Rèn kỹ năng cho sinh viên bằng hùng biện

GD&TĐ - Giảng viên Trường CĐSP Điện Biên Trần Thanh Bắc chia sẻ kinh nghiệm vận dụng thuật hùng biện nhằm rèn luyện một số kĩ năng giới thuyết du lịch cho sinh viên ngành Việt Nam học.

Rèn kỹ năng cho sinh viên bằng hùng biện

2 dạng hùng biện thích hợp

Tiến hành nghiên cứu sâu về vấn đề này, giảng viên Trần Thanh Bắc nhận thấy có hai loại hình hùng biện rất gần với giới thuyết du lịch đó là hùng biện giới thiệu và hùng biện trả lời phỏng vấn.

Việc sử dụng thuật hùng biện giới thiệu có những yêu cầu khá đơn giản như: phong cách ngắn gọn, đảm bảo đúng, đủ ý cần đề cập tới đối tượng giới thuyết. Ngữ dụng trong câu của bài giới thuyết không quá dài, không thái quá tuy nhiên cần phải luôn giữ được thái độ tự nhiên của bản thân, thái độ trân trọng các đối tượng khách du lịch.

Nếu như xây dựng cấu trúc giới thuyết du lịch chủ yếu thực hiện trên cứ liệu là đối tượng du lịch thì thuật hùng biện trả lời phỏng vấn lại chú trọng đến biện luận và hồi đáp đối với khách du lịch. 

Về cơ bản cần có sự chuẩn bị chu đáo, những câu hỏi của khách có thể gây lúng túng cho người hướng dẫn khi đang giới thuyết.

Vận dụng phương pháp hùng biện trong việc rèn luyện kĩ năng giới thuyết du lịch cho sinh viên Việt Nam học (Văn hóa - Du lịch) cần xác định và thực hiện được những nội dung cơ bản.

Xác định cấu trúc bài giới thuyết

Trước hết, đó là xác định cấu trúc bài giới thuyết. Tham vấn trên cơ sở đối chiếu với một bài hùng biện, anh Trần Thanh Bắc cho rằng, cấu trúc bài giới thuyết du lịch gồm 3 phần.

Phần mở đầu gồm: Chào khách du lịch; câu giới thiệu bản thân, tổ chức lữ hành; dắt dẫn du khách vào đề: thông báo chương trình tham quan, kết nối thân tình với khách tạo ấn tượng tốt đẹp trong lần giao tiếp đầu tiên .

Phần nội dung chính, bài giới thuyết phải nêu được nội dung chính của tuyến tham quan; trình tự giới thuyết từng đối tượng tham quan từ đầu tiên đến đối tượng tham quan cuối cùng; trao đổi, hồi đáp thân tình với khách.

Phần kết thúc: Đánh giá khái quát vấn đề đã giới thiệu trong chuyến tham quan du lịch; thông tin tuyên truyền quảng cáo cho chuyến tham quan tiếp theo; những lời nhắn nhủ, mời gọi cũng được thể hiện ở đây cùng với lời cảm ơn của hướng dẫn viên.

Lập dàn ý chi tiết

Nội dung 2 là thu thập tài liệu, thông tin, dụng ngữ, xắp xếp ý, điệu bộ tương thích. Việc thu thập dụng ngữ cần chú ý đến việc thu thập cả cách nói, từ ngữ trong đời sống xã hội và cách diễn đạt bằng từ ngữ chuyên môn, ngôn ngữ chuyên ngành với đối tượng giới thuyết.

Cần lập dàn ý chi tiết cho bài giới thuyết của mình, hình dung từng điểm trong bài giới thuyết và khắc sâu chi tiết để tránh bỏ sót những nội dung của đối tượng du lịch được giới thuyết.

Đồng thời, cần lưu ý điệu bộ tương thích như: nét mặt, chuyển động của thân thể, khoảng cách với người nghe và luôn giữ được sự hăng hái trong thanh giọng từ đầu đến cuối, không nên đổi giọng.

Luyện giọng nói và điều hoà hơi thở

Giảng viên Trần Thanh Bắc cũng đặc biệt chú ý đến luyện giọng nói và điều hoà hơi thở và cho rằng, trong giới thuyết du lịch, luyện giọng nói là một trong những yêu cầu thực sự gắt gao đối với người thể hiện.

Khi giảng dạy, nếu giảng viên không chú ý đến việc không rèn luyện giọng nói sẽ dẫn đến: giọng không chuẩn, nói thiếu cuốn hút, sắp xếp ý không tương thích với cử chỉ, điệu bộ, lí lẽ thiếu chặt chẽ.

Để khắc phục điều này giảng viên cần đưa ra một số phương pháp luyện giọng, bắt đầu từ việc phát âm rõ, chính xác từng tiếng, từng cụm từ và nhấn giọng đúng chỗ tránh rơi vào hiện tượng mơ hồ. Bên cạch đó, cần tập cho sinh viên nói diễn cảm, chú ý phương tiện diễn cảm từ vựng (từ đồng nghĩa, trái nghĩa).

Đồng thời, cũng cần lưu ý một số điểm: không nói những điều khó hiểu; không sử dụng những thuật ngữ quá lạ; không nói dồn dập nhiều; không nói vẻ hằn học cá nhân; không nói quá nhỏ; không đi lạc ra khỏi hoàn cảnh tâm trạng của du khách.

Việc điều hòa hơi thở sẽ bổ trợ rất lớn khi chúng ta giới thuyết, phổi mỗi người chứa khoảng 2 lít khí, do không chú ý, khi nói ta chỉ sử dụng một phần khí nhỏ ở khoang miệng và thực quản khiến ta cảm tưởng hết hơi. Sinh viên cần tập thở khi đi bộ, khi nói, khi bơi lội. góp phần để việc giới thuyết diễn ra thành công.

Xây dựng phong cách riêng phù hợp

Đi kèm với giọng nói, cấu trúc tương thích của bài giới thuyết thì việc tập phong cách và chuẩn bị hình thức là một yêu cầu quan trọng. Sinh viên cần tuân thủ những nguyên tắc: xây dựng phong cách riêng phù hợp với các đặc điểm cá nhân, không được thái quá. Đồng thời cần chú ý trang phục phải luôn lịch sự, trang nhã, tiện lợi, gọn nhẹ.

Tự tin xử lý tình huống

Thời gian và không gian trong giới thuyết du lịch là bất định bởi nó phụ thuộc vào bối cảnh và đối tượng du lịch. Lí tưởng khi chương trình du lịch nào cũng “thuận buồm, xuôi gió” không có trục trặc phải giải quyết.

Thực tế cho thấy, có muôn vàn tình huống xảy ra do những nguyên nhân chủ quan và khách quan mang lại, chính vì thế mà khi hướng dẫn giới thuyết cho sinh viên cần phải biết cách xác định và xử lí tình huống để đảm bảo cho chuyến du lịch của mình được tốt đẹp.

Đối với người giới thuyết du lịch thì việc “đăng đàn” chỉ diễn ra ở điểm du lịch và khi dẫn tour. Công việc trên “diễn đàn tour” thực sự quan trọng, đó là sự trình diễn khả năng của người giới thuyết.

Yêu cầu đặt ra là cần bình tĩnh, hăng hái, tự tin, mạnh mẽ, dứt khoát, hòa nhã cùng với một tác phong tươi trẻ. Ở phương diện này, giảng viên cần hướng sinh viên chú ý về tư thế đứng: Người giới thuyết du lịch luôn hướng về phía du khách để tạo cảm giác thoải mái, dễ diễn đạt, dễ bày tỏ, trình diễn, dễ linh hoạt, gợi cảm giác sống động khiến người nghe dễ tập trung.

Bên cạnh đó, cần khắc phục cảm giác tâm lí trốn tránh ánh mắt và tập diện đối diện, sinh viên cần tập cho mình khả năng chi phối và điều biến ánh mắt của du khách, đây chính là điểm mạnh của thuật hùng biện khi vận dụng để giới thuyết du lịch.

Khéo léo chuyển nguy thành an

Trong giới thuyết du lịch, có rất nhiều loại khách có thể đẩy chúng ta vào thế tiến thoái lưỡng nan trước loại câu hỏi mà nếu trả lời thế nào cũng bị rơi vào thế khó xử. Trường hợp này buộc ta phải khéo đưa ra những điều kiện để có thể chuyển nguy thành an.

Sinh viên cần phải nắm một nguyên tắc rằng: giữa các sự vật khách quan vẫn tồn tại mối liên hệ điều kiện nhất định.

Theo giảng viên Trần Thanh Bắc, giảng viên cần phải hướng dẫn cho sinh cần học cách đặt câu hỏi để có thể chủ động phát vấn. Điều này có nghĩa là hãy dùng câu hỏi phủ định để biểu đạt ý khẳng định và dùng câu hỏi khẳng định để biểu đạt ý phủ định với ý nghĩa xác định (hỏi không vì mục đích hỏi - câu hỏi tu từ ).

Trường hợp người giới thuyết đặt vấn đề - khách cùng trả lời: Để thực hiện hình thức này đạt hiệu quả cao và gây hứng thú cho du khách, người giới thuyết du lịch cần phải chuẩn bị trước những cách đặt vấn đề tạo sự hào hứng, đừng dễ quá cũng đừng khó quá, những câu hỏi đặt ra khách có thể trả lời được.

Trường hợp người giới thuyết tự hỏi - tự trả lời: Đây là dạng khá đặc biệt, trong đó người hướng dẫn viên phải mượn lời của một nhân vật thứ ba và tạo dựng tiết tấu câu chuyện thật thú vị và hấp dẫn, thường là dạng một câu chuyện không gắn với hoạt động đời thường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ