“Gặt hái” sau một học kỳ thực hiện Thông tư 30

GD&TĐ - Sau một học kì thực hiện Thông tư 30, những thuận lợi và đặc biệt là khó khăn khi triển khai quy định mới này đã được Sở GD&ĐT Điện Biên phân tích cặn kẽ; từ đó, có giải pháp tốt hơn để tiếp tục thực hiện hiệu quả trong học kì tiếp theo.

“Gặt hái” sau một học kỳ thực hiện Thông tư 30

Ông Đào Thái Lai - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Điện Biên) - trong những ngày đầu xuân năm mới đã dành thời gian trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại về nội dung này.

- Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả dạy học trên địa bàn sau một học kì triển khai thực hiện Thông tư 30?

Ông Đào Thái Lai 

Thực hiện quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học, Sở GD&ĐT Điện Biên đã ban hành văn bản số 1552/SGDĐT-GDTH về việc triển khai kế hoạch tập huấn nâng cao năng lực đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30.

Các phòng GD&ĐT đã hoàn thành công tác tập huấn cho 413 cán bộ quản lý 4.719 giáo viên tiểu học trước ngày 20/10/2014, đạt 100%.

Cùng với đó, Sở cũng đã ra quyết định số 2608/QĐ-SGDĐT về việc thành lập tổ công tác hỗ trợ triển khai thực hiện Thông tư 30; công văn số 1872/SGDĐT-GDTH về việc hướng dẫn thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014; Công văn số 2134/SGDĐT-GDTH về việc chỉ đạo đánh giá định kì theo Thông tư 30/2014; Công văn số 29/SGDĐT-GDTH về việc đánh giá và khen thưởng học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014.

Có thể nói, Thông tư 30 được triển khai thực hiện đã tạo điều kiện cho giáo viên tiểu học tăng cường sự gắn kết với gia đình, cộng đồng xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh;

Giúp người dạy đánh giá được sự tiến bộ thường xuyên của mỗi cá nhân học sinh qua từng tiết học, từng hoạt động dạy - học; từ đó điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động cơ bản - hoạt động thực hành - hoạt động ứng dụng phù hợp với năng lực học sinh. Tạo điều kiện tốt nhất để học sinh tự tin, khẳng định bản thân và có động cơ vươn lên trong học tập.

Đồng thời, rèn cho học sinh khả năng tự đánh giá, tham gia đánh giá; tự học, tự điều chỉnh cách học; tăng khả năng giao tiếp, hợp tác; tạo hứng thú trong học tập và rèn luyện để tiến bộ. Hình thức ghi nhận xét đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan đối với tất cả học sinh.

Mặc dù việc triển khai thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tỉnh Điện Biên đã có 68 trường tiểu học tham gia Mô hình trường học mới, 35 trường nhân rộng, các đơn vị này đã thực hiện đánh giá học sinh bằng nhận xét từ năm học 2013 - 2014.

Đó chính là điều kiện thuận lợi giúp cho đội ngũ giáo viên tiểu học của tỉnh có kĩ năng đánh giá học sinh bằng nhận xét theo Thông tư 30 (nhận xét bằng lời, ghi nhận xét trên bài kiểm tra thường xuyên các môn học, vở tập viết, chính tả, tập làm văn, sách bài tập của học sinh).

Đội ngũ cán bộ quản lí các trường tiểu học, giáo viên cốt cán của tỉnh đã hiểu được mục đích đánh giá, nguyên tắc đánh giá, nội dung đánh giá, đặc biệt là những điểm mới của Thông tư 30.

Trên cơ sở đó chỉ đạo giáo viên thực hiện đánh giá thường xuyên, kiểm tra định kì, tổng hợp kết quả đánh giá ghi học bạ học sinh học kì 1 năm học 2014 - 2015 đúng tinh thần quy định mới.

- Ông có thể cho biết, hạn chế lớn nhất của các giáo viên, nhà trường khi triển khai thực hiện quy định mới này là gì?

Nói về hạn chế, trước hết là việc giáo viên nhận xét bài kiểm tra thường xuyên chưa ghi cụ thể những ưu điểm, hạn chế bài làm của học sinh, vẫn còn tồn tại nhiều lời phê, lời nhận xét của giáo viên chưa khuyến khích động viên học sinh cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Ví dụ: Một bài kiểm tra toán lớp 3 gồm có 3 bài. Trong đó, bài 1 thực hiện phép 4 phép tính, bài 2 tìm x, bài 3 giải toán có lời văn. Học sinh làm sai 2 phép tính trong bài 1, làm đúng 2 phép tính, bài 2 và bài 3 làm đúng.

Giáo viên nhận xét: Thực hiện phép tính 2, 3 sai kết quả - chưa hoàn thành bài kiểm tra.

Có thể nói, đa số giáo viên gặp khó khăn trong việc ghi nhận xét học sinh về kiến thức, năng lực, phẩm chất khi kết thúc 1 tháng và cuối học kì 1.

Một số giáo viên còn nhầm lẫn giữa nhận xét về kiến thức với năng lực, phẩm chất lời nhận xét chưa phản ánh được những kỹ năng học sinh đã đạt được sau khi học xong nội dung các môn học.

Vi dụ: “Chăm học” thuộc nội dung đánh giá về phẩm chất, nhưng giáo viên nhận xét trong phần kiến thức.

Đối với việc ghi nhận xét các môn học và hoạt động giáo dục (trong sổ học bạ), giáo viên còn nhận xét chung chung, chưa dựa vào chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng môn học trong từng tháng, từng học kì.

Hoặc, môn Đạo đức, giáo viên còn nhầm lẫn giữa nhận xét về môn học/hoạt động giáo dục theo chuẩn kiến thức với nhận xét về năng lực học sinh

Ví dụ, giáo viên ghi nhận xét: Ngoan ngoãn, lễ phép, biết chăm sóc bản thân...

Hoặc môn Âm nhạc, có giáo viên nhận xét như sau:

“Đánh giá thường xuyên môn học/ hoạt động giáo dục: Hát đúng giai điệu của bài hát nhưng chưa tự tin khi biểu diễn cần cố gắng hơn.

Năng lực: Tự giác học tập, có ý thức học.

Phẩm chất: Tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm.”

Như vậy, giáo viên chưa phân biệt rõ nhận xét, đánh giá thường xuyên môn học/hoạt động giáo dục với nhận xét, đánh giá phẩm chất học sinh.

Phần lớn giáo viên còn nhiều lúng túng khi chuyển từ đánh giá bằng điểm số sang đánh giá bằng nhận xét biểu hiện.

Cụ thể là, còn nhiều giáo viên vẫn dựa trên kết quả kiểm tra cuối kì 1 là chính, chưa dựa trên kết quả kiểm tra thường xuyên của các tháng để đánh giá kết quả học tập của học sinh học kỳ 1 năm học 2014 - 2015.

Trong quá trình đánh giá kết quả học tập, năng lực, phẩm chất học sinh cuối học kì 1, giáo viên chưa liên hệ và thu nhận được ý kiến đánh giá của phụ huynh nên việc đánh giá học sinh chưa đảm bảo tính toàn diện.

- Theo ông, nguyên nhân của những hạn chế trên là từ đâu?

Mặc dù 100% cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học trong toàn tỉnh đã được tập huấn đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, tổ chức sinh hoạt chuyên môn hàng tuần theo tổ, cấp trường, cụm trường, song do năng lực, trình độ của giáo viên không đồng đều, khả năng tiếp thu nội dung của Thông tư 30 còn hạn chế.

Từ đó dẫn đến phần lớn giáo viên chưa hiểu sâu, hiểu kỹ nội dung thông tư, một bộ phận giáo viên tư duy ngôn ngữ hạn chế, đặc biệt là việc sử dụng ngôn ngữ viết để ghi nhận xét, đánh giá học sinh, giáo viên chuyên phải dùng nhiều sổ theo dõi học sinh khi dạy nhiểu lớp.

Bên cạnh đó, mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình học sinh chưa thường xuyên, kết quả trao đổi thông tin giữa giáo viên và phụ huynh học sinh còn rất hạn chế, hiệu quả thấp.

Việc tổ chức ra đề định kì tại các trường tiểu học còn bộc lộ nhiều hạn chế chủ yếu về nội dung kiến thức chưa đảm bảo 3 mức độ nhận thức của học sinh.

Mức độ 1: Học sinh nhận biết hoặc nhớ, nhắc lại đúng kiến thức đã học, áp dụng trực tiếp kiến thức để giải quyết các tình huống, vấn đề trong học tập.

Mức độ 2: Học sinh biết kết nối, sắp xếp lại kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết tình huống, vấn đề mới, tình huống tương tự, vấn đề đã học.

Mức độ 3: Học sinh vận dụng các kiến thức, kĩ năng để giải quyết các tình huống vấn đề mới, không giống với những tình huống, vấn đề đã được hướng dẫn hay đưa ra những phản hồi hợp lý trước một tình huống, vấn đề mới trong học tập hoặc trong cuộc sống.

Việc tổ chức cho học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có sự tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá của giáo viên chủ nhiệm chưa hiệu quả.

Có giáo viên còn tự ý lập danh sách học sinh khen thưởng của lớp gửi ban giám hiệu; do đó kết quả khen thưởng học sinh tập chung chủ yếu vào kết quả học tập môn Toán, Tiếng Việt. Số học sinh đề nghị khen thưởng về Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục, Phẩm chất còn hạn chế.

Công tác chỉ đạo của Hiệu trưởng đối với cuộc họp giữa giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn để thông qua nhận xét quá trình học tập các môn học còn hình thức chưa sâu sắc cụ thể từng học sinh (có giáo viên chuyên chỉ chuyển sổ ghi nhận xét của mình cho giáo viên chủ nhiệm).

Do vậy giáo viên chủ nhiệm ghi nhận xét của học sinh vào học bạ không sát với trình độ nhận thức, kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học, năng lực, phẩm chất của học sinh.

- Thực ra, lúng túng trong ghi nhận xét là băn khoăn của rất nhiều giáo viên trên cả nước khi thực hiện Thông tư 30, không riêng gì ở Điện Biên. Ông có thể đưa ra những ví dụ hết sức cụ thể, giúp giáo viên định hình được nên ghi nhận xét như thế nào để thực sự đáp ứng yêu cầu của quy định mới?

Tôi có thể đưa ra một vài ví dụ. Có giáo viên ghi học bạ môn tiếng Việt lớp 5 học kì 1 đối với một học sinh như sau: “Nhận thức tốt, chữ viết sạch đẹp” hay “Nắm được nội dung kiến thức trọng tâm của chương trình”.

Cách ghi đó hết sức chung chung, có thể nhận xét như sau: “Đọc trôi chảy, lưu loát, diễn cảm đoạn thơ, đoạn văn, đạt được tốc độ quy định. Hiểu được nội dung chính của bài đọc; chữ viết đẹp, đúng mẫu; viết được đoạn văn, bài văn theo yêu cầu”.

Hoặc nếu học sinh chưa đạt một trong những chuẩn kiến thức trên, cần nhận xét như sau:

“Đọc trôi chảy đoạn thơ, đoạn văn; Hiểu được ý nghĩa bài đọc; tốc độ đọc còn chậm; phát âm sai l/n; chữ viết chưa đẹp, các nét khuyết chưa đều h/k/g và chưa đúng mẫu chữ”.

Ví dụ khác: Môn Toán lớp 5, giáo viên ghi nhận xét trong học bạ như sau: “Tiếp thu bài tốt, có cố gắng trong học tập hay nhận thức tốt, vận dụng linh hoạt”.

Trong khi có thể nhận xét như sau: “Nhận thức tốt, biết vận dụng linh hoạt các phép tính về số thập phân; có kỹ năng giải toán có lời văn; giải các bài toán liên quan đến các hình đã học”.

- Thông tư 30 sẽ được tiếp tục triển khai tại các trường tiểu học ở Điện Biên trong học kì II này như thế nào, thưa ông?

Học kì 2 năm học 2014 – 2015, các phòng GD&ĐT trên địa bàn tỉnh tiếp tục chỉ đạo các trường tiểu học thực hiện tốt các nội dung:

Chỉ đạo cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học, nghiên cứu quy định đánh giá học sinh tiểu học tại Thông tư 30 và các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT;

Tập huấn ra đề kiểm tra định kỳ cho các trường tiểu học theo ma trận đề đảm bảo yêu cầu 3 mức độ kiến thức, kĩ năng học sinh cần đạt được;

Đưa nội dung ghi nhận xét thường xuyên trong sổ theo dõi chất lượng giáo dục, nhận xét kết quả môn học của học sinh trong học bạ, lời phê của giáo viên trong bài kiểm tra thường xuyên, định kì vào sinh hoạt chuyên môn hàng tuần, tháng, cụm trường;

Tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường với phụ huynh học sinh thông qua phiếu nhận xét hoặc trao đổi trực tiếp để có thông tin giúp cho quá trình giáo dục, đánh giá toàn diện năng lực, phẩm chất học sinh;

Căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất và trình độ tin học của giáo viên, hiệu trưởng các trường cho phép và quản lý tốt những giáo viên sử dụng sổ điện tử theo dõi đánh giá chất lượng học sinh.

Các phòng GD&ĐT cũng chỉ đạo hiệu trưởng các trường thực hiện nghiêm túc việc ra đề, coi kiểm tra, chấm bài kiểm tra cuối năm học, đảm bảo khách quan, khắc phục bệnh thành tích.

Về hiệu trưởng các trường, Sở yêu cầu chỉ đạo cụ thể việc bàn giao chất lượng học sinh giữa giáo viên dạy lớp hiện tại với giáo viên nhận lớp ở năm học sau một cách cụ thể, chi tiết, khách quan, công bằng, phản ánh đúng chất lượng học sinh.

Trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 của các đơn vị, tổng hợp kết quả đánh giá học sinh báo cáo Sở GD&ĐT đúng thời gian quy định.

Đồng thời, chỉ đạo các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tổ chức nghiệm thu, nhận bàn giao chất lượng giáo dục học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học lên lớp 6 phù hợp với điều kiện của nhà trường và địa phương.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.