Giáo viên trẻ cắm bản: Thầy cô phải vào làng “xin” ăn

Nằm ở độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển, An Toàn là xã vùng cao khó khăn nhất huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Song các thầy cô giáo, nhất là những giáo viên trẻ đã vượt mọi gian khổ, cống hiến tuổi trẻ quyết bám bản, gieo con chữ cho học sinh đồng bào nơi đây. 

Giáo viên trẻ cắm bản: Thầy cô phải vào làng “xin” ăn

Cực nhất là vào mùa mưa

Hơn 1 giờ đồng hồ vượt qua những con dốc cao quanh có, có những đoạn khúc cua “tay áo”, chúng tôi mới đến điểm trường chính của Trường Tiểu học An Toàn. So với 10 năm trước đây, trường đã được đầu tư cơ bản về cơ sở vật chất nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là khoảng cách về địa lý, đường xa và dốc.

Giáo viên trẻ cắm bản: Thầy cô phải vào làng xin ăn - 1
Nỗi niềm của những nữ giáo viên trẻ cắm bản gieo chữ nơi "cổng trời" an toàn.

Cô giáo trẻ Phan Thị Nga (xã An Hòa, huyện An Lão, Bình Định), giáo viên hợp đồng thâm niên 3 năm lên rừng “gieo chữ” cho học sinh đồng bào H’re ở Trường Tiểu học An Toàn chia sẻ: “So với ở đồng bằng, điều kiện trên này còn khó khăn hơn rất nhiều, cơ sở vật chất thiếu thốn. Như tôi dạy tin học mà chỉ vài cái máy tính bàn nhưng chẳng máy nào ra máy nào, còn ở đồng bằng học sinh có nguyên cả phòng máy để học. Trên này thiếu đủ… Đi dạy trên này, đường đi thì xa xôi, khó khăn nhưng mức lương thì cũng ngang nhau vì tôi còn là giáo viên hợp đồng, đã vậy mỗi tháng còn tốn thêm 400 ngàn tiền xăng xe đi lại”.

Cô Nga chia sẻ thêm: “Cực nhất vẫn là mùa mưa, nhiều khi bị sạt lở núi rất nguy hiểm, đường bị chia cắt, điện cúp, điện thoại không có sóng, gần như bị cô lập nên thầy cô phải vào làng xin ăn. Bởi, mỗi tuần đi dạy các thầy cô chỉ mang thức ăn dự trữ đúng trong 1 tuần”.

Giáo viên trẻ cắm bản: Thầy cô phải vào làng xin ăn - 2
Thầy cô giáo phải xa gia đình ở lại tự nấu ăn, trong khi nhà bếp che tạm bợ nên rất khổ khi mùa mưa về.

Trong khi đó, cô giáo trẻ Võ Thị Phúc Nguyên, giáo viên hợp đồng phụ trách học sinh lớp mầm non, dù được những đồng nghiệp đi trước “cảnh báo” về những khó khăn. Thế nhưng, khi chính thức được phân công lên An Toàn giảng dạy, cô vẫn không hết bỡ ngỡ.

“Tôi vẫn là giáo viên hợp đồng mới lên An Toàn dạy được 1 năm. Dạy ở đồng bằng điều kiện cơ sở vật chất vừa tốt hơn lại gần nhà, còn trên này đi lại vất vả, đối diện nhiều hiểm nguy nhưng lỡ yêu nghề này thì phải chấp nhận”, cô Nguyên chia sẻ.

Giáo viên trẻ cắm bản: Thầy cô phải vào làng xin ăn - 3
Học sinh ở An Toàn hầu hết là người đồng bào H"re

Do đường sá xa xôi đi lại khó khăn, hơn nữa là con gái nên cô phải chọn cách ở lại trường đến cuối tuần mới về nhà ở dưới xuôi. “Ở đây, có một mình tôi là giáo viên mầm non nhưng may là được ở cùng với các thầy cô trường tiểu học nên cũng đỡ buồn hơn. Hàng ngày, thầy cô lên rừng kiếm củi rồi về góp gạo thổi cơm chung. Học sinh trên này thì ngoan lắm, biết nghe lời nên dù gắn bó với các em chưa lâu nhưng tôi rất yêu các em. Nếu như được vào biên chế thì dù khó khăn mấy mình vẫn cố gắng”, cô Nguyên tâm sự.

Xem học trò như con

Thâm niên 15 bám làng gieo chữ nơi “cổng trời” An Toàn, thầy Đinh Văn Hợi chia sẻ: “Bản thôi tôi cũng như các thầy cô giáo khác đều muốn dạy gần nhà nhưng vì điều kiện, hoàn cảnh riêng đều chấp nhận. Tuy khó khăn nhưng chúng tôi có được sự động viên rất lớn từ gia đình nên đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Điều quan trọng nữa là chúng tôi có thời gian gắn bó lâu năm với học trò nên rất yêu quý học sinh trên này. Các em là người đồng bào nhưng rất ngoan, thương thầy cô giáo lắm, có rau hay củ quả gì cũng đem cho thầy cô”.

Giáo viên trẻ cắm bản: Thầy cô phải vào làng xin ăn - 4
Chỉ có yêu nghề, yêu học trò như con thì những giáo viên nữ hợp đồng mới có thể gắn bó lâu dài với nghề.

Chẳng cần phải nói chúng tôi cũng hiểu được cái khó khăn, gian nan của thầy cô giáo nơi đây. Chỉ cần vượt quãng đường hơn 30 km đèo dốc cũng đủ thấy sự gian nan của những người thầy đang từng ngày đang âm thầm cõng chữ lên ngàn.

“Cái thuận thì ít mà cái khó thì nhiều, các thầy cô hầu hết ở dưới xuôi nên phải ở lại trường tự nấu ăn. Trong khi nhà bếp che tạm bợ, mùa mưa củi ướt, nhóm lửa khó cháy, có khi cơm chẳng chín nhưng vẫn cố mà ăn”, thầy Hợi trải lòng.

Thầy giáo Võ Mười - Hiệu trưởng Tiểu học An Toàn cho biết, trường có toàn bộ 110 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, với 18 cán bộ giáo viên và bảo vệ. Trong đó, điểm trường chính ở thôn 2 có 43 học sinh; điểm trường thôn 1 (36 học sinh) và ở điểm trường thôn 3 (31 học sinh).

“Trước đây, khi còn đường đất giáo viên phải đi bộ mất cả buổi, hôm trời mưa mất cả ngày trời mới lên đến điểm trường. Giờ đây, đường bê tông lên tận nơi nhưng đường đèo dốc nguy hiểm cũng là trở ngại cho thầy cô, nhất là những cô giáo trẻ. Song, với tình yêu nghề, yêu học sinh các thầy cô vẫn âm thầm bám bản dạy chữ cho học sinh đồng bào nơi đây”, thầy Võ Mười chia sẻ.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.