Kỹ năng sống không “mua” được bằng tiền

Không ít phụ huynh đã tìm đến các cơ sở đào tạo để đăng ký cho con em mình tham gia các khoá học về kỹ năng sống.

Kỹ năng sống không “mua” được bằng tiền

Kỹ năng sống không “mua” được bằng tiền
Gia đình chính là môi trường căn bản và quan trọng nhất giúp trẻ hình thành những kỹ năng sống cần thiết. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, những khoá học này có tác dụng hay không còn phải bàn.

Học theo phong trào

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa kỹ năng sống là yếu tố thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức trong cuộc sống hằng ngày.

Do vậy, theo Ts Lã Thị Bưởi - Trung tâm Tư vấn đào tạo và phát triển cộng đồng, sự thích nghi của các em trong môi trường của các lớp học kỹ năng sống chỉ mang tính chất tạm thời. Mặc dù, một số khóa học được tổ chức bài bản với các nghiên cứu được chứng minh là có hiệu quả cao nhưng phần lớn là vì lợi nhuận. 

Gần đây những khóa học “Chúng em làm chiến sĩ” được rất nhiều phụ huynh quan tâm khi họ cho rằng môi trường kỷ luật này sẽ rèn luyện cho trẻ tính tự giác, đúng giờ giấc, tự tin.

Vậy mà sau một tuần sống xa nhà, con trai chị Trần Hà My, ở phường Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn không thay đổi thói quen sống. Chị My phàn nàn: “Cháu vẫn thường xuyên ngủ dậy muộn, đồ dùng trong phòng thì để bừa bãi, tôi phải nhắc cháu mới dọn dẹp.

Khi gặng hỏi con đã học được những gì từ khoá học thì cháu thản nhiên trả lời: “con quên hết rồi”. Điều này khiến chị My không chỉ băn khoăn về chất lượng của những khoá học này mà còn cho rằng có thể trẻ chỉ thay đổi thói quen tại thời điểm đó, còn sau khi kết thúc khoá học thì “đâu lại đóng đấy”.

Hiện số lượng các trung tâm dạy kỹ năng sống mọc lên như nấm đáp ứng nhu cầu của các bậc phụ huynh muốn con mình được giáo dục một cách tốt nhất. Theo đó mỗi khoá học có giá từ 1,5- 5 triệu đồng.

Chị Trần Thu Nga - Nhân viên một ngân hàng - cho hay: Chị chưa bao giờ tính toán số tiền mình bỏ ra khi đầu tư cho con vào việc học, đặc biệt nó lại liên quan đến tương lai của chúng.

Chính bởi nhiều phụ huynh có tâm lý như chị Nga nên dù giá cả của các khóa học kỹ năng sống khá cao nhưng họ vẫn đổ xô cho con đi học, với kỳ vọng, con sẽ trưởng thành, khi tham gia các khóa học ngắn hạn này.

Anh Trần Tiến Minh ở phường Đức Giang (Long Biên, Hà Nội) cho hay, vợ chồng anh không có nhiều thời gian định hướng, giáo dục con một cách bài bản. Chính vì vậy, việc anh chị cho các con tham gia những khoá học kỹ năng sống sẽ giúp chúng bổ sung những kiến thức cần thiết.

Cũng theo anh Minh, sau khi cho 2 con theo khoá học về dạy tính tự lập, anh cảm thấy chúng có những thay đổi tích cực. Cậu con trai 9 tuổi, từ chỗ ham điện tử, lười biếng đã tự giác cùng bố dậy sớm tập thể dục và biết phụ mẹ một số việc nhà.

Còn cô con gái 5 tuổi, trước đây hay nũng nịu, được bác giúp việc cưng chiều phục vụ mọi việc từ vệ sinh cá nhân đến ăn uống thì nay đã biết tự làm những việc này. 

“Dù bọn trẻ cần phải giáo dục thêm và mất nhiều thời gian để dạy dỗ, nhưng vợ chồng tôi cảm thấy khá hài lòng vì sự đầu tư của mình xem ra có hiệu quả” - Anh Minh hồ hởi.

Gia đình là trường học đầu tiên

Tuy nhiên, theo TS Lã Thị Bưởi, hiện nay việc cho con tham gia những khóa học kỹ năng sống được nhiều phụ huynh áp dụng theo kiểu phong trào.

Một số người quan niệm rằng, trẻ phải đến những lớp học có điều kiện vật chất và giáo viên tốt thì mới có thể phát triển được mà không hiểu rằng kỹ năng sống không thể được gói gọn trong một khoá học.

Đó là một quá trình giáo dục từ chính môi trường sống của đứa trẻ, nó được hình thành từ những thói quen sinh hoạt hàng ngày và ý thức của bản thân về hành vi đó.

Gia đình chính là trường học đầu tiên, còn bố mẹ là người thầy đầu tiên của đứa trẻ. Việc các bậc phụ huynh cho con tham gia vào những lớp học kỹ năng sống là không cần thiết và gây tốn kém.

Các khóa học giáo dục kỹ năng sống nếu hiểu đúng thực ra chỉ là một trong những phương pháp tiếp cận để bổ sung cho trẻ lượng kiến thức nhất định.

Những kỹ năng căn bản như vệ sinh cá nhân, giao tiếp lễ phép, tự tin hay những kỹ năng cụ thể hơn như vượt qua áp lực học tập, áp lực cuộc sống, cách giải quyết những vấn đề khi trẻ gặp phải hoàn cảnh khó khăn,…trong môi trường gia đình bố mẹ cũng có thể giáo dục con cái từ chính cuộc sống đang diễn ra thường nhật, từ tình yêu thương và quan tâm đến con cái.

Một số phụ huynh quá bận rộn, phó mặc con cho nhà trường, cho các trung tâm đào tạo, và cứ nghĩ, bỏ tiền ra là mua được mọi thứ, kể cả kỹ năng sống. Mà không quan tâm đến tâm sinh lý của trẻ, thậm chí tạo cho trẻ thói quen xấu từ chính những thói quen xấu của bản thân mình.

Kể lại kinh nghiệm của bản thân, chị Lê Phương Tú ở quận Ba Đình (Hà Nội) buồn bã, sau khi cho con kết thúc khóa học tự lập 2 tuần, cô con gái 5 tuổi của chị vẫn chứng nào tật đấy.

Lý do khiến chị Tú không hài lòng là bởi dù đã áp dụng “kỷ luật sắt” với con gái nhưng do được ông bà cưng chiều nên hễ thấy chị bắt con tự làm việc gì là họ lại trách móc rồi lẳng lặng làm hộ cháu gái.

Chị Tú than phiền: “Chẳng phải học ở đâu xa, ngay chính trong môi trường gia đình mà trẻ không được giáo dục những kỹ năng sống cơ bản thì những kiến thức mà chúng được học ở các lớp học kỹ năng cũng trở thành vô nghĩa” - Chị Tú thừa nhận.

Theo ANTĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ