(GD&TĐ) - Nhằm xóa rào cản về ngôn ngữ và nâng cao chất lượng dạy và học môn Tiếng Việt, năm học 2013 - 2014 việc dạy học Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục (CGD) đã được áp dụng ở nhiều địa phương. Tại tỉnh Cao Bằng, quá trình triển khai cho thấy, chương trình này đã giúp HS lớp 1 hoàn thành tốt 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Chỉ đạo là vấn đề then chốt
Cô và trò Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Lê Chân, Hải Phòng) trong giờ Tiếng Việt - 1 CGD |
Trong năm học này toàn tỉnh có khoảng 162 trường mầm non, các trường học phân bố không đồng đều tại các huyện trong tỉnh. Để giúp cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1, Sở đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT tăng cường, tận dụng các phòng học hiện có của các trường tiểu học, PTCS hoặc nhà tạm để mở các lớp mẫu giáo 5 tuổi gắn với trường tiểu học trên tinh thần nơi nào có trẻ, nơi đó có lớp mầm non, từng bước thực hiện phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi.
Ông Nông Trọng Trình, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD&ĐT Cao Bằng cho biết: Để làm tốt công tác này, ngay từ cuối các năm học, Sở GD&ĐT đã có Công văn chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị thống kê, tổng hợp số liệu, phân loại các cháu 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 chưa qua mẫu giáo 5 tuổi, chưa biết nghe, nói tiếng Việt; một số biết một vài từ đơn giản về tiếng Việt nhưng chưa đủ vốn tối thiểu tiếp thu kiến thức lớp 1 để có kế hoạch giúp đỡ những HS này.
Cụ thể, những nơi số trẻ 5 tuổi quá ít (2 - 3 trẻ) thì cho các cháu ngồi nhờ lớp 1 để nghe và làm quen với tiếng Việt; Tiến hành mở các lớp Chuẩn bị tiếng Việt theo hướng đáp ứng và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ để huy động tối đa số trẻ ra lớp.
Thực hiện Công văn số 607/BGD&ĐT ngày 15/2/2012 về việc đăng ký phương án dạy học tiếng Việt 1 - CGD, Sở GD&ĐT Cao Bằng đã triển khai đến các Phòng GD&ĐT để đăng ký số trường, lớp tham gia với tinh thần tự nguyện phù hợp với thực tế của từng địa phương.
Sau đợt tập huấn tại Bộ GD&ĐT, Sở đã tổ chức tập huấn đến tất cả cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy Tiếng Việt 1 - CGD với các trường tham gia Chương trình. Trong năm học 2012 - 2013, Sở cũng đã tổ chức thăm lớp dự giờ, rút kinh nghiệm có sự tham gia của Giáo sư - Tiến sỹ Hồ Ngọc Đại và chuyên viên Viện Công nghệ giáo dục và Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.
Với mục đích giúp HS đảm bảo tốt các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, Sở GD&ĐT đã thực hiện việc tăng cường và tạo môi trường học tập tiếng Việt cho học sinh tiểu học như: Tăng thời lượng dạy và học tiếng Việt, thời lượng chương trình tăng từ 350 tiết/năm lên 500 tiết/năm; Tăng cường tiếng Việt trong môn Tiếng Việt và các môn học khác. Đồng thời tạo môi trường học tập tiếng Việt tốt cho học sinh.
Các trường học đã từng bước tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động văn nghệ, thể thao, tổ chức cho HS tham gia dán, viết các khẩu hiệu, áp phích quảng cáo, tuyên truyền ở nơi công cộng trong các ngày lễ lớn hoặc yêu cầu học sinh đọc các thông tin về các hoạt động cho gia đình và người dân được biết.
Phát huy tích cực trong dạy và học
Học sinh vùng khó có thể học tốt theo chương trình Tiếng Việt - 1 CGD |
Dạy học chương trình Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục là chương trình hiện đại phù hợp với xu thế phát triển giáo dục. Chương trình này góp phần nâng cao vai trò, vị trí của người dạy. Sau thời gian triển khai thực hiện, chương trình chất lượng dạy học Tiếng Việt lớp 1 có chuyển biến đáng kể, tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm rõ rệt.
Việc tổ chức daỵ học không mang tính áp đặt, học sinh được thực hiện các hoạt động nên đã phát huy được tính tích cực chủ động của các em. Đặc biệt là dạy học Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục đã đáp ứng vấn đề đổi mới phương pháp dạy học; "thầy thiết kế - trò thi công", lấy học sinh làm trung tâm.
Nhờ thực hiện tốt công tác chỉ đạo nên tại các cở sở giáo dục trong tỉnh việc dạy và học Tiếng Việt đã mang lại những hiệu ứng tích cực. Bà Nguyễn Kim Thư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Trung cho biết: Dạy theo tài liệu Tiếng Việt 1 - CGD, GV không phải soạn bài nên dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thiết kế bài soạn.
Các đồ dùng trực quan phục vụ cho giảng dạy cũng đơn giản và dễ kiếm. Tiến trình giờ dạy nhẹ nhàng, tự nhiên. Về phía HS, học theo chương trình này, HS có cảm giác học mà chơi, chơi mà học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi. Các em được học viết trước, học đọc sau nên HS đọc được chữ mình đã viết.
Chương trình phát huy được khả năng tư duy của HS, giúp các em mạnh dạn tự tin tham gia các hoạt động học tập. Các GV trực tiếp giảng dạy nhận thấy HS nắm chắc được cấu tạo ngữ âm, phân tích ngữ âm đúng và có kỹ năng ghi mô hình nhanh, chính xác và thành thạo.
Về kỹ năng đọc, HS đọc đúng và đọc tốt, rõ ràng và lượng tiếng đọc trong một bài nhiều. Tốc độ đọc có thể đạt tới 60 tiếng/phút. HS có kỹ năng nghe và viết chính tả tốt, nắm được luật chính tả, viết đúng cỡ chữ. Như vậy việc dạy học theo tài liệu Tiếng Việt CGD đã mang lại những hiệu quả tích cực đối với HS dân tộc ở những vùng khó khăn.
Năm học 2013 - 2014, Sở GD&ĐT Cao Bằng tiếp tục triển khai dạy học tài liệu TV1 - CGD đồng bộ trên địa bàn 13/13 huyện, thành phố của tỉnh, với số trường đăng ký tự nguyện tham gia là 116 trường, 303 lớp, 3.635 học sinh (tăng hơn so với năm học 2011 – 2012 là 45 trường, 85 lớp và 1.228 học sinh; địa bàn thành phố Cao Bằng có 15/15 trường tham gia, chiếm 100%). Sở chỉ đạo các Phòng GD&ĐT tiếp tục thực hiện tăng cường và chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh khó khăn về tiếng Việt trước khi vào học lớp 1 đồng thời thực hiện tăng thời lượng chương trình Tiếng Việt theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. |
Châu Anh
TIN LIÊN QUAN |
---|