Cô giáo 20 năm nuôi dạy trẻ
Cô Nguyễn Thị Lại (sinh năm 1974), Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tân Hộ Cơ, đã có thời gian hơn 20 năm gắn bó với miền biên giới - nơi tiếp giáp giữa tỉnh Đồng Tháp với Campuchia. Trong thời gian đầu công tác, cô giữ nhiệm vụ nuôi dạy trẻ. Công việc rất vất vả mà đồng lương lại ít ỏi, thế nhưng cô không hề nản lòng, luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi đồng nghiệp để tích lũy kiến thức cho bản thân. Đến nay, cô là một hiệu trưởng có năng lực quản lí tốt, hết lòng tận tụy với công việc, sống giản dị luôn hòa đồng với mọi người, nên được đồng nghiệp kính trọng, các cháu yêu mến và phụ huynh tin tưởng.
Với cương vị hiệu trưởng, cô luôn nêu gương, phát huy trách nhiệm người đứng đầu, tận tụy với công việc, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, phát động cán bộ giáo viên thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua do ngành Giáo dục huyện phát động.
Hàng tháng, trong các kỳ sinh hoạt Chi bộ, ngoài việc thực hiện công tác đánh giá, kiểm điểm hoạt động chuyên môn, cô thường xuyên lồng ghép sinh hoạt chuyên đề, phân công cho từng giáo viên, đảng viên sưu tầm, kể lại những câu chuyện, bài hát, bài thơ về Bác, góp phần giáo dục cho trẻ đức tính giản dị, trung thực, có lòng yêu thương con người, kính trên nhường dưới, đoàn kết với bạn, tập thói quen ngăn nắp trật tự. Cô còn phát động phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, vận động cán bộ giáo viên tận dụng can nhựa, chai lọ, bìa cứng, giấy báo để làm chậu hoa, đồ chơi, đồ dùng học tập.
Bằng nhiều nỗ lực phấn đấu, năm học 2013 - 2014 Trường Mẫu giáo Tân Hộ Cơ được xây dựng khang trang. Cô đã chủ động đề xuất và tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, hội cha mẹ học sinh... để huy động xã hội hóa nâng cấp sân trường, xây dựng môi trường học tập tốt nhất cho học sinh. Với sự linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cô Nguyễn Thị Lại, chất lượng giáo dục ở Trường Mẫu giáo Tân Hộ Cơ năm sau luôn cao hơn năm trước, kết quả các hội thi của cô và trẻ luôn đạt kết quả cao, nhiều năm liền, đạt Chi bộ trong sạch - vững mạnh, công đoàn vững mạnh xuất sắc.
5 năm liền, trường đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến. Năm học 2015 - 2016, trường được UBND tỉnh Đồng Tháp tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. Năm học 2016 - 2017, trường được UBND tỉnh tặng danh hiệu Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua, đây cũng là một bước đột phá trong công tác lãnh đạo của Hiệu trưởng nhà trường. Năm học 2017 - 2018, trường được công nhận đạt chuẩn “Xanh - Sạch - Đẹp” và đến nay đang trong lộ trình xây dựng và hoàn thiện để được công nhận đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2018 - 2020.
Dù ở cương vị nào, cô Lại cũng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, được tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh kính trọng, yêu mến. Đối với tập thể sư phạm nhà trường, cô thật sự là người dễ gần gũi, thân thiện, sống tình cảm chân tình, luôn quan tâm chia sẻ với đồng chí đồng nghiệp. Cô đã cùng tập thể Ban giám hiệu và BCH Công đoàn xây dựng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên đoàn kết, gắn bó giúp đỡ nhau, nâng cao chất lượng giảng dạy.
Thầy Nguyễn Hữu Ấm - Hiệu trưởng Trường THCS Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) tặng quà cho học sinh nghèo |
Dành cả tình thương cho trò
Đổi mới tư duy, lao động sáng tạo là một trong những cách làm mang lại hiệu quả trong các lĩnh vực và càng có ý nghĩa hơn trong ngành giáo dục nên có nhiều tấm gương điển hình. Nơi biên giới huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), có người thầy thầm lặng cống hiến hết mình cho sự nghiệp GD&ĐT. Đó là thầy Nguyễn Hữu Ấm - Hiệu trưởng Trường THCS Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp).
Năm học 2016 - 2017, thầy Ấm được luân chuyển từ Trường THCS Thường Thới Tiền về Trường THCS Thường Phước 1 và tiếp tục giữ chức vụ Hiệu trưởng trường. Thầy được đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh quý trọng vì luôn tâm huyết, gắn bó với trường lớp.
Đặc biệt, thầy Nguyễn Hữu Ấm rất quan tâm đến nền nếp, tác phong đạo đức của học sinh. Thầy thường nói: “Phải tập cho các em có nền nếp tốt, tác phong chuẩn mực, biết lễ phép, biết giữ vệ sinh cá nhân, rèn cho các em kỹ năng tự học… Vào lớp mà không có nền nếp thì làm sao mà học, giáo viên làm sao mà dạy. Phải thực hiện tốt khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn””. Trong các cuộc họp hội đồng sư phạm, giáo viên thường phản ánh với Ban giám hiệu tình hình học tập và đạo đức của học sinh, thầy ngồi im lặng, lắng nghe và ghi nhận từng ý kiến, rồi điềm đạm phân tích trước tập thể sư phạm về những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng học sinh chưa ngoan.
Thầy nói: “Trường học là môi trường giáo dục, phụ huynh tin tưởng vào chúng ta mới gửi con em họ đến đây để chúng ta dạy và giáo dục các em thành trò giỏi, con ngoan. Nếu chúng ta không kiên trì, không nhẫn nại, mà lại cho thôi học khi các em lầm lỗi, đồng nghĩa với việc chúng ta đầu hàng, bỏ cuộc. Vậy thì nhiệm vụ của chúng ta là làm gì?”. Thầy chia sẻ rằng, đừng nói học sinh “quậy phá”, “học yếu kém”, mà là các em chưa ngoan vì chưa được giáo dục đúng cách nên gặp khó khăn về việc học.
Những tâm huyết và việc làm của thầy làm cho các đồng nghiệp khâm phục, luôn hăng hái hưởng ứng sự vận động của thầy trong mọi phong trào. Từ đó, học sinh ngày càng có sự tiến bộ trong học tập và rèn luyện tác phong đạo đức.