Những người thầy bám lớp dạy chữ trên đỉnh Đông Trường Sơn

GD&TĐ - Vượt qua bao khó khăn, trở ngại, gác lại niềm vui sum họp bên gia đình, những thầy giáo ở Quảng Trị vẫn kiên trì bám bản, bám lớp “gieo” chữ...

Thầy giáo Trần Quyến đã gắn bó với điểm trường Ho Le 3 năm. Ảnh: Đ. Đức
Thầy giáo Trần Quyến đã gắn bó với điểm trường Ho Le 3 năm. Ảnh: Đ. Đức

Nhọc nhằn “gieo” chữ nơi biên viễn

Trường Tiểu học Húc thuộc xã Húc (Hướng Hóa, Quảng Trị) có 7 điểm trường, gồm điểm trường ở khu vực trung tâm và 6 điểm khác đặt ở các thôn: Húc Ván, Tà Rùng, Cu Dông, Tà Cu, Húc Thượng và Ho Le. Trong đó, Ho Le xa nhất, cách trung tâm khoảng 10km, đường đi lại rất khó khăn, chủ yếu là đồi núi. Học sinh nơi đây hầu hết là con em đồng bào Vân Kiều. Do giao thông đi lại khó khăn nên điểm trường Ho Le được bố trí 3 thầy giáo cắm bản, dạy chữ cho các em từ lớp 1 đến lớp 5.

Để đến với điểm trường Ho Le, không còn cách nào khác là phải vượt qua con đường đất đỏ xuyên qua giữa núi rừng. Mùa này, mưa lớn kéo dài nên con đường dẫn vào Ho Le trở nên trơn trượt, lầy lội, có đoạn bùn ngập sâu đến đầu gối. Phải đi bộ hơn một giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được Ho Le nằm trên đỉnh núi, giữa mịt mù mây phủ.

Thầy giáo Hồ Đức Trung (sinh năm 1988, nhà ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) trẻ nhất ở Ho Le. Đây là năm thứ 4 thầy cắm bản dạy học ở điểm trường này.

Thầy Trung nhớ lại: “Thật khó có thể kể hết những gian nan, vất vả khi vượt núi lên đây dạy chữ cho học sinh. Chỉ một trận mưa nhỏ là đường sá trở nên lầy lội, trơn trượt. Đã không ít lần anh em bị ngã sõng soài khi cố đánh vật với đoạn đường ấy để đến trường. Gặp khi mưa quá to, bùn đất nhão nhoẹt thì phải để xe máy bên đường rồi xắn quần đi bộ vào bản”.

Với tình yêu dành cho học trò, trách nhiệm của một người giáo viên vì sự nghiệp “trồng người”, thầy Trung và đồng nghiệp vượt qua bao khó khăn, trở ngại để kiên trì bám bản dạy chữ cho học sinh.

Qua 3 năm gắn bó với học sinh nơi đây, thầy giáo Trần Quyến (sinh năm 1973) đã trải nghiệm hết những khó khăn, vất vả. Thầy Quyến nói rằng, trước đây, khi chưa có con đường dẫn đến dự án điện, để đến dạy học ở Ho Le phải đi bộ hơn 10km. Ngày nay, đoạn đường đi bộ được rút ngắn một nửa, nhưng về mùa mưa thì ngập trong bùn lầy, phương tiện giao thông không đi được.

“Dù nhà chỉ cách điểm trường vài chục km, nhưng đi lại khó khăn nên đầu tuần, chúng tôi phải chở theo gạo, thức ăn để ở lại sinh hoạt và dạy học. Đến cuối tuần, học sinh nghỉ học thì các thầy mới trở về nhà. Vào mùa mưa, nếu đường bị sạt lở, chia cắt thì chúng tôi phải ở lại trường, có khi đến 10 ngày hoặc nửa tháng”, thầy Quyến chia sẻ.

Thầy Quyến nhớ lại, vào mùa mưa lũ năm 2020, xã Húc là một trong những địa bàn thường xuyên xảy ra sạt lở núi, chia cắt giao thông. Trong tình hình đó, các giáo viên phải ở lại trường dài ngày, không thể ra bên ngoài. “Lo lắng nhất là mùa mưa bão, mấy anh em đều phải ở lại trường. Trong khi đó, chỉ có vợ con ở nhà, gặp tình huống bất trắc thì không xử lý được. Nhưng khó khăn nào cũng vượt qua, anh em đều động viên nhau cố gắng để mang con chữ đến với học sinh Vân Kiều nơi đây”, thầy Quyến bộc bạch.

Thầy Hồ Đức Trung, phụ trách lớp 1 hướng dẫn các em nắn nót từng chữ. Ảnh: Đ.Đức

Thầy Hồ Đức Trung, phụ trách lớp 1 hướng dẫn các em nắn nót từng chữ. Ảnh: Đ.Đức

Lớp học “2 trình độ”

Điểm trường Ho Le có 5 nhóm lớp, với gần 40 học sinh. Do số lượng học sinh ít, chỉ có 3 giáo viên nên tại trường có một lớp 1 và 2 lớp ghép dành học sinh từ lớp 2 đến lớp 5. Thầy Hồ Đức Trung phụ trách lớp 1 chia sẻ: “Học sinh nơi đây đa số là học sinh Vân Kiều nên chỉ quen với tiếng ‘mẹ đẻ’, khả năng tiếp thu Tiếng Việt chậm. Đặc biệt, học sinh thường nhút nhát nên thầy phải rèn cho từng em, hướng dẫn các em đánh vần, tập nắn nót từng con chữ, phép tính”.

Ở phòng học kế bên, thầy Quyến cùng lúc hướng dẫn cho học sinh nhóm lớp 2 và 3 học môn Tiếng Việt. Vừa hướng dẫn cho nhóm lớp 2 tập viết, thầy quay sang hướng dẫn cho nhóm học sinh khác đọc bài. “Dạy học 2 lớp cùng lúc sẽ vất vả hơn so với dạy một lớp, do phải luân phiên thời gian hợp lý. Để khỏi ảnh hưởng đến việc tiếp thu của học sinh, giáo viên phải xây dựng chương trình phù hợp, bố trí thời gian hợp lý”, thầy Quyến cho hay.

Thầy Nguyễn Văn Sanh, dạy lớp ghép 4 và 5 chia sẻ: Việc dạy một lớp học 2 trình độ học sinh bắt buộc giáo viên đứng lớp phải lên kế hoạch bài dạy đa dạng, linh hoạt phù hợp điều kiện cụ thể của nhà trường và từng nhóm trình độ của học sinh. Dạy lớp ghép không bắt buộc thực hiện chương trình một cách máy móc, cứng nhắc như dạy đúng tuần, đúng tiết, đúng thời lượng của mỗi tiết học. Tuy nhiên, khó khăn nhất là thời gian tiết học hạn hẹp nên giáo viên phải phân bổ hợp lý.

“Đối với học sinh nơi đây chủ yếu là con em đồng bào Vân Kiều, kỹ năng Tiếng Việt còn hạn chế, trình độ còn kém nên ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu bài. Thế nhưng, với trách nhiệm của mình, các thầy luôn theo sát, hiểu rõ năng lực của các em để kịp thời hướng dẫn, bổ sung kiến thức cho học sinh”, thầy Sanh chia sẻ.

Nhiều năm tham gia “cắm bản” dạy chữ ở những vùng xa xôi, thầy Sanh thấu hiểu về phong tục tập quán, điều kiện học tập cũng như những thiệt thòi của học sinh nơi đây. Chính vì vậy, thầy luôn cố gắng khơi dậy niềm đam mê, động lực học tập để các em phấn đấu. Niềm mong mỏi của thầy là mong cho học sinh của mình đọc thông viết thạo, hiểu được tính toán để sau này lớn lên góp sức xây dựng quê hương.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa chia sẻ: Hướng Hóa là huyện miền núi, có nhiều điểm trường đóng ở các địa bàn xa xôi, điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn. Nhiều giáo viên đã bám bản, bám dân để dạy học ở những vùng có điều kiện giao thông cách trở. Trong số đó, rất nhiều người phải sống xa gia đình, xa người thân, tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, kiên trì bám trường bám lớp để cho giấc mơ con chữ của học trò vùng cao được trọn vẹn.

“Sự cống hiến của các giáo viên vùng cao không thể kể hết bằng lời. Chỉ có tận mắt chứng kiến, thì mới cảm nhận hết được những gian khổ và cả sự hy sinh vì sự nghiệp trồng người ở những nơi vùng cao đầy gian khó. Các thầy, cô đã góp phần đưa sự nghiệp giáo dục ở Hướng Hóa ngày càng đi lên”, bà Nga cho biết.

Thầy giáo Đoàn Văn Anh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Húc cho biết, so với giáo viên vùng đồng bằng, thì các thầy giáo dạy học ở vùng miền núi phải chịu không ít vất vả. Tuy nhiên, khắc phục mọi điều kiện khó khăn, các thầy cô giáo luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm để bám trường dạy chữ cho học sinh. Dù bất cứ hoàn cảnh nào các thầy cũng không bỏ rơi học sinh của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.