Những thay đổi tích cực từ Mô hình Trường học mới

GD&TĐ - Một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học tại các địa phương là việc áp dụng Mô hình Trường học mới VNEN. Cách dạy và học mới này đòi hỏi cả thầy và trò cùng sáng tạo.

Trường Tiểu học số 1 Đồng Sơn (Đồng Hới, Quảng Bình) đổi mới PPDH theo Mô hình Trường học mới
Trường Tiểu học số 1 Đồng Sơn (Đồng Hới, Quảng Bình) đổi mới PPDH theo Mô hình Trường học mới

Kích thích học sinh sáng tạo

Mặc dù mới được áp dụng trong 2 năm học, nhưng việc dạy học theo Mô hình Trường học mới tại các địa phương đã mang đến những hiệu quả giáo dục tích cực. 

Theo thiết kế, các lớp học của Mô hình VNEN được bố trí giống như một phòng học bộ môn, phòng thư viện linh hoạt. Tại lớp học cũng có góc học tập, góc cộng đồng, góc trưng bày sản phẩm...để HS được phát huy khả năng sáng tạo độc lập của mình.

Cô Lê Thị Thu Hiền - Giáo viên Trường Tiểu học Đại Từ (Thái Nguyên) tại lớp tập huấn VNEN cho biết: Mô hình Trường học mới được xây dựng theo hướng đổi mới phương pháp dạy học với nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm, học tập mang tính tương tác và phù hợp với từng cá nhân HS. Chính vì vậy, việc truyền thụ của GV được chuyển thành việc hướng dẫn HS tự học. 

Tham gia lớp học này, các em có điều kiện phát huy sở trường cá nhân của mình. HS được làm chủ lớp học, các em được tổ chức theo các hình thức, như: Làm việc theo cặp, làm việc cá nhân và làm việc theo nhóm, trong đó hình thức học theo nhóm là chủ yếu. 

Hàng ngày tới lớp, các em được sinh hoạt và học tập trong môi trường thân thiện, thoải mái, không bị gò bó, luôn được gần gũi với bạn bè, với thầy cô. 

Đặc biệt với sự giúp đỡ, tương trợ của các bạn trong nhóm, nhiều HS đã không còn rụt rè e ngại mà trở nên hoạt bát, hào hứng hơn trong học tập.

Tham quan tại các lớp học chúng tôi thấy, điểm khác biệt của lớp học này so với lớp học truyền thống còn ở chỗ: Quản lý lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh”. 

Hội đồng này được các em bầu ra để đảm đương các hoạt động tại lớp. Đây là một cách thức khá sáng tạo, giúp học sinh được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập. 

Với hình thức sinh hoạt và học tập như thế, các em được rèn luyện các kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng hợp tác trong các hoạt động hàng ngày.

Cũng theo cô Hiền, với cách bố trí lớp học theo các không gian mở hướng tới sự sáng tạo của học sinh như: Góc học tập, góc cộng đồng, góc thư viện, hòm thư vui, hòm thư “Điều em muốn nói” đã tạo nên môi trường giáo dục thân thiện cho các em. 

Thời gian đầu cả cô và trò còn lúng túng. Nhưng khi đã quen với phương pháp dạy và học này các em rất yêu thích và gắn bó với lớp học của mình.

Giáo viên phải làm mới mình

“Từ cách thay đổi không gian lớp học, học liệu lên lớp mà mỗi một giáo viên luôn tự nhắc nhở mình phải đổi mới”- Đó là chia sẻ của thầy giáo Lê Quốc Hiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Sơn (tỉnh Lào Cai).

Trong lớp học, mỗi GV đóng vai trò là người tư vấn trợ giúp đắc lực cho HS. Trường Tiểu học Lương Sơn bắt đầu tham gia dạy và học theo mô hình trường học mới từ năm học 2012 - 2013.

Điều thuận lợi của nhà trường là, trước đó 100% HS đã được học hai buổi/ngày, đội ngũ GV của trường khá vững vàng trong công tác chuyên môn. 

Tuy nhiên, khi mới bắt tay vào triển khai thầy và trò cũng không khỏi bỡ ngỡ. Song được sự giúp đỡ của các chuyên gia tư vấn, cộng với những tìm tòi sáng tạo của bản thân mà các thầy cô đã dần dần làm tốt được vai trò của mình. 

Từng bước một, các thầy cô đã hướng dẫn các em làm quen từng phần với cách dạy học mới. Cho đến nay đa số HS đều tích cực chủ động khi đến lớp.

Theo thầy Hiên, GV tại các lớp học không chỉ cần vững vàng về chuyên môn và các kiến thức ngoài cuộc sống mà còn rất cần khả năng quan sát, bao quát lớp học. Các thầy cô ngoài việc khích lệ khả năng tự học, tự nghiên cứu của HS, rất cần trợ giúp, tư vấn các em khi các em gặp khó khăn.

Với kinh nghiệm của một GV tham gia dạy theo mô hình này từ những ngày đầu, cô Hiền chia sẻ: Điều quan trọng trong cách dạy học này đó là: Mỗi GV cần tạo cho HS hứng thú khi tiếp cận với kiến thức. 

Vì vậy việc kết nối giữa kiến thức cũ và kiến thức mới phải tự nhiên, thông qua các hoạt động khác nhau. Các em tự mình lĩnh hội các kiến thức và vận dụng thực hành để khắc sâu các kiến thức hơn. Tùy theo nội dung mà các GV sẽ phân chia hợp lý thời lượng các hoạt động.

Có thể nhận thấy việc dạy học theo Mô hình Trường học mới, sẽ rất thuận lợi cho việc đánh giá năng lực học sinh theo các tiêu chí về chuẩn kiến thức, kỹ năng và hoạt động theo từng môn học; đánh giá sự hình thành và phát triển năng lực chung của học sinh. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các em phát triển một cách toàn diện, giúp các em dễ thích nghi với môi trường xung quanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ