Những người thầy "gieo chữ" nơi chênh vênh giữa đỉnh trời

GD&TĐ - Vào một ngày cuối năm, trên chiếc xe máy đã cũ kĩ, hoen rỉ qua thời gian chúng tôi có dịp theo chân các giáo viên của điểm trường Byầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) chinh phục đỉnh núi Byầu cao chênh vênh.

 Con đường uốn lượn, đầy rẫy khó khăn không ngăn được chân các thầy cô gieo chữ.
Con đường uốn lượn, đầy rẫy khó khăn không ngăn được chân các thầy cô gieo chữ.

Vượt núi cao, mây mù gieo chữ

Khi sương đang còn bao phủ trên những ngọn cây, chúng tôi đến trung tâm huyện Mang Yang là địa điểm hẹn với các thầy cô giáo để cùng nhau lên điểm trường Byầu (thuộc trường Tiểu học Lơ Pang). Đúng giờ đã hẹn, mọi người tập trung đông đủ để cùng nhau di chuyển. Với hành trang là gạo, mắm muối, đường, nước mắm, quần áo… chúng tôi và các thầy cô băng qua những cung đường ngoằn ngoèo, uốn lượn qua những rặng cao su, cà phê bạt ngàn.

Mặc dù mùa Đông, nhưng Tây Nguyên vẫn còn lác đác những cơn mưa khiến đường đi không tránh khỏi khó khăn. Đến những đoạn đường xấu, hư hỏng, trơn trượt các thầy cô đi chậm lại và nói vọng lại sau với chúng tôi nên đi chậm để tránh té ngã, trầy xước người.

Sau khi đi được khoảng 30km đường, cả đoàn bắt đầu leo núi Byầu. Từ chân núi nhìn lên chúng tôi hơi choáng ngợp bởi ngọn núi cao chót vót, đỉnh núi ẩn hiện sau những đám mây.

Vượt chặng đường hơn 100km, xa nhà, xa các con nhưng cô Hằng vẫn hết lòng vì học sinh.
 Vượt chặng đường hơn 100km, xa nhà, xa các con nhưng cô Hằng vẫn hết lòng vì học sinh.

Trấn an tinh thần của cả đoàn, cô Đặng Thị Hiền (30 tuổi, xã K’Dang, huyện Đăk Đoa) uống vội ngụm nước rồi tươi cười nói: “Không sao đâu mọi người, các thầy cô tuần nào cũng đi nên quen rồi, mọi người cứ bám theo nhau đi là leo lên được thôi. Mùa này còn đỡ, chứ mưa xuống chắc không đi nổi mà phải dắt bộ hoặc gửi xe mà đi bộ mới lên đỉnh được.

Tuy nhiên, mọi người chưa quen nên nhớ là khi lên dốc phải chạy số 1 rồi rà chân xuống đường. Còn khi đi xuống dốc không được đạp phanh gấp, sẽ bị trượt, mà gài số 1 để xe máy từ từ chạy. Có gì mọi người cứ la lớn để cả đoàn còn biết mà dừng lại giúp đỡ nhau.”

Sau khi mọi người đã “học thuộc” lời dặn dò của cô Hiền thì bắt đầu vào số xe để lên đường chinh phục đỉnh Byầu. Đoạn đường đi đôi lúc chúng tôi không khỏi rùng mình khi nhìn xuống là vực sâu thăm thẳm, xung quanh là đồi núi bao phủ quanh con đường uốn lượn.

Cô Hiền không quên được cái đêm mùa mưa mà mọi người chật vật vượt đường sình lầy đưa một cô giáo đi cấp cứu.
Cô Hiền không quên được cái đêm mùa mưa mà mọi người chật vật vượt đường sình lầy đưa một cô giáo đi cấp cứu. 

Theo các thầy cô, trước đây con đường này chỉ là một lối mòn không đủ cho 2 xe máy tránh nhau. Sau đó, nhận thấy sự khó khăn, bất cập cho người dân và học sinh nơi đây nên chính quyền địa phương đã cho san ủi con đường này. Tuy nhiên,cứ đến ngày mùa xe ô tô tải, xe công nông chở nông sản cho người dân đã băm náy con đường. Do đó, con đường gieo chữ của các thầy cô càng gian nan gấp nhiều lần, đặc biệt vào mùa mưa.

Mặc dù thường xuyên đi qua con đường này, tuy nhiên những đoạn đường khúc khuỷu, uốn lượn cũng khiến các thầy cô khó khăn trong quá trình di chuyển. Còn đối với chúng tôi, mới lên đây lần đầu thì quả là thử thách vô cùng khó khăn.

Nhiều đoạn dốc cao, thẳng đứng, mặc dù đi số 1 nhưng xe chúng tôi có lúc muốn tụt dốc. Khi đó, các thầy cô phải dừng xe lại đẩy xe giúp để chúng tôi có thể vượt núi. Sau gần 1 tiếng đồng hồ leo đỉnh Byầu, mọi người ai cũng mệt nhoài và nhễ nhại mồ hôi thì cuối cùng cả đoàn cũng đến nơi.

Bản Byầu hiện ra trước mắt chúng tôi với những ngôi nhà gỗ được người dân làm tạm bợ. Dưới nền đất đỏ, bụi bay mù mịt, những đứa trẻ đầu trần chân đất đùa nghịch nhau lấm lem.

Điểm cao nhất của núi Byầu là điểm trường Byầu với 4 phòng học (2 lớp đơn và 2 lớp ghép) được xây dựng kiên cố. Bên hông các phòng học là bếp ăn và 2 phòng ngủ cho giáo viên.

Khó khăn, cơ cực nhưng vẫn hết lòng vì học sinh

Các em học sinh mặc dù có cuộc sống nghèo khó nhưng vẫn cố gắng học tập để thay đổi tương lai.

Các em học sinh mặc dù có cuộc sống nghèo khó nhưng vẫn cố gắng học tập để thay đổi tương lai. 

Sau khi nhấp ngụm nước mát, các thầy cô mời chúng tôi ngồi dưới căn nhà tạm được chắp vá bằng những tấm ván cũ, là chỗ che mưa, che nắng, là những đêm chong đèn soạn giáo án để giảng dạy cho giáo viên nơi đây.

Cất vội đồ đạc, cô Hiền vừa chuẩn bị cơm trưa cho mọi người vừa tâm sự với chúng tôi. Cô Hiền cho hay, vào năm 2011, cô được luân chuyển lên dạy tại điểm trường này, đến bây giờ cô cũng gắn bó được 8 năm.

Cô Hiền cho hay, vào những ngày đầu khi mới lên dạy, nhìn con đường lên khúc khuỷu, uốn lượn, hiểm trở như vậy cô rất hoang mang và lo lắng. Kèm theo đó là những đêm dài thức trắng với những giọt nước mắt lăn dài. Tuy nhiên, khi nhìn thấy các em học sinh khó khăn, khổ cực cô đã tự động viên mình và nhìn những giáo viên giảng dạy từ trước để ổn định tâm lí và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ gieo chữ.

“Tôi có 2 con nhỏ, đứa lớn thì mới vào mẫu giáo, còn đứa nhỏ chỉ mới 3 tuổi. Do chồng tôi là bộ đội nên cũng thường xuyên đi, ít có thời gian ở nhà nên đứa nhỏ phải theo bố vào đơn vị.

Những lúc đi dạy ở trường, nhớ con tôi chỉ biết gọi điện về cho con đỡ tủi thân, đỡ nhớ bố mẹ. Có những hôm gọi nghe tiếng con khóc, con đòi mẹ lòng tôi cũng buồn và thương con lắm, nhưng vì công việc vì tương lai của những đứa trẻ nơi đây nên tôi đành nuốt nước mắt vào trong”, cô Hiền tâm sự.

Với quãng đường từ nhà đến trường hơn 100km, cô Lê Thị Hằng (27 tuổi, huyện K’bang) cho biết, cô mới lập gia đình hơn 4 năm nay và đã có 2 con nhỏ. Hiện người con đầu gần 4 tuổi, con út mới lên 2.

“Sau khi hết thời gian nghỉ sinh, tôi đành để lại con cho chồng và bà ngoại chăm sóc giúp, rồi với chiếc xe máy cũ tôi lại vượt núi để mang con chữ lên cho các em. Nhớ con nhớ gia đình lắm, nhưng đành chịu đợi đến cuối tuần hết tiết dạy tôi lại chạy ùa về với con nên mọi buồn phiền, mệt mỏi dường như tan biến hết”, cô Hằng tâm sự. 

Chia sẻ về những tháng ngày sinh sống trên đỉnh núi Byầu, cô Hiền không thể quên được vào cái đêm mùa mưa khoảng tháng 9/2011 khi cô giáo trẻ Võ Thị Lương, bỗng nhiên đau bụng dữ dội. Sau đó, cơn đau kéo dài và quằn quại hơn khiến mọi người vô cùng hoảng sợ nên đã mượn cáng của người dân đưa cô đi cấp cứu.

Do mưa, đường lầy lội, trơn trượt nên mãi mọi người mới đưa được cô đến nơi. Ngay lập tức các bác sĩ kiểm tra và tiến hành mổ ruột thừa cho cô Lương cùng tiếng thở dài và nói với các thầy cô “May mắn mọi người đưa xuống kịp nếu không e rằng mạng sống của bệnh nhân khó giữ…”.

Mặc dù cuộc sống khó khăn, tuy nhiên các thầy cô không ngại khó khăn, vất vả mà ai nấy đều thấy thương cho những đứa trẻ nơi đây. Do cuộc sống nghèo đói, ít được tiếp cận với kiến thức và kĩ thuật tiên tiến nên người dân nghèo “bền vững”. Có những ngày trời lạnh, gió rét, những đứa trẻ đến trường với bộ quần áo mỏng tanh, chân trần co ro giữa gió rét. Đến khi vào lớp do lạnh quá các em chỉ biết nép mình vào nhau, tay lạnh cóng không thể cầm bút viết.

Thương các em, cứ cuối tuần khi về nhà, các thầy cô lại đến từng nhà gõ cửa để xin quần áo cũ, sách báo cũ mang lên cho các em. Khi nhận được những bộ quần áo mới, ấm áp, các em chỉ biết nhảy cẫng lên vì vui mừng và hạnh phúc. Không chỉ có thế, các thầy cô còn vào bản xin gỗ đem về dựng thư viện cho các em có chỗ trau dồi khiến thức.Tuy nhiên, gọi là thư viện nhưng nơi đây chỉ là một căn nhà tuềnh toàng không có vách, được lợp tạm bằng mấy tấm tôn đã gỉ sét.

Thầy Nguyễn Văn Đắc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lơ Pang cho biết, điểm trường Byầu hiện có 63 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.

Trong đó có 2 lớp ghép với 4 giáo viên được điều động từ các điểm chính Trường tiểu học Lơ Pang lên đây để dạy chữ cho các em học sinh.

Theo thầy Đắc, các thầy cô dạy tại điểm trường mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng. Tuy nhiên, hầu như các thầy cô đều có con nhỏ nên rất vất vả và khó khăn khi dạy học trên Byầu.

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có quyết định hỗ trợ kinh phí cho huyện Mang Yang làm đường giao thông từ tỉnh lộ 666 đến làng Byầu (xã Lơ Pang). Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính lập thủ tục xuất 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải