Xây dựng mô hình xã hội học tập để xóa mù chữ cho người dân

GD&TĐ - Là địa phương vùng biên có nhiều người đồng bào Mông, tỷ lệ nhiều người mù chữ, nên xã xây dựng mô hình xã hội hóa học tập giúp bà con xóa mù.

Đại diện lãnh đạo xã Trung Lý phát biểu tại buổi lễ khai giảng lớp xóa mù chữ cho phụ nữ địa phương. Ảnh: Tuấn Bình
Đại diện lãnh đạo xã Trung Lý phát biểu tại buổi lễ khai giảng lớp xóa mù chữ cho phụ nữ địa phương. Ảnh: Tuấn Bình

Cái khó của Trung tâm học tập cộng đồng xã

Xã Trung Lý, huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) là địa phương có diện tích đất rộng, người đông nhất, nhì của huyện. Xã Trung Lý có tới 15 bản, được phân bố trải dài hàng chục km. Khoảng cách từ trung tâm xã đến bản xa nhất (bản Tà Cóm) có chiều dài khoảng 50km đường rừng.

Đặc thù của địa phương này lại có nhiều người là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Điều kiện kinh tế, xã hội còn rất nhiều khó khăn, đã kéo theo hệ lụy có nhiều người dân, đặc biệt là phụ nữ đang trong tình trạng chưa biết đọc, biết viết.

Với mục tiêu xóa mù chữ cho những người chưa biết đọc, biết viết chính quyền xã Trung Lý đã xây dựng mô hình xã hội hóa học tập, để từng bước giúp người dân đọc thông, viết thạo, biết cách tính toán, có cơ hội thoát nghèo.

Mô hình xã hội hóa học tập của xã Trung Lý được xây dựng và hoạt động dưới sự điều hành của Trung tâm học tập cộng đồng xã (gọi tắt là Trung tâm HTCĐ), do Chủ tịch UBND xã kiêm nhiệm chức vụ Giám đốc Trung tâm.

Những năm qua, từ những hoạt động của Trung tâm khá hiệu quả, nên đã giúp được nhiều người dân thoát mù chữ và biết cách tính toán, phát triển kinh tế ở địa phương này.

Ông Ngân Văn Lon – Chủ tịch UBND kiêm Giám đốc Trung tâm HTCĐ xã Trung Lý cho biết: Do đặc thù địa phương là xã đặc biệt khó khăn về mọi mặt, dân số đông, địa bàn rộng, đường xá đi lại còn gặp nhiều khó khăn, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội phức tạp.

Đại diện xã Trung Lý và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý (Mường Lát) dự buổi Lễ khai giảng lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ địa phương năm 2023. Ảnh: Tuấn Bình.

Đại diện xã Trung Lý và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý (Mường Lát) dự buổi Lễ khai giảng lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ địa phương năm 2023. Ảnh: Tuấn Bình.

Bên cạnh đó, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, rét đậm, rét hại kéo dài, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân. Ngoài ra, nhận thức của một số bộ phận người dân còn hạn chế, nên khó cho việc tổ chức các mô hình xã hội học tập, như: “Cộng đồng học tập; Đơn vị học tập; Dòng họ học tập; Gia đình học tập”

“Hiện nay, Trung tâm HTCĐ xã là hoạt động kiêm nhiệm, nên thiếu tập trung trong vấn đề lựa chọn ngành nghề phù hợp cho người dân của địa phương. Số lượng học viên tham gia các lớp học do Trung tâm mở ra thường biến động (do lực lượng lao động đa số đi làm ăn xa).

Bên cạnh đó, Trung tâm chưa có trụ sở riêng, kinh phí hoạt động rất ít ỏi, các điều kiện về cơ sở vật chất, các trang thiết bị còn thiếu thốn so với nhu cầu... Vì thế, để Trung tâm HTCĐ xã hoạt động tốt, phát huy hiệu quả, là một điều không hề đơn giản chút nào”, ông Lon chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Lon cũng thông tin thêm, mặc dù khó khăn là vậy, song thời gian qua, Trung tâm HTCĐ xã Trung Lý đã chủ động làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy xây dựng văn bản chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức làm tốt công tác tuyên truyền trên địa bàn xã đạt hiệu quả.

Quan tâm công tác xóa mù chữ

Năm 2023, Trung tâm HTCĐ xã Trung Lý đã xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động, phối hợp cùng Hội liên hiệp Phụ nữ huyện, Hội Phụ nữ xã, Đồn Biên phòng Trung Lý tổ chức mở 2 lớp xóa mù chữ cho hơn 100 học viên tại Khằm II và bản Pa Búa, với thời gian học là 3 tháng.

Bên cạnh đó, Trung tâm HTCĐ xã Trung Lý còn thực hiện điều tra trình độ dân trí, nắm bắt nhu cầu học tập của nhân dân, để tham mưu với lãnh đạo các cấp mở các lớp dạy nghề cho bà con.

Ông Ngân Văn Lon – Chủ tịch UBND, kiêm Giám đốc Trung tâm HTCĐ xã Trung Lý, chia sẻ: “Khi bà con biết chữ, sẽ thuận lợi hơn cho việc phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể để tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng các mô hình sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ đó, góp phần xóa đói giảm nghèo, tham gia học tập, nâng cao kiến thức trình độ dân trí cho nhân dân”.

Cũng theo ông Lon, trong thời gian tới, Trung tâm HTCĐ xã Trung Lý sẽ tiếp tục tuyên truyền chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài,xây dựng xã hội học tập; Chỉ thị số 02/2008/CT-TTg ngày 8/01/2008 của Thủ tướng chính phủ về đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Bà Ngân Thị Vân, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) phát biểu tại buổi Khai giảng lớp xóa mù chữ cho phụ nữ địa phương. Ảnh Tuấn Bình
Bà Ngân Thị Vân, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) phát biểu tại buổi Khai giảng lớp xóa mù chữ cho phụ nữ địa phương. Ảnh Tuấn Bình

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, theo dõi, hướng dẫn cộng đồng, đơn vị, dòng họ và gia đình đã đã đăng ký học tập năm 2024. Địa phương cũng phấn đấu thực hiện xã hội học tập phải đạt từ 50% trở lên. Thực hiện tổ chức bình xét, công nhận và biểu dương, khen thưởng kịp thời theo quy định.

Dự kiến trong năm 2024, Trung tâm HTCĐ xã Trung Lý sẽ tiếp tục phối hợp với Hội khuyến học xã, Đồn biên phòng Trung Lý, Hội liên hiệp Phụ nữ huyện, Hội Phụ nữ xã tiếp tục khai giảng các lớp xóa mù chữ cho phụ nữ là người đồng bào dân tộc Mông ở các bản: Nà Ón, Xa Lao, Cá Giáng, Cánh Cộng, Tà Cóm.

Trung tâm đã phối hợp với các nhà trường trên địa bàn xã thực hiện điều tra, thống kê số người mù chữ và tái mù chữ. Cập nhật thông tin về người mù chữ trên hệ thống thông tin phổ cập giáo dục xóa mù chữ của Bộ GD&ĐT kịp thời; hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ mù chữ của toàn xã Trung Lý vẫn còn 2,41%.

Hiện nay, các thành viên của Trung tâm HTCĐ xã Trung Lý đang tiếp tục đi vận động người mù chữ tham gia học các lớp học xóa mù chữ; vận động những người mới biết chữ tiếp tục ra học các lớp giáo dục sau khi biết nhằm củng cố kết quả học tập và hạn chế tình trạng tái mù chữ.

“Trung tâm HTCĐ xã Trung Lý tiếp tục phối hợp với Đồn Biên phòng Trung lý, các cơ sở giáo dục để điều tra, vận động số người còn mù chữ ra học các lớp xóa mù chữ. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hầu như không có, công tác xã hội hóa trên địa bàn chưa thể thực hiện được, nên kết quả nâng cao năng lực giảng dạy cho đội ngũ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nâng cao chất lượng xóa mù chữ chưa hiệu quả”, ông Ngân Văn Lon, Chủ tịch UBND kiêm Giám đốc Trung tâm HTCĐ xã Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ