Những người thầy miền xuôi coi trò như con, gắn bó cả đời nơi miền biên viễn

GD&TĐ - Từ miền xuôi lên “cắm bản” vào đầu thập niên 90 ở thế kỷ trước, nhiều thầy giáo đã gắn bó cả đời mình với giáo dục vùng biên. Và khi đã trở thành quản lý, họ vẫn coi học trò như con cái của mình.

Thầy Hoàng Sỹ Xuân đi vận động học sinh đến lớp.
Thầy Hoàng Sỹ Xuân đi vận động học sinh đến lớp.

Coi học sinh như con của mình

Cách đây 24 năm, thầy giáo Hoàng Sỹ Xuân ở xã Quảng Tâm (Quảng Xương) - nay là TP Thanh Hóa - lên nhận công tác tại huyện Mường Lát. Từ khi lên huyện vùng biên giới xa xôi ấy đến nay, bàn chân của thầy Xuân đã chai sạn bởi những lần trèo đèo, lội suối đến các bản cheo leo, heo hút để vận động học sinh đến trường. Trước khi về làm Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mường Lý, thầy Xuân từng công tác ở Trường THCS Mường Chanh - nơi xa nhất của huyện Mường Lát.

Nghe tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề của thầy Xuân, chúng tôi thấy cảm động trước tình thương yêu học trò của thầy. Với tâm nguyện đem cái chữ lên cho học trò vùng cao, nên không vì khó khăn, vất vả mà thầy chán chường hay bỏ cuộc. Năm 2007, thầy giáo Xuân mới xây dựng gia đình. Vợ thầy không công tác cùng ngành, nên ở quê chăm sóc mẹ già và nuôi dạy hai con nhỏ. Cháu lớn năm nay học lớp 8, còn cậu út vào lớp 4.

Trong lúc ngồi trò chuyện, nhắc đến ngày khai giảng năm học, giọng thầy Xuân chùng xuống. “Năm nào cũng vậy, cứ chuẩn bị vào năm học mới, các con mình lại đòi bố phải ở nhà để đưa đi khai giảng. Cậu út thì cứ đòi bố mua quần áo mới, giày dép, mũ mão, cặp sách... và đưa đến trường như các bạn cùng lớp. Trước đây, là giáo viên đứng lớp, mình không thể ở nhà trong ngày khai giảng. Bây giờ làm quản lý, lại càng không thể vắng mặt ở trường được. Cũng may, vợ mình không làm cùng ngành nên có thời gian đưa con đi dự khai giảng. Hy vọng, sau này các con lớn lên, chúng sẽ hiểu và thông cảm cho bố”, thầy Xuân bộc bạch.

Thầy Liêm trích lương của mình mua sách tặng học sinh của mình sau đợt lũ tháng 8/2018.
Thầy Liêm trích lương của mình mua sách tặng học sinh của mình sau đợt lũ tháng 8/2018.

Gạt đi những dòng suy tư, thầy Xuân bảo rằng: “Những lần đi vận động học trò đến lớp, chứng kiến cảnh gia đình nhiều em cơm không đủ no, áo không đủ ấm, ai mà chẳng thương. Mà đã có tình thương, thì sẽ cố gắng vượt qua khó khăn, vất vả để giúp các em đến trường bằng mọi giá. Bởi, mình coi học sinh cũng như những đứa con của mình ở nhà mà thôi”.

Ở Mường Lát, trước kia có nhiều gia đình quá khó khăn, nên phụ huynh không muốn cho con đến trường, mà bắt chúng ở nhà để giúp đỡ bố mẹ. Bên cạnh đó, phong tục tập quán của đồng bào người Mông vẫn còn nhiều bất cập. Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... vẫn xảy ra. Tư duy của nhiều gia đình vẫn “thả nổi” con cái muốn đến trường hay bỏ học thì tùy... Những điều đó vô tình trở thành rào cản vô hình, khiến công tác giáo dục càng thêm gian nan hơn. Cũng may, các thầy, cô giáo thấu hiểu được nội tâm, nội tình của phụ huynh học sinh mà gắng động viên, thuyết phục họ cho con đến trường.

Và rồi, khi đón được các em xuống trường, các thầy, cô lại lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho học trò như con cái của họ. Giờ đây, cuộc sống của bà con dân bản cũng đỡ vất vả hơn ngày trước rất nhiều. Đặc biệt, từ khi Nhà nước có chế độ hỗ trợ gạo, tiền ăn bán trú, chi phí học tập... cho học sinh, các em đã yên tâm học tập.

Hồi đầu năm học vừa rồi, do thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, hàng quán phải đóng cửa. Vì thế, học sinh không thể tự ra ngoài đi mua đồ hay ăn sáng được, trong khi đó, nhà trường có gần 300 em ở bán trú. Phải làm thế nào để giúp học sinh có đồ ăn sáng là điều khiến thầy Xuân trăn trở và lo lắng.

“Nếu học sinh không ăn sáng, thì làm sao lên lớp để học được. Sau nhiều đêm suy nghĩ, mình nảy ra một cách vận dụng. Mình bàn với Ban giám hiệu, huy động giáo viên chịu khó nấu cơm ban đêm, vì trong kho đang còn gạo dự trữ. Mỗi bữa sáng, cho học sinh ăn lót dạ bằng cơm với cá khô, nước mắm. Với cách làm này, đã giải quyết cơ bản được vấn đề học sinh nhịn ăn sáng, mà không vi phạm quy định phòng, chống dịch”, thầy Xuân tâm sự.

Thầy Nguyễn Văn Giang tặng quà của bạn đọc Báo Tuổi trẻ cho học sinh.
Thầy Nguyễn Văn Giang tặng quà của bạn đọc Báo Tuổi trẻ cho học sinh.

Trích lương mua sách vở cho trò

Cũng như thầy Xuân, thầy Trần Văn Liêm - Hiệu trưởng Trường THCS Mường Chanh lên nhận công tác từ năm 1989. Quê thầy Liêm ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Ngày lên Mường Lát, thầy Liêm không nghĩ rằng mình lại có thể ở trên vùng khó khăn này lâu dài như vậy.

“Thực tình, ngày lên nhận công tác, mình cũng không nghĩ rằng “cắm chốt” ở vùng đất này cho tới lúc về hưu. Thế nhưng, trong những năm gắn bó với nghề, thật lòng không muốn rời xa mảnh đất và con người nơi đây. Có thể, lòng yêu nghề và tình yêu thương lũ trẻ, mà mình không thể dứt bỏ. Bởi, mỗi lần lên lớp, nhìn thấy những học trò nghèo khổ, nhưng rất ngoan hiền, chăm chỉ học tập là mình không muốn rời xa chúng”, thầy Liêm bộc bạch.

Còn nhớ, hồi cuối tháng 8/2018, khi Mường Lát bị trận lũ lịch sử tràn qua, cuốn trôi vô số nhà cửa, tài sản của người dân, trong đó xã Mường Chanh bị cô lập với bên ngoài nhiều ngày trời. Các trường học ở Mường Chanh phải khai giảng muộn hơn sau nhiều ngày. Để có được ngày khai giảng, thầy Liêm và các thầy, cô giáo nhà trường đã phải băng rừng, lội suối đến các bản làng để vận động học sinh ra lớp.

Lúc bấy giờ, có học sinh của trường bị mất người thân do nước lũ cuốn trôi, thầy hiệu trưởng đã lội bộ đến tận nhà, động viên em cố gắng ra lớp học. Rồi thầy trích lương của mình để mua sách, vở, đồ dùng học tập cho học sinh ấy và nhiều em khác, với mong muốn các em vượt qua khó khăn mà không bỏ học giữa chừng.

Bà Vi Thị Chiềng (49 tuổi), ở bản Na Hin, xã Mường Chanh, cho biết, cái ngày chồng bà và nhà cửa, tài sản bị lũ cuốn trôi, mấy đứa con của bà đang đi học cũng không còn quần áo, sách vở. Sau khi lũ tràn qua, con trai bà đã định bỏ học. Rất may, có thầy Liêm và các thầy, cô trong trường đến động viên, nên cháu quyết tâm đến trường.

“Không riêng gì gia đình tôi, mà ở cái xã này, nhiều gia đình khó khăn lắm. Thế nhưng, thầy Liêm và các thầy, cô trong trường đã đến nhà động viên, vận động các cháu cố gắng ra lớp học. Cũng may là các cháu rất nghe lời thầy giáo, nên chúng đã không bỏ học giữa chừng. Bà con dân bản luôn coi thầy Liêm và các thầy, cô giáo như người thân, chúng tôi luôn ghi nhớ công lao của các thầy”, bà Chiềng bày tỏ.

Sau những ngày mưa lũ, bằng tất cả tình yêu thương học trò, thầy Liêm cùng giáo viên nhà trường đã lặn lội đi vận động học sinh đến trường. Điều đáng ghi nhận là dù đang đối mặt với bao khó khăn, nhưng được sự động viên, khích lệ của thầy hiệu trưởng cùng giáo viên nhà trường, các em đã đến lớp khá đầy đủ.

“Có nhiều gia đình vốn là hộ nghèo lại còn bị lũ cuốn trôi nhà cửa, tài sản nên vô cùng bi đát. Có học sinh bị mất cha hoặc mất mẹ, nhà cửa cũng không còn nên đối mặt với việc bỏ học giữa chừng. Vì thế, mình phải cố gắng động viên, chia sẻ khó khăn với bà con và học sinh của trường. Những lúc như vậy, nếu mình và các thầy, cô không động viên, chia sẻ thì học sinh sẽ bỏ học là điều không tránh khỏi”, thầy Liêm chia sẻ.

Còn thầy Nguyễn Văn Giang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS thị trấn Mường Lát, có vợ con, gia đình ở huyện ven biển Nga Sơn. Năm 1990, thầy Giang được cấp trên điều động lên Mường Lát dạy học. Hơn 30 năm gắn bó với giáo dục vùng cao, thầy Giang vẫn không thể quên được những ngày đầu lên biên giới với vô vàn gian truân.

“Nhà mình cách thị trấn Mường Lát hơn 300km. Vì thế, những năm đầu lên đây công tác, có những chuyến về thăm gia đình, phải đi mất 2 ngày mới tới nhà. Hồi ấy, làm gì có điện thoại để liên lạc với gia đình, nên mỗi khi về thăm nhà, mẹ mình lại khóc sướt mướt vì thương con. Cũng đã có những lúc mình định xin chuyển nghề, nhưng rồi không thể. Bởi vì, cứ nhìn thấy các cháu nhỏ muốn học, là mình quên hết mọi khó khăn, vất vả và chỉ dồn sức dạy chữ cho chúng mà thôi”, thầy Giang tâm sự.

Giờ đây, những thầy hiệu trưởng như Hoàng Sỹ Xuân, Nguyễn Văn Giang đã bước qua tuổi 50, nhưng các thầy vẫn ở nhà công vụ tại trường, gác  lại chuyện gia đình, vợ con, người thân ở quê để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Trong sâu thẳm của họ, những thầy hiệu trưởng ấy vẫn hàng ngày chăm lo cho thế hệ trẻ vùng biên và luôn coi lớp lớp học trò nơi rẻo cao như những đứa con của mình. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.