Những thầy hiệu trưởng vùng biên đi vận động xóa mù chữ

GD&TĐ - Là hiệu trưởng, lại kiêm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã, các thầy giáo đã vận động luôn phụ huynh học sinh đi học chữ.

Một lớp học xóa mù chữ ở xã bản Khằm 2, xã Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa. Ảnh: Trung tâm HTCĐ xã Trung lý cung cấp.
Một lớp học xóa mù chữ ở xã bản Khằm 2, xã Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa. Ảnh: Trung tâm HTCĐ xã Trung lý cung cấp.

Hiệu trưởng, kiêm nhiệm chức danh Phó Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã, thầy giáo Nguyễn Duy Thủy – Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) tranh thủ những ngày nghỉ đã xuống bản vận động người dân đi học chữ.

Vận động học sinh lẫn phụ huynh

Nhiều lần, thầy Thủy đã phải kiêm nhiệm “một vai hai gánh” để vừa vận động học sinh của mình ra lớp, vừa phân tích tầm quan trọng của việc biết chữ cho phụ huynh học sinh, để họ tham gia lớp xóa mù chữ do Trung tâm HTCĐ xã tổ chức.

Vốn là người miền xuôi lên huyện vùng cao biên giới Mường Lát công tác đã hàng chục năm qua. Việc đi đến các bản xa xôi để vận động HS ra lớp đã trở thành việc thường làm của thầy giáo Thủy.

Khi được điều động trở lại Trường PTDTBT - THCS Trung Lý làm hiệu trưởng, thầy Thủy lại tiếp tục đi vận động HS đến trường, nhất là vào những thời điểm năm học mới hay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Trước kia, thầy Thủy đã từng làm hiệu trưởng ở ngôi trường này hơn 6 năm, nên những bản xa xôi, khó khăn như: Tà Cóm, Cánh Cộng, Cá Giáng, Pa Búa... thầy giáo này đều đã từng lặn lội đến nhiều lần.

Tháng 9/2021, khi trở lại làm hiệu trưởng, thầy Thủy được UBND xã Trung Lý tín nhiệm bầu giữ chức vụ kiêm nhiệm là Phó Giám đốc Trung tâm HTCĐ xã. Vì vậy, mỗi lần đi vận động học sinh đến lớp, thầy giáo Thủy lại tranh thủ tìm hiểu xem phụ huynh của HS ấy có biết chữ hay không.

Nếu gặp trường hợp nào chưa biết chữ, thầy giáo Thủy sẽ dành thời gian tuyên truyền, giải thích, phân tích cho người đó hiểu về sự quan trọng của việc biết đọc chữ, biết viết chữ, biết phép tính cơ bản cộng, trừ, nhân, chia.

Lớp học xóa mù chữ đã thu hút đông đảo phụ nữ người Mông ở bản Pa Búa (xã Trung Lý, huyện Mường Lát) tham gia. Ảnh: Trung tâm HTCĐ xã Trung Lý cung cấp.

Lớp học xóa mù chữ đã thu hút đông đảo phụ nữ người Mông ở bản Pa Búa (xã Trung Lý, huyện Mường Lát) tham gia. Ảnh: Trung tâm HTCĐ xã Trung Lý cung cấp.

"Có nhiều trường hợp thậm chí không biết nói cả tiếng phổ thông, nên khi mình xuống vận động bà con đi học chữ rất khó khăn. Nếu không có người phiên dịch, thì càng khó vận động thành công. Vì vậy, khi đi vận động HS người Mông đến lớp, chúng tôi thường phải đi từ 2 đến 3 người và phải có người nói được tiếng Mông, thì mới truyền đạt được ý của mình cho bà con hiểu.

Cũng may, khi đi vận động HS ra lớp, rồi tranh thủ vận động phụ huynh của HS đi học lớp xóa mù chữ, thì các em giúp mình truyền đạt lại cho bố mẹ các em nghe và bà con hiểu được ý của mình. Nhờ vậy, dần dần việc đi vận động những người chưa biết chữ tham gia lớp học xóa mù chữ cũng thuận lợi hơn" thầy Thủy tâm sự.

Tặng bút, vở cho học viên lớp xóa mù chữ

Cũng như thầy Thủy, thầy Phạm Văn Kiên, Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Tam Chung (Mường Lát) cũng được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm HTCĐ xã Tam Chung.

Thầy Kiên vốn là người miền xuôi, lên công tác ở huyện vùng cao biên giới Mường Lát từ năm 1988. Suốt 35 năm qua, bàn chân thầy Kiên đã lặn lội khắp các bản vùng sâu, xa, hẻo lánh của huyện vùng biên này để vận động học sinh đến trường.

Giờ đây, với cương vị hiệu trưởng nhà trường kiêm Phó Giám đốc Trung tâm HTCĐ xã Tam Chung, thầy giáo Kiên vẫn tiếp tục lặn lội vào các bản có đồng bào Mông sinh sống để vận động HS ra lớp.

Xã Tam Chung hiện có 4 bản đồng bào người Mông sinh sống, gồm: Bản Ón, Suối Phái, Suối Lóng và Pom Khuông. Bản Ón là nơi cách xa trung tâm xã nhất, với khoảng hơn 20km đường rừng. Bản Ón cũng là bản nghèo nhất của huyện Mường Lát, với 110/113 hộ nghèo còn lại là cận nghèo; 100% dân số của bản là đồng bào dân tộc Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc về sinh sống trước những năm 1971.

“Ở bản Ón hiện nay vẫn còn nhiều chị em phụ nữ chưa biết chữ, nên mỗi lần đi vận động học sinh ra lớp sau kỳ nghỉ lễ hoặc nghỉ hè, tôi thường tìm hiểu xem phụ huynh của các em có biết chữ hay không. Nếu gặp người nào không biết chữ, thì mình vận động bà con dành thời gian tham gia lớp học xóa mù chữ luôn”, thầy Kiên tâm sự.

Lớp học xóa mù chữ ở bản Suối Lóng, xã Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa) khai giảng hồi đầu tháng 11 vừa qua. Ảnh: Thầy giáo Phạm Văn Kiên cung cấp.

Lớp học xóa mù chữ ở bản Suối Lóng, xã Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa) khai giảng hồi đầu tháng 11 vừa qua. Ảnh: Thầy giáo Phạm Văn Kiên cung cấp.

Ngoài bản Ón, còn có bản Suối Lóng, cách trung tâm xã 12 km. Ở bản này hiện nay đang có một lớp học xóa mù chữ cho Trung tâm HTCĐ xã phối hợp với Đồn Biên phòng Tam Chung và Hội Phụ nữ huyện tổ chức. Trước khi tổ chức lớp học này, thầy giáo Kiên đã cùng các chiến sĩ Biên phòng, cán bộ Hội Phụ nữ lên tuyên truyền, vận động chị em tham gia lớp học.

Đặc biệt, để động viên, khuyến khích tinh thần học tập của các học viên ở bản Suối Lóng, thầy giáo Phạm Văn Kiên đã trích kinh phí của cá nhân mua tặng mỗi người 2 cuốn vở và bút viết để lên lớp học.

“Sau một thời gian tuyên truyền, vận động, lớp học đã thu hút được 40 học viên, chủ yếu là chị em phụ nữ tham gia, khai giảng từ ngày 1/11/2023. Thời gian học 3 tháng, học thời điểm buổi tối vì ban ngày bà con đi làm nương rẫy. Lớp học này do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung tham gia giảng dạy”, thầy Kiên cho hay.

Cũng theo thầy Kiên, mặc dù mới khai giảng lớp học chưa đầy 2 tháng, nhưng đến nay các học viên đã biết ghép chữ, đánh vần rất tốt. Dự kiến trong năm tới (2024), Trung tâm HTCĐ xã Tam Chung tiếp tục phối hợp với Đồn Biên phòng Tam Chung mở thêm các lớp xóa mù chữ cho chị em phụ nữ ở các bản người Mông còn lại.

Có thể nói, những thầy giáo Phạm Văn Kiên, Nguyễn Duy Thủy và nhiều thầy, cô giáo khác nữa cũng có chung tâm nguyện và mong muốn giúp phụ huynh của những học sinh nào chưa biết chữ sẽ sớm biết đọc, biết viết, biết làm được các phép tính cơ bản cộng, trừ, nhân, chia để có thể tính toán, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Những tâm nguyện ấy, tấm lòng ấy của các thầy, cô giáo từ miền xuôi lên cắm bản ở vùng cao mới thấy trân trọng biết bao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ