Những nhà sáng tạo “nhí”

GD&TĐ - Chỉ bằng những nguyên liệu đơn giản, quen thuộc, một số em học sinh ở tỉnh Đồng Tháp đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm, mô hình có ý nghĩa thiết thực. 

Những nhà sáng tạo “nhí”

Để cô lao công đỡ vất vả… 

Sáng tạo ra sản phẩm, đạt được giải cao tại nhiều cuộc thi, em cảm thấy rất vui. Niềm vui sẽ nhân thêm nữa nếu sáng tạo của em được ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống

HS Trương Thị Uyển My

“Hàng ngày, em thấy cô lao công phải sử dụng chổi, đồ hốt rác, xe đẩy để vệ sinh sân trường. Công việc rất vất vả, mất nhiều thời gian nên em có ý tưởng sáng tạo ra chiếc xe có thể vừa quét, vừa gom rác. Từ đó, em đã tìm tòi, sáng tạo ra chiếc xe đẩy lấy rác” - Em Trương Thị Uyển My (SN 1999) - Học sinh lớp 10, Trường THPT Tân Hồng (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) - cho biết.

Em Uyển My đã vận dụng những kiến thức đã học về truyền và biến đổi chuyển động, cùng với sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Thanh Tùng, sau 3 tháng, chiếc xe đẩy lấy rác hoàn thành. 

Xe gồm các bộ phận như: Thùng xe, băng chuyền, xích tải, chổi quét… Mô hình xe đẩy lấy rác của em Uyển My không dùng động cơ nổ mà dùng lực đẩy cơ bắp con người nên tránh được tiếng ồn; không tốn nhiên liệu khi vận hành, tiết kiệm thời gian và an toàn vệ sinh cho người lao động.

Thời gian tới, Uyển My sẽ cùng giáo viên hướng dẫn tiếp tục cải tiến xe sao cho có thể thu gom được rác ước, thêm tính năng phân loại rác, trang bị bộ lọc bụi… Mô hình xe đẩy lấy rác của em Trương Thị Uyển My đã đạt giải ba Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ X (năm 2013 - 2014); giải nhì Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh Trung học năm 2014 khu vực phía Nam…

Những chai nhựa và chiếc ghế thân thiện

Nói đến những chiếc ghế chúng ta thường nghĩ đến một công dụng duy nhất là để ngồi. Nhưng với chiếc ghế thân thiện được làm từ vỏ chai nhựa thì không chỉ để ngồi mà còn dùng làm chiếc phao tập bơi, phao cứu sinh; hộp đựng viết; ống tiết kiệm tiền… rất tiện lợi.

Sản phẩm độc đáo, hữu dụng đó là của nhóm tác giả “nhí” gồm 3 em học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Thường Thới Hậu B1 (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) - Nguyễn Văn Chí Linh (nhóm trưởng), Trương Thị Ngọc Duyên và Nguyễn Thị Ánh, cùng ở xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự.

“Trong cuộc sống hàng ngày, chúng em bắt gặp rất nhiều vỏ chai nhựa vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Sống ở vùng biên giới sông nước nhưng kinh tế gia đình khó khăn nên chúng em không có điều kiện mua những chiếc áo phao đắt tiền. 

Em và các bạn thường nhặt những vỏ chai nhựa cột lại xung quanh làm chiếc phao để bơi. Từ đó, em nảy ra ý tưởng thực hiện một vật dụng thân thiện với môi trường, đó là chiếc ghế xinh xắn làm từ vỏ chai nhựa” - Em Nguyễn Văn Chí Linh bộc bạch.

Cách làm sản phẩm khá đơn giản, gồm 3 bước: Cố định vỏ chai, dán mặt ghế và trang trí. Cụ thể, đầu tiên sẽ lượm những vỏ chai nhựa (vỏ chai nước ngọt, nước lọc…), đem rửa sạch. Dùng băng keo trong dán cố định các vỏ chai lại với nhau. Sau đó phủ lên bề mặt đáy của các chai đã cố định một lớp đệm vừa có tác dụng trang trí, vừa giảm độ cứng của ghế khi ngồi. 

Do làm bằng vỏ chai nên chi phí làm mỗi chiếc ghế chưa tới 5.000 đồng và thời gian thực hiện khoảng 30 phút (nếu đã chuẩn bị xong vật liệu). Mỗi chiếc ghế thường làm bằng 7 - 9 vỏ chai. Ngoài ra, cũng có thể làm cái bàn bằng vỏ chai nhựa nhưng số lượng nhiều hơn (khoảng 70 vỏ chai).

Bộ truyền và biến đổi chuyển động từ phế liệu

Tận dụng các phế liệu sẵn có ở nhà, em Nguyễn Thanh Hùng (SN 2000) - Học sinh lớp 9A2, Trường THCS Nguyễn Trãi (xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã sáng tạo ra một sản phẩm phục vụ cho việc dạy và học môn Công Nghệ lớp 8. Đó là bộ truyền và biến đổi chuyển động.

Ngoài làm vườn, cha em Hùng - anh Nguyễn Văn Nghĩa - còn biết sửa chữa máy nổ, đồ điện tử nên những phế liệu mà anh bỏ khá nhiều. Hùng đã tận dụng những linh kiện trong các vật dụng bị hư như: dây dẫn được lấy từ bộ nguồn của CPU máy vi tính và đầu đĩa; bánh nhông lấy từ quạt bàn; bánh đà được lấy từ máy radio… 

Em Hùng tìm tòi, sáng tạo cùng với sự hướng dẫn của cha và giáo viên, sản phẩm bộ truyền và biến đổi chuyển động đã được hoàn thành sau 15 ngày làm việc nghiêm túc.

Em Nguyễn Thanh Hùng suy nghĩ: “Với mô hình này, khi học bài “Truyền chuyển động” và “Biến đổi chuyển động” ở môn Công Nghệ lớp 8, các bạn học sinh sẽ được quan sát một cách trực tiếp, giúp các bạn dễ hiểu bài hơn. 

Có thể sẽ làm các bạn thích thú và muốn khám phá thêm những bộ truyền và biến đổi chuyển động nâng cao khác. Sản phẩm này đa số được làm từ các phế liệu đã bỏ đi. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường...”.

Với niềm đam mê nghiên cứu, những nhà sáng tạo “nhí” hôm nay, có thể sẽ là những nhà sáng chế, khoa học trong tương lai. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành liên quan nên quan tâm đầu tư hơn nữa phong trào sáng tạo trong thanh, thiếu niên, nhi đồng; tạo cơ hội cho các em thể hiện tài năng. 

Các sản phẩm, mô hình đạt giải cao nên xem xét, hoàn thiện để ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, chứ không chỉ làm để đi thi.

Những nhà sáng tạo “nhí” ảnh 1Những nhà sáng tạo “nhí” ảnh 2Những nhà sáng tạo “nhí” ảnh 3Những nhà sáng tạo “nhí” ảnh 4Những nhà sáng tạo “nhí” ảnh 5Những nhà sáng tạo “nhí” ảnh 6

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...