế giới muôn màu…” – cô Hiền bày tỏ.

Ông Nguyễn Ngọc Ân- Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Ông Nguyễn Ngọc Ân- Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Trần Thị Lệ Thu cho rằng: Hạnh phúc là một hành trình không có điểm đến - ngày hôm nay hạnh phúc hơn hôm qua…. Hạnh phúc trên từng chặng đường. Trên hành chính đó, thầy, cô sẽ lắng nghe học sinh bằng cả trái tim. Tiêu chí xây dựng lớp học hạnh phúc, trường học hạnh là: Yêu thương, an toàn, tôn trọng, được hiểu, được có giá trị và sáng tạo.

Theo PGS.TS Trần Thị Lệ Thu, giáo dục học sinh không chỉ là phát triển IQ, mà cần phát huy tối đa phẩm chất và năng lực của mình. Giáo dục học sinh thích ứng với hiện tại và tương lai, với những thay đổi của xã hội. Qua đó, để các em được hạnh phúc.

Cô Lưu Thị Lập – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu chia sẻ về chủ đề của hội thảo.
Cô Lưu Thị Lập – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu chia sẻ về chủ đề của hội thảo.

Đặt vấn đề, xây dựng Trường học hạnh phúc để làm gì? ông Nguyễn Ngọc Ân khẳng định: Trường học học phúc giúp giáo viên phát triển thêm năng lực nghề nghiệp. Khi giáo viên thay đổi sẽ giúp nhà trường ngày càng tốt lên và học sinh được hạnh phúc.

Hiệu trưởng phải thay đổi.  Tất cả thầy cô và học sinh phải thay đổi. Chúng ta phải tạo ra môi trường hạnh phúc để học sinh có cơ hội được sáng tạo, phát triển và thành công học tập, cũng như trong cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ