Những kỹ năng không thể thiếu của người giảng viên

GD&TĐ - ThS Nguyễn Văn Triển (Phòng Đào tạo sau ĐH, Trường ĐH Đồng Tháp) cho biết: Để hoàn thành tốt công việc, người giảng viên không thể thiếu kĩ năng tự học, tự nghiên cứu; kĩ năng sử dụng CNTT; hợp tác và kĩ năng nêu và giải quyết vấn đề trong dạy học.

Những kỹ năng không thể thiếu của người giảng viên

Kĩ năng tự học, tự nghiên cứu

Tự học cần được xem là một phẩm chất quan trọng của giảng viên, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc học có thể được phân tán theo từng cá nhân ở các địa điểm khác nhau. Không nhất thiết người học phải gặp mặt thầy trực tiếp, hàng ngày.

Nội dung dạy học có thể được chuyển tải trên tất cả các phương tiện công nghệ thông tin. Người học có thể tiếp cận thông tin ở bất kỳ nơi nào (mọi nơi, mọi lúc). 

Lúc ấy, kĩ năng tự học của người học càng trở nên hết sức quan trọng, họ sẽ ý thức cao hơn về vấn đề mình đang tìm hiểu, đang khám phá và lĩnh hội.

Vấn đề ở đây là ai dạy những kĩ năng đó cho người học? Theo ThS Nguyễn Văn Triển, những kĩ năng đó được bắt đầu từ gia đình, từ thực tiễn cuộc sống xã hội, từ trong các nhà trường và đặc biệt những kĩ năng tự học, tự nghiên cứu được bắt nguồn từ các thầy cô giáo.

Do đó kĩ năng tự học, tự nghiên cứu là rất quan trọng và cần thiết của mỗi người giảng viên trong các cơ sở đào tạo. Trên cơ sở kĩ năng tự học, tự nghiên cứu, người giảng viên truyền thụ, hướng dẫn cho sinh viên tự học, tự rèn luyện mình trong quá trình học tập, như vậy sẽ góp phần vào việc nâng cao hiệu quả và chất lượng dạy học và đặc biệt là trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ của nhà trường.

Kĩ năng sử dụng CNTT trong quá trình dạy học

Khai thác tài liệu trên internet là công cụ rất hiệu quả và là kho tàng thông tin vô tận có thể sử dụng trong dạy học. Việc khai thác thông tin, kiến thức trên internet đòi hỏi người giảng viên phải được trang bị những kiến thức, kĩ năng và những điều kiện nhất định.

Trong thời đại công nghệ hiện nay, việc học của sinh viên cũng đã có nhiều thay đổi. Thói quen học thuộc một cách thụ động nhường chỗ cho việc tự tìm tòi, khám phá. Việc học và chơi ngày càng được gắn với máy vi tính nhiều hơn, thu hút các em nhiều hơn vào việc tìm tòi, khám phá.

Giảng viên không thể bằng lòng với những thông tin có sẵn trên các trang sách giáo khoa và tài liệu tham khảo. Internet là nguồn thông tin không thể thiếu được của những người làm nghề dạy học. 

Khai thác thông tin từ Internet phải trở thành thói quen không thể thiếu được của mỗi giảng viên. Rõ ràng, kỹ năng làm việc với máy tính trở thành kỹ năng tối thiểu của tất cả mọi người và đặc biệt là của người giảng viên.

Khi khai thác, người giảng viên phải biết lựa chọn nguồn tài liệu đảm bảo tính khoa học, tính tư tưởng (chính xác, khoa học, khách quan và phải mang tính giáo dục tư tưởng cho người học).

Lựa chọn nguồn thông tin phù hợp với nội dung bài học, với từng đối tượng, từ đó làm cho người học nắm vững, hiểu sâu hơn nội dung của bài học. Đây cũng là một biện pháp góp phần vào việc nâng cao hiệu quả dạy học theo hệ thống tín chỉ hiện nay.

Kĩ năng hợp tác trong dạy học

Hợp tác trong dạy học có nghĩa người dạy cùng trao đổi, thảo luận, học hỏi những kinh nghiệm giáo dục từ thực tiễn giữa các cơ sở đào tạo, giữa các môn học, giữa các giảng viên trong các cơ sở đào tạo, … để cùng nhau nêu ra những ưu điểm, hiệu quả cao trong quá trình dạy học, đồng thời cũng từ trên cơ sở đó nêu ra những hạn chế, vướng mắc cần khắc phục để việc dạy học đạt hiệu quả tốt hơn.

Trong phạm vi cụ thể, sự hợp tác tạo nên nhiều thành tựu quan trọng đối với mỗi cá nhân. Kĩ năng hợp tác cần được rèn luyện ở mỗi giáo viên. 

Sau đó, đến lượt mình, các thầy, cô giáo lại dạy cho sinh viên của mình cách hợp tác trong học tập và trong các lĩnh vực khác của cuộc sống. Có như vậy, cũng là góp phần không nhỏ đến hiệu quả dạy học.

Kĩ năng nêu và giải quyết vấn đề trong dạy học

Kĩ năng nêu vấn đề và tự giải quyết vấn đề là một trong những nội dung quan trọng của người giảng viên trong quá trình dạy học.

Trong cuộc sống nói chung và trong dạy học nói riêng suy đến cùng, đó là một chuỗi liên tục các vấn đề và giải quyết vấn đề. “Vấn đề được nêu ra sau đó được giải quyết, một vấn đề khác lại nẩy sinh, vấn đề lại được giải quyết cứ như thế lặp đi lặp lại”.

Nêu và giải quyết các vấn đề trong dạy – học đặc biệt là trong các bài học ở nhà trường cũng nên xem như giải quyết các vấn đề của cuộc sống. 

Đặc biệt hơn là trong dạy học, người giảng viên biết dẫn đắt người học vào tình huống có vấn đề và nêu vấn đề một cách rõ ràng, cụ thể, sau đó tổ chức cho người học hướng giải quyết vấn đề.

Đây là một trong những biện pháp dạy học đem lại hiệu quả cao. Để làm được điều đó, giảng viên cần phải luôn tự rèn luyện và bồi dưỡng kĩ năng nêu và giải quyết vấn đề trong dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ