Coi trọng công tác phổ cập giáo dục
Quan Hoá là một huyện miền núi cao của tỉnh Thanh Hoá, cách TP Thanh Hóa hơn 130 km về phía Tây, gồm 5 dân tộc anh em: Kinh, Thái, Mường, Hoa và Mông cùng chung sống.
Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự cố gắng nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong huyện, nên đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể.
Nhờ sự đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất của Nhà nước, đến nay, huyện Quan Hóa đã cơ bản xóa bỏ được các phòng học tranh tre, tạm bợ. Hầu hết các đơn vị trường học đã được xây dựng phòng học khang trang, cơ bản đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với công tác giáo dục và Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (PCGD-XMC).
Dựa trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ và Sở GD&ĐT đối với công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ hàng năm UBND huyện Quan Hóa thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo phổ cập cấp huyện; ban hành quy chế hoạt động, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ để chỉ đạo các ban chỉ đạo phổ cập xã, thị trấn bám sát thực hiện.
Sau mỗi năm học, ngành GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện công tác xây dựng kế hoạch đối với năm học tiếp theo. Giao chỉ tiêu số lượng, chất lượng, tạo điều kiện để xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ cho các nhà trường để thực hiện nhiệm vụ năm học, đảm bảo các yêu cầu đạt PCGD-XMC theo quy định.
Cô giáo chăm sóc trẻ ở Trường Mầm non Phú Xuân, huyện Quan Hóa. Ảnh: TL |
Xây dựng tốt mạng lưới trường lớp học đến từng thôn bản; tạo điều kiện cho học sinh đến trường học an toàn. Tập trung các điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường để duy trì và nâng cao chất lượng PCGD-XMC. Tổ chức kiểm tra, đánh giá và dự báo thường xuyên việc thực hiện công tác PCGD-XMC ở các đơn vị.
Thống kê của ngành GD&ĐT huyện Quan Hóa cho thấy, hiện nay các cơ sở giáo dục trong huyện đều tham gia thực hiện xóa mù chữ tại xã có người theo dõi công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ tại địa bàn được phân công.
Các xã, thị trấn bảo đảm điều kiện thuận lợi cho các lớp xóa mù chữ được sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục, trung tâm học tập cộng đồng, cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức khác và cá nhân trong địa bàn để thực hiện dạy học xóa mù chữ.
Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT tham mưu cho UBND huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học đảm bảo các yêu cầu đặt ra đối với công tác PCGD-XMC. Làm tốt công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo đảm bảo đủ về số lượng, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đề xuất hợp đồng, tuyển dụng giáo viên các bộ môn thể dục, ngoại ngữ, tin học, nhạc, mĩ thuật,... theo quy định.
Phối hợp với Hội khuyến học, các ban ngành, đoàn thể để huy động 100 % trẻ trong độ phổ cập ra lớp. Có biện pháp tốt để huy động học sinh đi học, chống bỏ học giữa chừng, như: những gia đình quá khó khăn được chính quyền xã, các đoàn thể và nhà trường hỗ trợ về vật chất; miễn, giảm các khoản đóng góp để các em được học tập thường xuyên, hiệu quả...
Huy động tốt số trẻ từ 3 đến 5 tuổi vào trường Mẫu giáo. Đặc biệt tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường Mầm non phải đạt tỉ lệ từ 98-100%. Không ngừng nâng cao chất lượng Giáo dục, tổ chức tốt công tác bồi dưỡng, phụ đạo học sinh để hạn chế thấp nhất việc lưu ban, bỏ học...
Bà Phạm Thị Lượng – Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nên đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, chế độ chính sách cho học sinh miền núi luôn được quan tâm.
Hầu hết các phòng học được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang; nhận thức của nhân dân đối với công tác công tác giáo dục ngày càng cao... là những thuận lợi cơ bản để thu hút trẻ trong độ tuổi đến trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo, nâng cao chất lượng Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi...
Hiệu quả trong công tác xóa mù chữ
Những năm qua, ngành GD huyện Quan Hóa đã không ngừng phấn đấu, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Bộ, Sở, của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp; phát huy nội lực, khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục và công tác PCGD-XMC.
Chất lượng giáo dục trong những năm vừa qua không ngừng được nâng lên, tỉ lệ học sinh học đi học chuyên cần ngày càng cao, đảm bảo chất lượng PCGD -XMC ngày càng bền vững.
Đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên trong ngành đa số còn trẻ, khỏe, có ý thức trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác; tỉ lệ cán bộ giáo viên được đào tạo chuẩn và trên chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ cao, đáp ứng nhiệm vụ đặt ra trong công tác giáo dục hiện nay...Do đó, đến nay, huyện Quan Hóa đã đạt chuẩn Phổ cập xóa mù chữ mức độ 2 theo Nghị định 20/NĐ-CP.
Có thể nói, sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp là yếu tố quyết định thành công của công tác PCGD-XMC. Nơi nào lãnh đạo Đảng, chính quyền thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, giám sát thì phong trào phát triển mạnh mẽ. Ngược lại, sẽ gặp không ít khó khăn trở ngại.
Cô và trò ở điểm lẻ Tân Sơn - Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa). Ảnh; TL. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa thông tin thêm, xã hội hoá công tác phổ cập giáo dục là phương án tối ưu để thực hiện thành công công tác PCGD-XMC. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ đạt được của mỗi đơn vị. Từ đó, có kế hoạch chỉ đạo, đầu tư hợp lí để đảm bảo các tiêu chuẩn PCGD-XMC ở các đơn vị luôn bền vững.
Phổ cập GD-XMC phải có tính bền vững từ phổ cập Mầm non cho trẻ 5 tuổi, PCGD Tiểu học đúng độ tuổi, Phổ cập THCS. Phổ cập GD-XMC phải gắn liền với việc nâng cao chất lượng giáo dục và chuyển lớp của học sinh, tránh các quan điểm chung chung, xa rời thực tế.
Tiếp tục duy trì và nâng cao kết quả công tác PCGD-XMC; củng cố vững chắc kết quả phổ cập đối với những đơn vị đã đạt chuẩn, nâng cao mức độ đạt chuẩn, đồng thời nâng cao chất lượng các điều kiện bảo đảm PCGD-XMC. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, tiếp tục củng cố vững chắc phát triển kết quả PCGD-XMC đã đạt được
Thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra công nhận kết quả PCGD-XMC. Tiếp tục sử dụng hệ thống thông tin quản lý PCGD-XMC theo Thông tư số 35/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ GD&ĐT.
Đối với công tác PCGD Mầm non cho trẻ 5 tuổi, hiện nay tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường ở địa phương này đã đạt 100%; Trẻ học 2 buổi trên ngày đạt 100% và trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 100%.
Tổng số trẻ 3-5 tuổi đã đạt tỉ lệ 99,9%; tổng số trẻ từ 0-2 tuổi ra lớp đạt tỉ lệ: 37,6%. Tổng số trẻ khuyết tật trong độ tuổi từ 0-5 tuổi trên địa bàn được tiếp cận giáo dục đạt tỉ lệ 92,3%
Công tác PCGD Tiểu học đúng độ tuổi, địa phương này đã có số trẻ 6 tuổi được huy động vào lớp 1 đạt tỉ lệ 100 %. Tổng số trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỉ lệ hơn 987%.
Số trẻ từ 11-14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỉ lệ 98,8%, trong đó số trẻ 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỉ lệ 100%. Số trẻ khuyết tật từ 6-14 tuổi có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục đạt 98,7%.
Đến nay, địa phương này đã đạt chuẩn PCGD Tiểu học mức độ 3 theo Nghị định 20/NĐ-CP và đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2 theo Nghị định 20/NĐ-CP.