Những tiền đề vững chắc cho năm mới

GD&TĐ - Năm 2023 khép lại với nhiều dấu ấn về phát triển hệ thống cơ sở GD-ĐT, nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ và chính sách cho nhà giáo...

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì cho học sinh đoạt giải cao tại Kỳ thi Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023. Ảnh: Xuân Phú
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì cho học sinh đoạt giải cao tại Kỳ thi Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023. Ảnh: Xuân Phú

Những điểm sáng ấy sẽ là tiền đề để năm 2024, ngành Giáo dục gặt hái nhiều thành tựu hơn nữa.

“Điểm cộng” cho ngành Giáo dục

Là chủ nhân Huy chương Vàng, Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế 2023, Nguyễn An Thịnh đang là sinh viên Khoa Khoa học máy tính, Trường ĐH Quốc gia Singapore. Dưới sự dẫn dắt, giảng dạy nhiệt tình của thầy, cô giáo, An Thịnh và các thành viên đội tuyển Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công. Từ thành tích này, An Thịnh nhận thấy, hướng đi đúng đắn trong tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi của các trường, địa phương và Bộ GD&ĐT.

“Chiến lược của Bộ GD&ĐT đã đặt “nền móng” vững chắc để chúng em có được thành công trên đấu trường quốc tế. Đây cũng là điểm sáng của giáo dục phổ thông năm 2023”, Nguyễn An Thịnh chia sẻ và mong Bộ GD&ĐT tiếp tục có chính sách vinh danh, ghi nhận thành tích của các tài năng trẻ, để những đóng góp của chúng em có điều kiện “đơm hoa kết trái”.

Nhấn mạnh, giáo dục Việt Nam ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực, khẳng định vị thế quan trọng trên đấu trường quốc tế, bà Châu Quỳnh Dao, đại biểu Quốc hội, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Kiên Giang viện dẫn, Việt Nam có 7 đoàn tham dự Olympic khu vực và quốc tế, với 36 lượt học sinh tham gia.

Học sinh các đoàn đi thi đều đoạt giải với 8 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng và 4 Bằng khen. Các đoàn học sinh của Việt Nam dự thi năm 2023 tiếp tục giữ thành tích trong tốp 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất, nhiều học sinh đạt số điểm cao nhất.

Còn tại Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023, đoàn Việt Nam có 7 dự án tham dự, 1 dự án đoạt giải chính thức, 1 dự án đoạt giải đặc biệt do tổ chức US Agency for International Development trao tặng với giá trị giải thưởng 2.000 USD.

“Có thể nói, kết quả thi Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023 đã khẳng định chính sách đúng đắn, chiến lược phát triển giáo dục phù hợp của Bộ GD&ĐT. Kết quả này đồng thời tác động to lớn đến giáo viên, học sinh và toàn thể xã hội trong nỗ lực thực hiện mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Đây được xem là “điểm cộng” của ngành Giáo dục”, bà Châu Quỳnh Dao nhìn nhận.

Lớp học của một trường tại quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT cung cấp

Lớp học của một trường tại quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT cung cấp

Vượt khó khăn, thách thức

Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức và nguồn lực hạn hẹp nhưng PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT) nhận thấy, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà có bước chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

“Còn gì vui hơn khi các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Việt Nam có 7 cơ sở GDĐH tại bảng xếp hạng THE Impact Rankings năm 2022 và năm 2023 có 9 cơ sở nằm trong bảng xếp hạng này”, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh bày tỏ.

Tại bảng xếp hạng các cơ sở GDĐH theo nhóm ngành năm 2023 của tổ chức Quacquarelli Symonds (QS), có 11 ngành đào tạo tại 6 cơ sở GDĐH của Việt Nam được xếp hạng trong tốp 51 - 630 tốt nhất thế giới. Trong đó, kết quả tập trung nhiều tại tốp 351 - 500, tại ngành Kỹ thuật với 5 nhóm ngành được xếp hạng và 4 cơ sở GDĐH gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh nhìn nhận, Chính phủ ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg (ngày 2/10/2021) phê duyệt Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021 - 2025 nhằm bảo đảm chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và trường chuyên biệt.

“Đó là những minh chứng sinh động cho sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành Giáo dục năm qua”, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh quả quyết và nhấn mạnh, một trong những nét nổi bật của bức tranh giáo dục là, toàn dân được học tập, có cơ hội tiếp cận giáo dục, đào tạo, nhất là thế hệ trẻ. Qua đó, thể hiện nỗ lực lớn của toàn hệ thống chính trị trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ từ giai đoạn đầu đời, tạo tiền đề quan trọng để các em bước vào bậc học tiếp theo.

Toàn ngành Giáo dục đang triển khai Chương trình GDPT 2018. Lần đầu tiên chương trình GDPT được xây dựng bài bản, tiếp cận quốc tế, quy trình chặt chẽ từ chương trình tổng thể đến môn học ở các cấp, lớp học. Bộ GD&ĐT đã chủ động, tích cực phối hợp với các địa phương chuẩn bị điều kiện bảo đảm như: Tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng phương án dạy học 2 buổi/ngày cấp tiểu học…

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, cần thẳng thắn nhìn nhận, một số phong trào thi đua hiệu quả chưa cao, mang tính hình thức, nội dung chưa phong phú, đa dạng. Qua theo dõi cho thấy, hầu hết cơ sở giáo dục không có tổ hợp môn học và chuyên đề học tập lựa chọn có môn Âm nhạc, Mỹ thuật do chưa có giáo viên. Việc chuyển đổi môn học hoặc chuyển trường với học sinh theo học Chương trình GDPT 2018 khó khăn hơn so với học Chương trình GDPT 2006.

“Phân tích nêu trên là những vấn đề căn cốt, cần nhìn nhận thấu đáo để phát huy kết quả đạt được và sớm khắc phục khó khăn, hạn chế. Tôi hy vọng, trong giai đoạn tiếp theo, trước mắt là năm 2024, ngành Giáo dục tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa”, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh bày tỏ.

Giờ thực hành của sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Giờ thực hành của sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Năm mới nhiều khởi sắc

Chương trình, sách giáo khoa GDPT 2018 đi được hơn nửa chặng đường. Theo bà Châu Quỳnh Dao, đây là lần đổi mới quan trọng, chuyển từ nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cá nhân. Đổi mới lần này thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào chất lượng đội ngũ nhà giáo. Trước yêu cầu đó, mỗi thầy, cô giáo cần nỗ lực, đổi mới, sáng tạo hơn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

“Tôi mong các địa phương sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, tạo điều kiện tốt nhất để thầy – trò hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dạy học theo Chương trình GDPT 2018”, bà Châu Quỳnh Dao bày tỏ, đồng thời đề xuất, ngành Giáo dục cần nỗ lực, cố gắng hơn nữa đáp ứng mong muốn, kỳ vọng của nhân dân; quan tâm nâng cao thể lực, sức vóc, coi trọng phát triển toàn diện Đức – Trí - Thể - Mỹ cho học sinh, sinh viên. Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Là giáo viên, đại biểu Quốc hội, cô Nguyễn Thị Hà mong muốn, bước sang năm mới, ngành Giáo dục thực hiện đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng đó là các giải pháp đồng bộ để thực hiện tốt Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đặc biệt, ngành Giáo dục cần thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, đào tạo, tập trung hoàn thiện chính sách phát triển, phương thức đào tạo trực tuyến, quản lý giáo dục trên môi trường mạng. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, triển khai kết nối liên thông dữ liệu, tích hợp cơ sở dữ liệu ngành vào cơ sở dữ liệu quốc gia; phát triển kho học liệu số toàn ngành.

Cùng đó, các địa phương thực hiện rà soát, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên đúng quy định của Nhà nước; chủ động đặt hàng các trường sư phạm trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên theo môn, cấp học nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay; phải đảm bảo “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”; thường xuyên thanh/kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Bộ GD&ĐT và các địa phương cần chỉ đạo xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh, sinh viên; tăng cường an ninh, an toàn trường học và các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường.

“Qua tiếp xúc, tôi nhận thấy cử tri mong muốn ngành Giáo dục rà soát các vấn đề giáo dục, đào tạo trong toàn ngành, chỉ đạo giải quyết, khắc phục dứt điểm hạn chế, bất cập. Kiểm tra các điều kiện bảo đảm chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học. Thanh/kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm hoặc những vấn đề nóng mà dư luận xã hội quan tâm”, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề xuất.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, việc đầu tiên mà ngành Giáo dục cần làm là tập trung thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm định chất lượng đối với cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Cùng đó, phát triển các cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo chất lượng cao, tiến tới đạt chuẩn khu vực và thế giới nhằm thu hút số sinh viên có nhu cầu, điều kiện du học ở nước ngoài về học tập trong nước.

“Đối với giáo dục, cần nhấn mạnh vai trò quan trọng của người thầy. Thầy tốt mới có thể dạy học sinh tốt. Chính vì vậy, đội ngũ giáo viên cần được chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện tốt nhiệm vụ “trồng người”.

Ngoài ra, cần quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị điều kiện dạy học của giáo viên. “Song trên hết, tôi mong nhà trường, gia đình, xã hội cùng chung tay chăm lo cho sự nghiệp trồng người và đồng hành để giáo dục học sinh trở thành người tử tế. Đó là những yếu tố quan trọng tôi muốn gửi gắm trong năm mới”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ trải lòng.

Theo đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao, năm 2023, ngành Giáo dục đạt nhiều kết quả tích cực. Hệ thống cơ sở giáo dục và đào tạo phát triển cả về quy mô, số và chất lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của nhân dân. Những điểm sáng của giáo dục, đào tạo trong năm qua sẽ là tiền đề để năm 2024 có nhiều khởi sắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ