Rèn luyện kỹ năng thực hành chính là việc rèn luyện nâng cao khả năng chuyên ngành, là việc áp dụng các kiến thức từ lý thuyết đến việc thể hiện thực hành kỹ thuật bằng tay, kết hợp với khối óc. Kết quả cuối cùng là sản phẩm, là bài vẽ hay là tác phẩm.
Kỹ năng thực hành cụ thể trong môn hình họa này bao gồm: xác định và xây dựng bố cục, kỹ năng phương pháp dựng hình, đánh bóng và hoàn chỉnh bài.
Xây dựng bố cục như thế nào cho hợp lý, đẹp và có sáng tạo?
Thông thường, trong nguyên tắc xây dựng bố cục thường nói đến yếu tố cân bằng, cân bằng về hình, về đậm nhạt và cả về màu sắc.
Để có một bố cục đẹp thì ngoài việc lựa chọn vị trí đẹp thì việc nắm bắt về cấu trúc, đặc điểm hình để xác định cũng là một vấn đề quan trọng.
Không phải bất cứ bố cục nào cũng chia khoảng cách hai bên hay ở trên, ở dưới bằng nhau mà cần phải phụ thuộc vào cấu trúc chung của mẫu.
Ví dụ, xây dựng bố cục khi bài vẽ ở góc độ người ngồi nghiêng khác với góc độ người ngồi chính diện, vì người ngồi nghiêng thì thân mình rơi về một bên, phía trước tạo khoảng trống rất nhiều vì thế trọng lượng sẽ không được cân bằng, nếu chia khoảng cách 2 mép giấy bằng nhau thì bố cục sẽ bị lệch.
Như vậy việc xác định và xây dựng bố cục phải luôn linh hoạt, phụ thuộc theo mẫu chứ không nhất nhất bố cục nào cũng tuân thủ theo phương pháp chia đều các khoảng cách.
Ngoài ra việc xử lý không gian cũng làm cho bố cục có sự thay đổi, cần phải có cách xử lý đậm nhạt cho phù hợp để bố cục bài vẽ có sự cân bằng và dẹp.
Kỹ năng dựng hình:
Việc dựng hình có hiệu quả hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như quan sát, so sánh, phân tích, đánh giá và nắm vững lý thuyết về phương pháp dựng hình, kiến thức về giải phẩu tạo hình, phối cảnh xa gần, kỹ năng sử dụng que đo, dây dọi…
Đây là những yếu tố cần thiết mà người học cần phải nắm được và vận dụng chúng khi dựng hình.
Ngoài ra, muốn nâng cao kỹ năng trên người học cần phải thường xuyên rèn luyện bằng cách vẽ nhiều để có thể thuần thục hơn, phát hiện ra nhiều phương pháp vẽ khác hiệu quả hơn.
Muốn thế người học có thể trang bị cho mình một quyển sổ ghi chép, và việc ghi chép chủ yếu là vẽ, là kí họa. Vẽ để ghi nhớ, vẽ để nắm bắt, để hiểu và tăng cường khả năng xác định hình, nhuần nhuyễn hơn về phương pháp dựng hình….
Việc ghi chép này có thể thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc và có thể ghi chép mọi thứ, mọi đối tượng, ví dụ nếu ta vẽ nhiều bàn tay, bàn chân ở các tư thế khác nhau thì ta sẽ hiểu rõ hơn về cấu trúc, về hình thái của chúng, và việc ghi chép đó sẽ hỗ trợ rất nhiều trong các bài vẽ hình họa bán thân hay toàn thân, hơn nữa nó còn có thể hỗ trợ cho các môn học khác của chuyên ngành như bố cục, kí họa...
Một yếu tố quan trọng nữa là muốn dựng hình có hiệu quả thì người học phải biết sử dụng que đo và dây dọi có hiệu quả. Đây chính là hai công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc xác định và xây dựng hình.
Kỹ năng đánh bóng và vẽ màu:
Đánh bóng hay vẽ màu chính là việc xử lý đậm nhạt tạo khối và mảng, tạo chiều sâu và không gian cho bài vẽ.
Muốn việc đánh bóng hay vẽ màu có hiệu quả thì người học cần chú ý những vấn đề sau:
Biết xác định nguồn sáng và tương quan đậm nhạt trên mẫu, nắm được quy luật của ánh sáng, quy luật của bóng , và việc cảm nhận về màu trên mẫu.
Biết xử lý các sắc độ đậm nhạt một cách linh hoạt, việc vận dụng xử lý nét, mảng để tạo đậm nhạt cần phải phụ thuộc vào từng dạng vật mẫu, từng loại bài vẽ cho phù hợp.
Ví dụ: cách vẽ chì dối với bài vẽ tượng khác với cách vẽ chì trong bài vẽ người hay cách đi chì tạo khối khác với cách đi màu tạo khối, cách vẽ sơn dầu khác với cách vẽ bột màu, cách vẽ chì khác với cách vẽ than….
Muốn làm tốt những vấn đề trên, người học cần thường xuyên học hỏi, trao đổi với bạn bè, thầy cô…, tham khảo thêm tài liệu và đặc biệt là phải thường xuyên thực hành, thường xuyên vẽ, chính việc vẽ nhiều sẽ giúp cho người học nâng cao kỹ năng một cách nhanh chóng.
Kỹ năng đẩy sâu và hoàn chỉnh bài:
Trong quá trình vẽ người học cần thường xuyên đem bài vẽ so sánh với mẫu, sự so sánh này giúp cho người vẽ phát hiện ra cái sai trước khi đi vào việc đẩy sâu và hoàn chỉnh bài.
Đẩy sâu là đi sâu vào chi tiết, ở giai đoạn này người học dễ bị sa vào chi tiết vì thế cần phải biết chọn lọc những chi tiết đặc trưng để diễn tả, không tham lam mà làm mất đi cái chung của bài vẽ.
Đẩy sâu và hoàn chỉnh bài cũng là việc nhấn đậm, nảy sáng là nổi bật trọng tâm của bài vẽ, người học cần phải biết xác định trọng tâm cần đẩy và những điểm phụ thì cần đơn giản để tạo hiệu quả về chính phụ trong bài.