Tạo dựng giờ học hạnh phúc bằng cảm hứng

GD&TĐ - Chia sẻ thành công khi “Xây dựng lớp học hạnh phúc”, cô Đỗ Thị Hoàng Mai - giáo viên Trường Tiểu học Nông Nghiệp I (huyện Gia Lâm, Hà Nội) nêu quan điểm, thầy cô hãy lựa chọn việc dạy học bằng truyền cảm hứng. 

Cô Hoàng Mai với tiết dạy truyền cảm hứng.
Cô Hoàng Mai với tiết dạy truyền cảm hứng.

Gieo hạt ước mơ

Dạy học sinh lớp Một, cô Đỗ Thị Hoàng Mai luôn mong học trò cảm nhận được hạnh phúc ngay từ bước đi đầu tiên. Mỗi ngày cô chăm chỉ gieo hạt ước mơ đến những tâm hồn trẻ thơ trong trẻo, hồn hậu. Mỗi khi học sinh mắc lỗi, cô thường nghĩ “thế mới là học sinh lớp Một” để rồi bao dung kéo học trò vào lòng bằng tình yêu thương của người thầy - người mẹ thứ hai. Cô bày tỏ: Chúng ta đừng nghĩ người thầy luôn đúng, mà cần phải biết tôn trọng và thật bình đẳng trong mối quan hệ thầy - trò để kiến tạo một lớp học hạnh phúc.

Với vai trò là “người đi gieo hạt ước mơ”, cô Mai luôn tâm niệm: “Học tập và chia sẻ, nhóm lửa, giữ lửa và truyền lửa” là sứ mệnh và sẽ gắn bó với cô suốt cuộc đời. Thắp lửa nghề để tạo dựng những giờ học hạnh phúc chính là bí quyết để cô “chinh phục” học trò và khẳng định sự nỗ lực của bản thân qua các thành tích trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố… và thành quả lớn nhất là nhiều em đoạt giải cao các kỳ thi quốc tế, quốc gia và thành phố.

Cô Mai chia sẻ: Dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp Một, tôi đặt ra cho mình mục tiêu là truyền cảm hứng, tiếp đến là sáng tạo. Bởi khi giáo viên đã truyền được cảm hứng học tập đến học trò thì những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chương trình mới sẽ sớm được tháo gỡ, từ đó phát huy được tính ưu việt của đổi mới.

Cô Mai nhìn nhận: Không ai nói rằng việc tạo cảm hứng học tập cho học trò là một công việc dễ dàng, với học sinh lớp Một lại càng thách thức. “Tôi thấy cần phải có nghệ thuật truyền cảm hứng nên đã dùng tất cả phương tiện phi ngôn ngữ như:

Một cái nháy mắt, một ngón tay cái giơ lên tán tưởng, một bàn tay đặt nhẹ lên vai để động viên… để đến gần hơn với học trò. Tôi có thể đóng nhiều vai trong các tiết học. Đó là, một anh chàng quay phim trong tiết Tự nhiên xã hội; cô y tá khi tuyên truyền Covid-19, lúc lại hóa thân thành cô bộ đội khi dạy các con hướng về ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam... Và để truyền cảm hứng cho trò, tôi chú trọng vào bước Khởi động. Khởi động cho một tuần học mới, một ngày học mới, một tiết học mới vui vẻ, hào hứng và nhẹ nhàng”.

Cô Mai còn sáng tạo, khéo léo dẫn dắt học trò vào các dự án học tập. Năm học 2020 - 2021, dự án “Em yêu cây xanh” của cô trò kéo dài trong 8 tuần với hình thức liên môn: Kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm, tự nhiên xã hội đã tạo sức hút không chỉ với học sinh mà còn kết nối được gia đình - nhà trường và xã hội.

Kết thúc mỗi năm học, cô Mai thường đưa ra khảo sát nhỏ với phụ huynh học sinh qua các câu hỏi “Trong năm vừa qua, anh/chị có cảm nhận gì về cô giáo dạy con mình?”, “Sau một năm học được đồng hành cùng cô và các bạn, phụ huynh thấy con mình đã thay đổi như thế nào?”. Cô cho biết: Qua khảo sát một cách khách quan, tôi có dịp nhìn nhận lại mình, từ đó phát huy điểm mạnh và nhận ra thiếu sót để phát huy cho lứa học trò mới…

Cô Hoàng Mai và học trò. Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19. Ảnh TG
Cô Hoàng Mai và học trò. Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19. Ảnh TG

Yêu thương, an toàn và tôn trọng

Để lớp học trở nên hạnh phúc, cần bảo đảm đủ ba tiêu chí: Yêu thương, an toàn và tôn trọng. Cô Mai đã xác định được yếu tố cốt lõi nhất ở đây chính là quan hệ giữa thầy và trò. Quan hệ này phải thay đổi, kéo gần lại khoảng cách thầy trò bằng khen ngợi, khuyến khích, khuếch trương và những kỳ vọng hợp lý. Bên cạnh đó là tăng cường kết nối với cha mẹ học sinh và sử dụng kỷ luật tích cực sẽ là những chất liệu để giáo viên xây dựng nên lớp học hạnh phúc của chính mình.

Vấn đề là những yếu tố này sẽ được khơi dậy thế nào khi cô và trò đang dạy, học trực tuyến? Cô Mai nhìn nhận: Dạy học trực tuyến có những khó khăn nhất định so với dạy học trực tiếp nhưng không phải là cô trò không tương tác, kết nối được với nhau.

Đây chỉ là thay đổi cách thức tương tác, nếu thầy cô nào nắm bắt được ưu điểm khi dạy trực tuyến sẽ phát huy được sức mạnh kết nối và lớp học vẫn có thể trở nên vui vẻ, hạnh phúc. Hạnh phúc không phải ở trong giờ học mà còn có thể tạo ra ở ngoài giờ học. Giáo viên có thể chuyển tải qua những hoạt động gắn với thực tiễn cuộc sống của học sinh trong gia đình…

Em Đào Nguyễn Bảo An - Học sinh lớp 1A Trường Tiểu học Nông Nghiệp I bộc bạch: “Mặc dù mới chỉ được gặp cô Hoàng Mai qua lớp học trực tuyến nhưng em rất thích nụ cười, giọng nói của cô. Em không còn thấy “sợ” khi phải ngồi học trước màn hình máy tính. Những trò chơi vui để học mà cô mang đến đã giúp em dần biết đọc, biết viết”.

Hiểu được những khó khăn của phụ huynh và học sinh lớp Một, cô Mai bố trí thành 2 lớp và dạy theo khung giờ khác nhau để có điều kiện kèm cặp học sinh sát sao hơn. Với cô, hiệu quả của việc dạy trẻ lớp Một rất cần sự đồng hành của cha mẹ học sinh, nhất là khi các em phải chịu thiệt thòi làm quen với con chữ, mặt số qua màn hình máy tính, điện thoại…

Dạy học sinh lớp Một theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô Mai nhận định: Chương trình phát huy phẩm chất và năng lực của học sinh, ngoài năng lực của môn học còn là năng lực về giải quyết sáng tạo rồi tự chủ, tự học, biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề trong thực tiễn.

Theo cô, để phát huy được những yếu tố này cho học sinh, trong mỗi bài học, giáo viên cần soạn theo phương hướng phát triển năng lực. Một tiết dạy thường có 4 phần (mở đầu, hình thành kiến thức mới rồi đến luyện tập thực hành và một phần vô cùng quan trọng là vận dụng và trải nghiệm). Hoạt động vận dụng và trải nghiệm là cái để áp dụng những kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề trong thực tế.

Cô Mai sử dụng hình thức rất phong phú, có thể qua trò chơi, hoạt động trải nghiệm tại gia đình để khai thác những vấn đề trong thực tiễn. Sau đó, cô đặt ra các câu hỏi mở để các con tìm hiểu. Vì vậy, ngồi học online nhưng không phải lúc nào cũng chăm chăm nhìn vào màn hình mà các con được vận động, được nói, phát biểu, trình bày ý kiến trên tinh thần nội qui, nền nếp lớp học. 

Đổi mới chương trình giáo dục yêu cầu người thầy phải đổi mới phương pháp và hình thức dạy học. Tôi nhận thấy, bản thân cần phải thay đổi và tự làm mới mình. Giáo viên - với vai trò là người đi “gieo hạt” đã được trao tặng một mảnh đất vô cùng màu mỡ. Ở mảnh đất ấy, có đơm hoa, có kết trái được hay không tùy thuộc vào mỗi nhà giáo. Và để truyền cảm hứng cho trò, tôi đã luôn lắng nghe, thấu hiểu và yêu thương”. - Cô Đỗ Thị Hoàng Mai

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.