Dành cả thanh xuân “cõng chữ” lên non

GD&TĐ - Là người dân tộc Mông và lớn lên trong nghèo khó nên hơn ai hết cô giáo Mùa Thị Chứ thấu hiểu những thiệt thòi của trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, cô luôn dành hết tâm sức của mình để truyền đạt kiến thức cho các em HS, để các em có được con chữ và có một tương lai tươi sáng.

Cô Mùa Thị Chứ tại Lễ vinh danh giáo viên tiêu biểu ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám dịp 20/11/2018. Ảnh: Sỹ Điền
Cô Mùa Thị Chứ tại Lễ vinh danh giáo viên tiêu biểu ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám dịp 20/11/2018. Ảnh: Sỹ Điền

Miệt mài “gieo chữ” miền sơn cước

Là giáo viên tiểu học duy nhất của tỉnh Sơn La được Bộ GD&ĐT vinh danh, khen thưởng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám dịp 20/11/2018, cô Mùa Thị Chứ không giấu nổi niềm vui khi được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vì những nỗ lực, cố gắng của mình cho GD vùng khó.

Xúng xính trong bộ trang phục thổ cẩm truyền thống của người dân tộc Mông, cô Chứ cho hay, hiện cô là giáo viên Trường Tiểu học Pi Toong (Mường La, Sơn La). Năm 2001, cô tốt nghiệp trường sư phạm và được nhận quyết định về dạy học tại Trường Tiểu học Chiềng Lao A thuộc xã Chiềng Lao - một xã vùng III của huyện Mường La, cách trung tâm huyện khoảng 40 km. Đến năm 2004, cô được luân chuyển công tác về Trường Tiểu học Pi Toong thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường La, với 100% người dân là dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mông.

Mới đó mà đã 17 năm trôi qua. Ngày ngày cô miệt mài “gieo chữ” cho mảnh đất vùng sơn cước này. 17 năm với biết bao kỷ niệm vui buồn. Cô Chứ cho biết, HS ở đây thiệt thòi hơn nhiều so với HS vùng đồng bằng, chưa nói đến thành thị. Đời sống kinh tế khó khăn, nhiều gia đình “cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc” nên việc học hành đành gác lại phía sau chuyện “cơm áo”. Đặc biệt là những năm về trước, điều kiện dạy - học thiếu thốn đủ bề, nên cô - trò phải nghĩ ra đủ phương kế để hoàn thành bài học. Có những bài toán nếu chỉ giảng lý thuyết thì các em chưa hình dung hết, vậy là cô đã biến những hạt ngô, hạt lạc thành “thiết bị hỗ trợ học tập” cho các em.

“Bản thân tôi cũng là người dân tộc thiểu số; tuổi thơ gắn liền với núi rừng và lớn lên trong sự nghèo khó. Nên hơn ai hết, tôi thấu hiểu những thiệt thòi của các em HS nơi đây. Đó cũng là lý do vì sao tôi quyết theo đuổi đến cùng ước mơ được là cô giáo của mình” - cô Chứ bộc bạch.

Cô Chứ chia sẻ, ngay từ thời học phổ thông, cô đã mơ ước trở thành cô giáo để dạy học cho các em ngay trên chính quê hương mình. Để thực hiện được ước mơ này, cô Chứ đã vượt qua không ít khó khăn mà ở đó không chỉ là chuyện “cơm - áo - gạo - tiền”. Khó khăn lớn nhất cô Chứ phải vượt qua là tư tưởng lạc hậu của bố mẹ, gia đình và bà con thôn bản. Cô cho biết, nếu không quyết tâm vượt qua, thì có lẽ cô đã phải lấy chồng từ rất sớm và rất có thể giờ này cô đã trở thành bà nội hoặc bà ngoại của những đứa trẻ.

Vượt qua định kiến trọng nam khinh nữ

Cô kể, người dân tộc Mông thường có tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Vì thế, nếu có điều kiện đi học thì chỉ ưu tiên cho con trai, còn con gái phải ở nhà làm nương, lớn lên một chút thì lấy chồng. “Vượt qua định kiến của xã hội, tôi quyết tâm theo học ngành sư phạm. Một mặt là để thực hiện ước mơ là cô giáo của mình, thứ nữa là muốn thay đổi quan niệm trọng nam khinh nữ. Song điều tôi mong muốn lớn nhất là được góp công sức, trí tuệ của mình cho sự nghiệp “trồng người” nơi vùng đất khó” - cô Chứ tâm sự.

Giờ đây, cô Chứ không chỉ là một giáo viên giỏi mà còn là một tuyên truyền viên tích cực giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của GD đối với trẻ em và thực hiện bình đẳng giới trong học tập. Cô luôn mong muốn, các thế hệ HS của mình khi trưởng thành sẽ đem kiến thức đã được học để giúp bà con dân bản thoát nghèo và xóa bỏ hủ tục lạc hậu.

Chia sẻ về kinh nghiệm dạy học ở vùng khó, cô Chứ bật mí: Việc đầu tiên là phải có kỹ năng giao tiếp, sử dụng thành thạo tiếng Việt và tiếng của người dân tộc. Đặc biệt, khi dạy học giáo viên cần có kỹ năng đặt và giải quyết vấn đề. “Với học sinh dân tộc, mọi vấn đề không nên “đao to, búa lớn”; càng giản dị, gần gũi thân thiện bao nhiêu thì hiệu quả càng tốt bấy nhiếu. Do đó khi đặt vấn đề nên gắn với những gì đang hiện hữu trong cuộc sống của các em” - cô Chứ trao đổi.

Cũng theo cô Chứ, giáo viên cần thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học. “Trong từng tiết dạy, tôi luôn quan tâm đến việc HS làm được gì và học được gì. Giảm lý thuyết và tăng thời gian cho các em được thực hành, trải nghiệm. Đồng thời tích cực ứng dụng CNTT vào giảng dạy nhằm thu hút và tạo hứng thú cho các em. Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên đặt các câu hỏi, gợi mở các vấn đề, tình huống... để các em nhập vai và cùng suy nghĩ, bàn luận, rồi đưa ra cách giải quyết. Một điểm cần lưu ý đó là, HS dân tộc rất nhạy cảm và rất dễ tự ái. Do đó, giáo viên cần tôn trọng các em và để các em được quyền quyết định trong phạm vi cho phép” - cô Chứ bật mí.

Trao đổi về những áp lực mà hiện nay giáo viên đang phải đối diện, cô Chứ cho rằng, cái gì mình thích, mình yêu, mình đam mê thì mình mới làm tốt được. Vì thế, cô luôn biến áp lực thành động lực bằng cách: Tự động viên mình rằng, nghề nào cũng có ưu, nhược điểm và nghề nào cũng cần sự tâm huyết, tận tâm của người thực hiện. Tất cả đều phải học tập, làm việc và cống hiến mới có được “quả ngọt”.

“Khi lựa chọn nghề dạy học, tôi đã xác định: Dù có khó khăn, thử thách đến đâu, tôi cũng sẽ cố gắng vượt qua. Tuổi thanh xuân của tôi đã dành trọn cho giáo dục vùng khó, nay không có lý do gì mà chùn chân, mỏi bước. Tôi sẽ mãi là “cô giáo bản”, để ngày ngày được “cõng chữ” lên non”.
Cô Mùa Thị Chứ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.