Lang Chánh là một huyện miền núi cao, giáp biên giới và nằm trong 7 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Song, đến nay địa phương này đã đạt chuẩn xóa mù chữ (XMC) mức độ 2 cho người dân địa phương.
Lập ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập
Là huyện nghèo ở vùng cao lại có đường biên giới giáp với huyện Sầm Tớ (nước CHDCND Lào), huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) có 3 dân tộc chủ yếu sinh sống là Thái, Mường, Kinh. Dân cư phân bố không đều giữa các vùng, các xã trên địa bàn, địa hình tự nhiên bị chia cắt bởi nhiều sông suối... Do đó, những năm trước đây, ở địa phương này có nhiều người dân mù chữ.
Thực hiện Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/ 2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT ngày 22/3/2016 của Bộ GD&ĐT...; các văn bản hướng dẫn của cấp trên, huyện Lang Chánh thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo).
Ban Chỉ đạo được thành lập (tháng 8/2023) với mục tiêu chung thường xuyên phối hợp tốt với các xã, thị trấn để hướng dẫn thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn.
Cùng với các cấp, các ngành, Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học huyện...hỗ trợ như: tặng quà, khen thưởng kịp thời cho những học sinh (HS) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và những HS có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi...
Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của huyện Lang Chánh. Ảnh: TL |
Đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo là Phòng GD&ĐT huyện trực tiếp tham mưu cho UBND huyện hướng dẫn các xã, thị trấn, trường học thực hiện đúng các bước quy trình xã hội hóa giáo dục để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy, công tác phổ cập giáo dục (PCGD) các cấp học...
Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh cho biết, từ khi huyện thành lập Ban Chỉ đạo, thì công tác phối hợp giữa ngành giáo dục và các ban ngành, đoàn thể liên quan ngày càng chặt chẽ, tạo ra sự quan tâm của toàn xã hội với GD nói chung và công tác PCGD, xóa mù chữ nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động học sinh (HS) đến trường.
“Bằng các nguồn lực, UBND huyện đã từng bước đầu tư cơ sở vật chất trường học, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập, thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dục toàn diện cho HS.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành hàng năm được bổ sung về số lượng, trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn cao nên đã phát huy vai trò của mình trong các hoạt động GD nói chung và công tác phổ cập nói riêng”, ông Sơn thông tin.
Cũng theo ông Sơn, phong trào xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia và các phong trào thi đua khác tiếp tục được đẩy mạnh ở tất cả các ngành học, cấp học. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng, nên đã tạo điều kiện cho các xã, thị trấn giữ vững, nâng cao các tiêu chuẩn PCGD xóa mù chữ.
Tính đến nay, công tác PCGD tiểu học ở huyện vùng cao Lang Chánh đã đạt mức 3. Công tác xóa mù chữ ở địa phương này đạt chuẩn mức độ 2. Do số lượng, tỷ lệ người mù chữ còn lại ít nên việc huy động học viên, mở lớp xóa mù chữ trên địa bàn huyện không thực hiện, mà chủ yếu là tự học, tự xóa mù chữ của người dân.
Bảo vệ thành quả công tác xóa mù chữ
Để đạt được thành quả trong công tác xóa mù chữ trong thời gian qua của địa phương là sự nỗ lực chung của các cấp ủy, chính quyền, đơn vị liên quan và toàn thể người dân ở huyện Lang Chánh. Do đó, để bảo vệ thành quả về công tác xóa mù chữ và tránh tình trạng tái mù chữ.
Do đó, ngày 5/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lang Chánh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, có mục tiêu: Duy trì 10/10 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học đạt chuẩn mức độ 3, xóa mù chữ đạt chuẩn mức độ 2.
Trưởng phòng GD&ĐT Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, để thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng bộ huyện và bảo vệ thành quả về công tác xóa mù chữ của địa phương, Ban Chỉ đạo xóa sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo. Đồng thời, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo bám sát địa bàn để đôn đốc, chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác huy động, vận động HS trong độ tuổi đến trường, đi học chuyên cần, chống bỏ học.
"Ban Chỉ đạo sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát, thống kê, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phổ cập nhằm củng cố, duy trì và nâng cao tỉ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Làm tốt công tác tuyên truyền để các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về mục tiêu, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ nhằm nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", ông Sơn chia sẻ.
Giáo viên Trường Mầm non Lâm Phú (Lang Chánh, Thanh Hóa) làm đồ dùng cho trẻ. Ảnh: TL |
Cũng theo ông Sơn, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện tập trung các nguồn lực của Nhà nước và địa phương để xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học, đảm bảo tỷ lệ phòng học/lớp, phòng học bộ môn theo quy định. Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch đã đề ra.
Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT (là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo) tiếp tục tham mưu cho UBND huyện, Ban Chỉ đạo huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của huyện trong giai đoạn 2021-2025.
Tập trung chỉ đạo có giải pháp sát thực, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng GD toàn diện cho HS. Tiếp tục tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá, công nhận kết quả PCGD-XMC của các xã, thị trấn và lập tờ trình đề nghị Ban Chỉ đạo tỉnh kiểm tra công nhận kết quả PCGD-XMC hàng năm theo đúng quy định. Đồng thời,chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch PCGD, XMC giai đoạn 2021-2025 sát thực, phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học. Quan tâm công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo các điều kiện cho việc thực hiện chương trình đổi mới GD phổ thông.
Chỉ đạo các nhà trường nâng cao chất lượng GD và hiệu quả dạy và học. Đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; phong trào xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn...
Tổ chức tự kiểm tra, đánh giá công tác PCGD, XMC. Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác PCGD, XMC. Đưa tiêu chí thực hiện công tác PCGD, XMC vào chỉ tiêu xét thi đua hàng năm của các đơn vị...
“Từ năm 1996, huyện Lang Chánh được công nhận đạt chuẩn PCGD tiểu học và chống mù chữ. Đến tháng 12/2003 được công nhận là huyện đạt chuẩn PCGD tiểu học đúng độ tuổi; đạt chuẩn PCGD THCS năm 2004 và duy trì cho đến nay. Tháng 12/2010 được công nhận đạt chuẩn PCGD tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1. Năm 2015, được công nhận đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 2; năm 2017, được công nhận đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3, đây là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn huyện”, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh.