Những kết quả nổi bật nhất trong năm học 2017 - 2018

Những kết quả nổi bật nhất trong năm học 2017 - 2018

Trình Quốc hội 2 dự án Luật

Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện hồ sơ 2 dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục ĐH, trong đó đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, khắc phục bất cập, hạn chế, giải quyết các “nút thắt” trong thực hiện đổi mới GDĐT, gửi các đại biểu Quốc hội để xin ý kiến tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.

Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về 2 Dự án Luật. Hiện nay, Ban soạn thảo tiếp tục phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trong việc tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội; đồng thời tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên đề nhằm làm sâu sắc thêm nội dung trong 2 dự án Luật; báo cáo Chính phủ đối với 2 dự án Luật; đang tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ 2 dự án Luật, trình Quốc hội xem xét thông qua.

Hoàn thành thẩm định lần 2 chương trình môn học

Sau khi Chương trình GDPT tổng thể được thông qua, dự thảo chương trình các môn học đã được biên soạn, đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT từ ngày 19/01/2018 để xin ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, các chương trình môn học này cũng được tổ chức thực nghiệm tại 48 trường phổ thông thuộc 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện 6 vùng KT-XH trên phạm vi cả nước. Đến nay, chương trình các môn học đã được Hội đồng quốc gia thẩm định lần 2 và đang tiếp tục hoàn thiện để ban hành trong tháng 8/2018.

Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; rà soát, điều chỉnh kế hoạch tổng thể thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT theo các Nghị quyết của Quốc hội.

Trong quá trình chuẩn bị chương trình, SGK mới, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở GDPT thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học chương trình GDPT hiện hành, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá và quản lý quá trình giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Hoàn thành rà soát hiện trạng đội ngũ giáo viên

Các địa phương đã phối hợp với cơ sở đào tạo giáo viên rà soát hiện trạng đội ngũ, tính toán, dự báo nhu cầu sử dụng, nhu cầu đào tạo giáo viên để thực hiện giao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm từ năm 2018 sát với nhu cầu sử dụng. Một số địa phương đã xây dựng các đề án liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; sắp xếp, cơ cấu đội ngũ, tinh giản biên chế...

Rà soát, xây dựng các chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng trường mầm non, phổ thông; xây dựng chuẩn giảng viên sư phạm; ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên, giảng viên, nhân viên trường học.

Các trường sư phạm trọng điểm, chủ chốt phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên, CBQL trường phổ thông tổ chức xây dựng mới 50 chương trình đào tạo thống nhất trong cả nước; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu và lộ trình đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Kịp thời chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo

Để chấn chỉnh tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo.

Trong đó yêu cầu các cơ sở GDĐT phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng, tập huấn cho giáo viên cách nhận diện, phòng ngừa những tình huống, nguy cơ có thể dẫn đến hành vi vi phạm đạo đức; hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo, người học khi có tình huống xảy ra; tăng cường thanh tra, kiểm tra nền nếp, kỷ cương trường học; xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần HS và người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra các vụ việc vi phạm.

Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo ngành giáo dục địa phương chủ động phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết nhanh các vụ việc xúc phạm danh dự, thân thể nhà giáo (như ở tỉnh Long An, Nghệ An, Hải Phòng), xử lý nghiêm khắc giáo viên, cán bộ quản lý vi phạm quy định đạo đức nhà giáo.

Tăng cường cơ sở vật chất trường lớp học

Bộ GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khảo sát thiết bị dạy học ở tất cả các trường trên phạm vi toàn quốc; tổ chức rà soát, điều chỉnh các chuẩn, tiêu chuẩn về trường lớp học phù hợp với chương trình GDPT mới

Việc đổi mới chương trình, SGK GDPT tới đây tập trung chủ yếu vào đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới hình thức tổ chức dạy học. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các địa phương:

Chỉ mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu và sắp xếp lại cho phù hợp với các môn học chứ không mua sắm toàn bộ; rà soát kỹ lưỡng để mua sắm, bổ sung trang thiết bị dạy học hiện đại, ứng dụng CNTT phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ hiện nay. Các nhà trường sẽ tổ chức cho giáo viên, HS tự làm thiết bị dạy học, vừa đáp ứng nhu cầu dạy và học, vừa nâng cao kỹ năng thực hành cho học sinh.

Chỉ đạo địa phương tổng rà soát, đầu tư cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh và cung cấp nước sạch trong trường học, tăng cường cơ sở vật chất; ưu tiên bố trí ngân sách địa phương, huy động xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác để giải quyết dứt điểm việc thiếu nhà vệ sinh, công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục.

Đẩy mạnh tự chủ ĐH

Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH công lập. Các cơ sở giáo dục ĐH ngày càng được giao quyền tự chủ nhiều hơn nên đã chủ động, linh hoạt hơn về tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, hoạt động ngày càng hiệu quả.

Đối với các cơ sở giáo dục ĐH được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP, kết quả tổng kết 3 năm thực hiện cho thấy thủ tục hành chính được giảm bớt, thời gian mở ngành, mở liên kết đào tạo trong nước và quốc tế nhanh chóng hơn giúp các trường chủ động trong đào tạo, tận dụng cơ hội mở ngành đào tạo để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của xã hội.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã giao 3 trường ĐH: Bách Khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Kinh tế TP Hồ Chí Minh xây dựng Đề án thí điểm không có cơ quan chủ quản để trình Thủ tướng Chính phủ.

Chuyển biến mạnh mẽ về kiểm định chất lượng giáo dục

Tính đến ngày 31/5/2018, đã có 96,5% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và trung tâm GDTX hoàn thành tự đánh giá và 43,40% cơ sở giáo dục được đánh giá ngoài; 63 tỉnh, thành phố triển khai phần mềm quản lý kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non, nhiều địa phương đã triển khai phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục đối với các cấp học, bậc học khác.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học. Với công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn đánh giá để tạo hành lang pháp lý đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực, quốc tế.

Trong 2 năm gần đây, số lượng các cơ sở giáo dục ĐH đạt tiêu chuẩn kiểm định quốc tế và trong nước tăng lên đáng kể. Số trường ĐH Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng tốp 400 trường của khu vực Châu Á ngày càng tăng.

Thành tích cao tại các kỳ Olympic khu vực, quốc tế

Công tác tuyển chọn, tập huấn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế tiếp tục được đổi mới, đạt hiệu quả cao. Các đội tuyển HS Việt Nam tham dự thi Olympic khu vực và quốc tế tiếp tục đạt thành tích xuất sắc.

Olympic Vật lí Châu Á có 8/8 thí sinh đoạt huy chương (4 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ); Olympic Tin học Châu Á có 7/7 thí sinh tham gia xét giải đoạt Huy chương (1 HCV, 4HCB, 2 HCĐ); Olympic Toán học quốc tế có 6/6 thí sinh đoạt huy chương (1 HCV, 2 HCB, 3 HCĐ); Olympic Sinh học quốc tế có 4/4 thí sinh đoạt huy chương (3 HCV, 1 HCB), đạt thành tích cao nhất từ trước đến nay; Olympic Hóa học quốc tế có 4/4 thí sinh đoạt huy chương (1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ); Olympic Vật lí quốc tế có 5/5 thí sinh đoạt huy chương (2 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ).

Kỳ thi Olympic Vật lí Châu Á năm 2018 tổ chức tại Việt Nam để lại dấu ấn sâu đậm trong bạn bè quốc tế.

Bộ GD&ĐT xếp thứ hạng cao về chỉ số cải cách hành chính

Bộ GD&ĐT đã đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử tới 100% cán bộ sử dụng và kết nối tới các sở GD&ĐT, các trường ĐH phục vụ quản lý điều hành điện tử.

Hoàn thành việc rà soát, cập nhật, công khai 200 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ GD&ĐT trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Kết quả, chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của Bộ đạt 80,01/100 điểm, xếp thứ 11/19 bộ, cơ quan ngang bộ, tăng 4 bậc so với năm 2016.

Thực hiện rà soát cắt giảm, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực GDĐT. Ban hành phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, theo đó cắt giảm, đơn giản hóa 120/212 điều kiện; trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Ngày 15/3/2018, Ngân hàng Thế giới đã ra thông cáo báo chí khẳng định, 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam (2 quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục). Đây là một thành tựu lớn của khu vực và có thể trở thành những bài học kinh nghiệm quan trọng cho các quốc gia khác trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...