Phụ huynh đồng hành - giáo viên vượt khó
Cô Phan Thiên Hương - Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A8, Trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: Học trực tuyến với học sinh tiểu học, nhất là các em lớp 1 khó khăn với cả thầy và trò.
Để khắc phục tình trạng này, giáo viên khối 1 đã chia lớp thành 2 ca: Sáng - tối, tạo điều kiện để học sinh được học với sĩ số ít nhất. Nhờ chia 2 ca, học sinh được gọi, nói chuyện với cô nhiều hơn, giảm áp lực học tập. Có học trò chỉ gặp cô qua màn hình máy tính mà đã làm 1 clip ảnh tặng cô nhân ngày 20/10 rất đáng yêu. Để tạo sự mong chờ cho tiết học, thỉnh thoảng cô làm clip hướng dẫn học sinh trồng cây, làm giá đỗ tạo không khí vui vẻ.
Còn với cô Tô Thị Kim Dung - giáo viên lớp 1A1, Trường Tiểu học Xuân Nộn (Đông Anh, Hà Nội), nhờ nắm bắt tâm lý của phụ huynh, ngay từ đầu năm học cô Dung đã cùng các giáo viên khối 1 của trường tiến hành rà soát lại nội dung chương trình các môn học để sắp xếp lại... Đồng thời, giáo viên họp với phụ huynh học sinh để thống nhất cách làm việc. Phụ huynh nào gặp khó khăn hoặc băn khoăn điều gì có thể nhắn tin hoặc trao đổi trực tiếp với giáo viên. Phương châm là kêu gọi sự đồng hành, chia sẻ của phụ huynh vì sự tiến bộ mỗi ngày của con em họ trong điều kiện đặc biệt của thời cuộc.
“Học sinh lớp 1 chưa quen với hình thức học tập mới ở trường tiểu học. Các thao tác sử dụng phương tiện học tập của các em rất chậm, thậm chí không biết sử dụng và cần phụ huynh làm giúp. Cha mẹ là người hiểu thái độ, biết con muốn nói điều gì, suy nghĩ như thế nào. Bởi vậy, sự đồng hành chia sẻ của cha mẹ là yếu tố quan trọng làm nên thành công của các giờ học online”, cô Kim Dung nhấn mạnh.
Bí quyết làm nên những giờ học hạnh phúc
Các giáo viên dạy trực tuyến thống nhất quan điểm, học trò lớp 1 vẫn phải duy trì phương pháp “vừa dạy vừa dỗ”. Để các em hào hứng tham gia tiết học, giáo viên ngoài lựa chọn nội dung cốt lõi cần dành nhiều lời động viên, khích lệ hơn cho học trò, giảm yêu cầu khi đánh giá....
Bí quyết để thu hút học sinh của cô Phan Thiên Hương là giáo viên cần cố gắng soạn những giáo án điện tử với những hình ảnh, video sinh động hơn, kích thích sự chú ý của học sinh. Đồng thời, giải thích các từ mới cho học sinh một cách trực quan. Để tiết tập đọc bớt nhàm chán, có thể cho học sinh xếp nhiều từ trên bộ đồ dùng có chứa âm, vần mới, phát huy những hiểu biết của các em bằng cách hỏi bạn những từ mình chưa rõ và tự giải thích cho nhau.
Với môn Toán, học sinh có thể trả lời bằng cách chat vào ô chat hoặc xếp các phép tính vào bảng đồ dùng. Đặc biệt, trẻ rất thích trò chơi tìm số liền trước, liền sau, so sánh số, tìm kết quả phép tính… từ những quân bài. Học như vậy các em không quá căng thẳng mà cảm thấy thú vị và ghi nhớ bài học hơn.
“Ngoài việc khen trực tiếp khi dạy online, tôi làm giấy khen “Sao tích cực” để động viên học sinh tích cực trong giờ học. Khi chấm bài, tôi sử dụng thêm các hình vẽ tim, hoa, sao… để học sinh cảm thấy thích thú hơn”, cô Hương chia sẻ.
Cô Tô Thị Kim Dung đã dành 1 tuần đầu để nói chuyện, tạo cho học sinh dần quen với việc ngồi học. Khi học trực tiếp trên lớp, giáo viên có thể yêu cầu học sinh làm được 10 phần thì với học trực tuyến, giáo viên chỉ cần các con đạt được 60% lượng kiến thức. Phần còn lại, cô giáo phải động viên, khuyến khích và chia sẻ để các em thoải mái trong mỗi giờ học.
Xác định rõ, mỗi tiết học ngoài lời nói, cử chỉ của giáo viên thì bài dạy phải có sự sinh động hấp dẫn qua hình ảnh, câu chuyện, trò chơi học tập... Bí quyết của cô Kim Dung là sử dụng lời nói, ngữ điệu mềm mại để thu hút sự chú ý của học sinh. Cùng đó, sử dụng hình thức dạy học linh hoạt đa dạng: Chia nhóm (học sinh được chia theo nhóm bất kì).
“Ban đầu tôi cũng khá lo lắng nếu chia học sinh lớp 1 vào các nhóm. Tuy nhiên, sau vài buổi, các em rất háo hức và mong chờ được chia vào nhóm để đọc bài. Ở trong nhóm, các em vừa được làm quen với bạn mới, vừa có cơ hội thể hiện mình. Khi chia học sinh hoạt động theo nhóm, thời gian đầu tôi vào từng phòng để hướng dẫn các em cách xưng hô, trao đổi với bạn. Sau một thời gian, học sinh hoạt động theo nhóm khá tốt và thực hiện nghiêm túc”, cô Dung cho hay.
Một kinh nghiệm được cô Dung chia sẻ: Khi chuyển giao giữa các tiết học, giáo viên dành thời gian cho học sinh đi vệ sinh, uống nước. Đây cũng chính là cách giúp trẻ đỡ mỏi mắt khi ngồi bên màn hình quá lâu. Sau đó học sinh quay trở lại phòng học với một tiết mục nghỉ giữa giờ sôi động. Như vậy sẽ thu hút hơn sự chú ý và giảm sự mệt mỏi cho học sinh.